Nhận diện đúng vai trò dẫn vốn của kênh trái phiếu doanh nghiệp

Để phát triển thị trường trái phiếu DN lành mạnh, minh bạch, ổn định, cần có sự nhận diện đúng vai trò của trái phiếu DN, đi cùng là các giải pháp đúng và trúng để đáp ứng các mục tiêu thúc đẩy thị trường vốn, đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng DN, tăng trưởng của nền kinh tế và hội nhập tài chính toàn cầu.
Một số chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc sửa đổi, bịt các “lỗ hổng”, Luật và Nghị định cũng phải tăng cường bảo vệ nhà đầu tư hơn
Một số chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc sửa đổi, bịt các “lỗ hổng”, Luật và Nghị định cũng phải tăng cường bảo vệ nhà đầu tư hơn

Sớm hoàn thiện hạ tầng pháp lý

Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thị trường trái phiếu “hạ nhiệt” vì một số chính sách mới, trong đó phải kể đến Thông tư 16/2021/TTNHNN có hiệu lực kể từ 15/01/2022 với các quy định chặt chẽ hơn dành cho các tổ chức tín dụng trong việc mua bán trái phiếu DN. Cùng với đó, là những vụ việc liên quan đến các vi phạm pháp lý trên thị trường vốn và những rủi ro của thị trường trái phiếu DN trong thời gian qua cũng tác động tạo nên “điểm nghẽn” trên thị trường.

Đặc biệt, mặt bằng lãi suất đang có tín hiệu tăng lên, trong khi các gói hỗ trợ tài khóa tiền tệ còn một số phần chưa thể tiếp cận, nhất là gói hỗ trợ cấp bù lãi suất chưa đi vào triển khai. Vì vậy, ông Hoàng Quang Phòng cho rằng, cần phải có sự nhận diện đúng về vai trò dẫn vốn của kênh trái phiếu DN, từ đó có những giải pháp “trúng và đúng” để thúc đẩy thị trường phát triển hiệu quả và bền vững, đóng góp vài trò vào sự phát triển của cộng đồng DN cũng như tăng trưởng của nền kinh tế và hội nhập tài chính toàn cầu.

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, thị trường trái phiếu DN Việt Nam phát triển tương đối nhanh. Đến hết tháng 3 năm nay, tổng dư nợ thị trường trái phiếu đạt 3,3 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 37,4% GDP; trong đó, dư nợ trái phiếu DN tương đương 14,8% GDP. So với các nước châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, quy mô thị trường trái phiếu DN của Việt Nam tuy phát triển nhanh nhưng vẫn còn nhiều dư địa bởi nhu cầu về vốn trung và dài hạn rất lớn trong thời gian tới.

Cần có các giải pháp để kiểm soát

Để thị trường trái phiếu DN phát triển lành mạnh, an toàn, các chuyên gia khuyến nghị, cần sớm giải quyết dứt điểm các vụ việc bao gồm rà soát, đánh giá rủi ro từ hoạt động cung cấp dịch vụ và phát hành trái phiếu riêng lẻ. Đồng thời, cần củng cố hành lang pháp lý chặt chẽ hơn nhưng cũng phù hợp, sát gần DN, theo cơ chế thị trường, đề cao vai trò tiền kiểm.

TS. Cấn Văn Lực đề xuất, các cấp có thẩm quyền cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý phù hợp với điều kiện mới của thị trường, cụ thể là sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP về phát hành trái phiếu DN riêng lẻ, Nghị định 156/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, rà soát Luật Chứng khoán 2019 tiến tới sửa đổi đồng thời nâng chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp…Bên cạnh đó, ông Lực kiến nghị, cần có quy định về định hạng tín nhiệm nhằm giúp nhà đầu tư dễ dàng xác định chất lượng DN, mức độ rủi ro của trái phiếu phát hành và các quy định nhằm đảm bảo các Cty định hạng tín nhiệm có đủ năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp.

Về cơ sở hạ tầng, ông Lực đề xuất thiết lập thị trường trái phiếu DN thứ cấp tập trung với các quy định áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế cũng như nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu… đồng thời phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ như một chuẩn định hạng đối với trái phiếu DN. Và cuối cùng cần hoàn thiện cơ chế và nâng cao chất lượng quản lý và giám sát thị trường trái phiếu DN, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát trên cơ sở rủi ro, chứ không chỉ là biện pháp hành chính.

Ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, không cần kiểm soát quá chặt chẽ dòng vốn và mục đích sử dụng vốn của DN phát hành trái phiếu mà cần cơ chế cởi mở nhưng có những quy định trách nhiệm cụ thể với các chủ thể để nguồn thông tin trên thị trường được minh bạch, có sự ràng buộc, cam kết. Nói về vai trò của việc xếp hạng tín nhiệm. Theo ông Hòe, DN làm dịch vụ xếp hạng tín nhiệm trên thị trường hiện nay còn nhiều hạn chế, lực lượng mỏng sẽ không đủ sức đáp ứng yêu cầu khi thị trường tăng cao. Do đó, cơ quan quản lý cần tạo điều kiện cho các DN này phát triển ổn định, có tiềm lực để góp phần thúc đẩy thị trường trái phiếu tăng trưởng.

Để xây dựng được thị trường trái phiếu DN chuyên biệt, phát triển lành mạnh và theo thông lệ quốc tế, giới chuyên môn cho rằng, thị trường phải bao gồm được các yếu tố: cơ sở pháp lý, cơ sở hạ tầng, hệ thống thanh toán, bù trừ chuyên biệt, các thành viên giao dịch chuyên nghiệp... Đây là những nội hàm quan trọng để thị trường trái phiếu DN có thể phát triển bền vững trong thời gian tới và hoàn thành mục tiêu cân đối vốn trung dài hạn cho nền kinh tế.

Nguyễn Đăng

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.