Nâng tầm giá trị di sản văn hóa đô thị Hà Nội:

Phát huy thế mạnh của công nghệ số

Việc ứng dụng công nghệ số để bảo tồn di sản văn hóa đã “đánh thức” các giá trị và đưa di sản đến gần công chúng hơn, đồng thời cho thấy tính ưu việt và hiệu quả ngoài mong đợi.
Du khách quét QR code tiếp nhận thông tin hiện vật tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Du khách quét QR code tiếp nhận thông tin hiện vật tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Cách đây 5 năm, khi chàng trai 9X Nguyễn Trí Quang cho ra mắt clip sử dụng công nghệ thực tế ảo 3D (Virtual Reality 3D-VR3D) tái hiện không gian đình Tiền Lệ (huyện Hoài Đức) đã khiến giới chuyên môn và cơ quan quản lý Nhà nước phải giật mình. Cái hay là ở chỗ, công nghệ này đã giúp các nhà quản lý, tu bổ có một tham chiếu chính xác với đầy đủ màu sắc, kích thước, mặt cắt ngay cả khi di tích thực đã hạ giải. Nhờ đó, những sai lệch, biến dạng khi sửa chữa, trùng tu sẽ dễ dàng được phát hiện và điều chỉnh. Có thể coi đây là một “hàng rào” kỹ thuật ngăn tình trạng trùng tu di tích ẩu đã diễn ra khá nhức nhối thời gian qua.

Hiện nay, các điểm đến du lịch, di tích lịch sử tại Hà Nội đã bắt đầu thực hiện công tác bảo tồn di sản dựa trên nền tảng công nghệ số như: Huyện Đan Phượng, huyện Gia Lâm, Làng cổ Bát Tràng, Ban quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội, Khu Di tích Hoàng thành Thăng Long… trong đó nổi bật hơn cả phải kể đến Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Theo GĐ Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu, việc ứng dụng các công nghệ hiện đại trên là một phần nằm trong Đề án phát triển du lịch thông minh trên nền tảng công nghệ 4.0 mà trung tâm đề xuất với TP Hà Nội. Đây sẽ là những “công cụ” hỗ trợ đắc lực cho việc xây dựng sản phẩm tour đêm nhằm thu hút du khách đến với di tích, song song với đó là lan tỏa giá trị di sản, góp phần bảo tồn Di tích quốc gia đặc biệt này.

Đề cập đến yếu tố bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích trong thời đại 4.0, PGS.TS Phạm Hùng Cường (ĐH Xây dựng) nhấn mạnh, việc bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị di tích trong thời đại 4.0 sẽ có những thay đổi lớn so với giai đoạn trước. Với sự hỗ trợ của công nghệ, cách thức bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị sẽ có những cách làm mới hiệu quả, chính xác hơn và đặc biệt việc phát huy giá trị của di sản sẽ có nhiều cách tiếp cận mới hấp dẫn hơn.

Vấn đề với công tác bảo tồn và phát huy giá trị của phố cổ Hà Nội là làm sao khai thác hết thế mạnh của công nghệ như: Khảo sát và lưu trữ dữ liệu dạng 3D cho toàn bộ công trình có giá trị, đặc biệt là với những công trình khó có khả năng giới thiệu cho khách du lịch và đang có khả năng hỏng hóc khó khôi phục.

Đây là việc làm cấp thiết, bởi trong khoảng 1.000 ngôi nhà tại phố cổ mong muốn giữ, với tốc độ bảo tồn như hiện nay, nếu không số hóa sớm thì không còn tài liệu gốc để có thể tu bổ tôn tạo; phát huy thế mạnh của công nghệ để giới thiệu được các giá trị di sản phi vật thể của phố cổ Hà Nội. Đây là vấn đề khó nhưng rất có ý nghĩa, bởi giá trị văn hóa của phố cổ không chỉ ở kiến trúc. Phố cổ Hà Nội là di sản “sống” mang đậm dấu ấn văn hóa cư trú của thị dân qua các giai đoạn phong kiến và thuộc địa.

“Công trình kiến trúc có thể lưu giữ qua thời gian nhưng những giá trị phi vật thể thì dễ dàng mất đi theo thời gian do cuộc sống thay đổi. Những lối sống buôn bán phường hội, các phố hàng đặc trưng, phong cách thanh lịch, ẩm thực phố cổ, các tập quán xưa vốn song hành cùng kiến trúc cổ đã mai một đi nhanh hơn cả di sản kiến trúc. Vì vậy, rất cần công nghệ để bù đắp phần khiếm khuyết này”, ông Phạm Hùng Cường nhấn mạnh.

Trong xu thế hiện nay, khi du khách có nhu cầu trải nghiệm theo hướng ngày càng “thông minh”, việc áp dụng công nghệ vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản đô thị gắn với phát triển du lịch sẽ đáp ứng được nhu cầu phát triển trong bối cảnh mới. Đấy cũng sẽ là cách để di sản “sống” trong đời sống đương đại và tương lai.

Triệu Tâm

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.