Con đường chinh phục thảm đỏ SEA Games 31 của nữ võ sĩ Hà Nội

Theo nghiệp võ từ năm 8 tuổi, giắt túi gần 80 tấm huy chương các loại từ giải khu vực đến châu lục như HCV Giải trẻ Thế giới, giải trẻ Châu Á, Asian Indoor Games, ASIAD 17, SEA Games,… nhưng với nữ võ sĩ Hà Nội Dương Thúy Vi, “cú đúp” HCV SEA Games 31 là giải thưởng ý nghĩa nhất khi lần đầu tiên giành chiến thắng trên sân nhà.
VĐV Dương Thúy Vi trình diễn đẹp mắt, xuất sắc giành “cú đúp” 2 HCV tại SEA Games 31. Ảnh M.M
VĐV Dương Thúy Vi trình diễn đẹp mắt, xuất sắc giành “cú đúp” 2 HCV tại SEA Games 31. Ảnh M.M

Kỳ SEA Games đáng nhớ

Trò chuyện với Dương Thúy Vi sau cú đúp giành 2 HCV SEA Games 31, nữ võ sĩ Hà Nội (SN 1993) không nén được xúc động bởi đây là lần đầu tiên tham dự đấu trường SEA Games 31 trên sân nhà. Tranh tài 3 nội dung thi đấu Taolu Kiếm thuật, Thương thuật, Trường quyền, mục tiêu của võ sĩ Hà Nội giành 3 tấm HCV SEA Games 31, nhưng việc thi đấu với cường độ 3 ngày liên tiếp ít nhiều ảnh hưởng đến phong độ và kết quả dừng lại ở con số 2 HCV.

Thi đấu ở lứa tuổi 29, được coi là ở lứa tuổi khá “dừ” trong đội tuyển Wushu Hà Nội, nhiều đồng đội cùng thời đến nay đã giải nghệ hoặc chuyển hướng công tác huấn luyện thì Dương Thúy Vi vẫn là vận động viên “cầm trịch” huy chương trong các giải đấu trong nước và quốc tế.

Gắn bó với thể thao chuyên nghiệp, bên cạnh thành tích thi đấu thành công, niềm may mắn lớn nhất của võ sĩ Dương Thúy Vi thời điểm này chính là bản thân không đối mặt với chấn thương nghiêm trọng so với đồng đội. Nhiều đồng đội của cô phải thực hiện phẫu thuật, tiêm thuốc giảm đau liều cao trước khi lên thảm đấu.

Năm 2008, Thúy Vi lao đao vì chấn thương đầu gối bị giãn, thành tích thất bại, cô từng nghĩ đến chuyện giải nghệ sớm. May mắn là nhờ nỗ lực và ý chí “thép” khổ luyện hơn người trước mọi gian khó đã giúp võ sĩ Hà Nội chiến thắng chính “số phận”.

Từ một võ sĩ vô danh, Dương Thúy Vi đã có cú “lội ngược dòng” khi xuất sắc giành tấm HCV lịch sử tại Á vận hội 2014. Chiến thắng đầy ngoạn mục của Dương Thúy Vi không chỉ là tấm HCV đầu tiên cho Đoàn Thể thao Việt Nam mà còn ghi bảng vàng thành tích với thể thao Hà Nội khi không phải mòn mỏi đợi tấm HCV ASIAD đầu tiên nữa. Đồng thời, giải “cơn khát vàng” sau 24 năm chờ đợi mòn mỏi của làng wushu Việt Nam với nhiều thăng trầm.

Bứt phá “thần tốc”, cái tên Dương Thúy Vi liên tục là người “mở hàng” huy chương tại các kỳ SEA Games. Trước ASIAD 17, Thúy Vi từng đạt được tấm HCV thương thuật tại giải vô địch thế giới, cùng đó là 1 HCB và 1 HCĐ. SEA Games năm 2013, nữ võ sĩ lập “hat-trick” HCV nội dung Kiếm thuật. Lần gần nhất, Thúy Vi tham gia SEA Games 28 (năm 2017) và giành 2 HCV ở nội dung Kiếm thuật và Thương thuật.

Tại SEA Games 30 (năm 2019) tổ chức Philippines, nước chủ nhà không đưa nội dung Taolu vào thi đấu. Và để tham dự SEA Games 31, Dương Thúy Vi chờ đợi 5 năm mới được trở lại đấu trường thể thao lớn nhất khu vực. Trong hành trình chờ đợi, võ sĩ Hà Nội cũng chia sẻ khó khăn khi hai năm vừa qua, tình hình dịch bệnh căng thẳng, các vận động viên không có giải đấu cọ xát, tập huấn trong nước và quốc tế. Bởi thế, kết quả 2 HCV SEA Games 31 môn Wushu là thành tích đáng tự hào khi giữ vị trí ngôi vương số 1 Đông Nam Á.

Mục tiêu HCV ASIAD 19

Sau kỳ SEA Games 31 thành công, Thúy Vi chia sẻ rằng sẽ không ngủ quên trên chiến thắng. Nữ võ sĩ Hà Nội tiếp tục đặt mục tiêu cho giải đấu ASIAD 19 tổ chức Hàng Châu, Trung Quốc. Sự trở lại đấu trường thể thao từng giành HCV danh giá tại ASIAD 2014 sẽ là “cột mốc” đáng nhớ tiếp theo trong sự nghiệp thi đấu Dương Thúy Vi.

Ít ai biết, bên cạnh sự nghiệp thi đấu thể thao chuyên nghiệp, Thúy Vi còn là huấn luyện viên “mát tay” đào tạo các võ sĩ trẻ. Từ tấm HCV ASIAD 17, Thúy Vi vinh dự nhận suất biên chế chính thức thể thao Hà Nội. Đó là động lực để Thúy Vi gắn bó, nỗ lực và cống hiến cho môn truyền thống Wushu, đóng góp thành tích cho thể thao Hà Nội. Cụ thể, tại SEA Games 31, các võ sĩ Wushu Hà Nội góp 8/10 HCV của đội tuyển quốc gia, khẳng định thương hiệu đào tạo chuyên nghiệp của thể thao Hà Nội.

Chia sẻ về định hướng nghề nghiệp, Thúy Vi cho biết sẽ thi đấu hết mình, “còn sức khỏe còn thi đấu”. Sau khi giải nghệ sự nghiệp vận động viên, cô sẽ chuyển hướng sang công tác huấn luyện và tiếp tục gắn bó với Wushu, đào tạo lứa vận động viên trẻ.

Dù được sinh ra từ cái nôi võ thuật khi bố là võ sĩ Thiếu Lâm Dương Văn Thắng, mẹ là cựu võ sĩ Vịnh Xuân Quyền Nguyễn Thị Hoa nhưng cả hai bố mẹ đều không muốn cô con gái duy nhất theo nghề võ chuyên nghiệp. Chính tình yêu và ý chí đã “tiếp lửa” Dương Thúy Vi gắn bó với Wushu hơn 20 năm nay và đạt nhiều thành tích cho thể thao nước nhà.

Mộc Miên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.