Làm thế nào để giải quyết tình trạng “phố biến thành sông”?

Dù đầu tư hàng nghìn tỷ đồng làm các dự án thoát nước trong những năm qua nhưng Hà Nội vẫn “hễ mưa là ngập”. Để giải được bài toán này rất cần các giải pháp tổng thể, đồng bộ trong hệ thống thoát nước đô thị.
Các phương tiện di chuyển gặp khó khăn vì mưa lớn, khiến đường ngập sâu
Các phương tiện di chuyển gặp khó khăn vì mưa lớn, khiến đường ngập sâu

Nhiều tuyến phố ngập sâu

Sáng 24/5, mưa lớn tiếp tục kéo dài, khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn Hà Nội ngập sâu, các phương tiện di chuyển khó khăn, nhiều tuyến xảy ra tình trạng ùn tắc. Các tuyến đường vào trung tâm Thủ đô ghi nhận ùn tắc nghiêm trọng, điển hình như Tố Hữu, Lê Văn Lương, đường Láng, khu vực nút giao Ngã Tư Sở, đường Trường Chinh, đường Vũ Trọng Phụng.

Mưa lớn khiến địa bàn TP xuất hiện một số điểm ứ đọng nước như: Ngô Xuân Quảng (trước cổng trường Đại học Nông nghiệp); Nam Đuống (trước tòa nhà An Quý Hưng); Đức Giang (từ chợ Đức Hoà đến ngõ 97); đường Đàm Quang Trung (trước và đối diện tòa nhà Aeon mall); Vũ Xuân Thiều, đường Cổ Linh, đường Ngọc Lâm (từ ngã 3 Long Biên đến Xí nghiệp môi trường đô thị Gia Lâm); trục thoát nước qua ngõ 80 Hoa Lâm, Yên Duyên (đường vành đai 3); Đại lộ Thăng Long (hầm chui dân sinh số 3,5 km9+656); Ecohom 3 (bao gồm trường tiểu học Đông Ngạc)... do mực nước hệ thống dâng cao.

Đặc biệt, tại đường gom Đại lộ Thăng Long, phố Lê Trọng Tấn đoạn qua khu đô thị Geleximco, Thiên đường Bảo Sơn, huyện Hoài Đức, ngập sâu gây ùn tắc nghiêm trọng cho các phương tiện qua khu vực này. Khu vực hầm chui Đại lộ Thăng Long ngập sâu khoảng nửa mét khiến nhiều phương tiện di chuyển qua đây gặp khó khăn.

Tương tự, khu vực Ngọc Lâm, quận Long Biên, có đoạn ngập kéo dài 100m; phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, đoạn dưới chân cầu Vĩnh Tuy cũng ngập cục bộ khoảng 60m, sâu 0,2m.

Trước đó, sáng 23/5 một số tuyến đường trên địa bàn Hà Nội cũng rơi vào cảnh ngập nặng, khiến các phương tiện "chật vật" lưu thông.

Chị Ngọc Bùi, ở quận Long Biên cho biết: “Ngày 23-5, thấy người bạn ở Vĩnh Phúc đăng ảnh lên facebook than đường phố đang biến thành sông… chị vẫn tự hào khoe Long Biên nhà mình vẫn đường thông hè thoáng, được cái không lụt. Nhưng đến sáng ngày 24 đã ngậm ngùi than ngược rằng để đến được chỗ làm, chị cũng phải “bơi” trong dòng nước, khiến người chả còn chỗ nào khô”.

Cô Trần Tâm, giáo viên tại trường Tiểu học Nghĩa Đô chia sẻ: “Các con đi học từ 7h mà có bạn đến 9h30, thậm chí có con đến tận trưa mới thấy đến lớp. Rất lo lắng cô đã liên lạc với phụ huynh thì được biết do các con phải di chuyển trên các cung đường bị ngập nên không thể đến lớp đúng giờ”.

Đã có nhiều giải pháp nhưng chưa thật hiệu quả

Để đảm bảo công tác phòng, chống úng ngập, ngay khi có mưa, Cty Thoát nước Hà Nội đã triển khai công tác ứng trực, giải quyết thoát nước, vớt rác tại miệng thu trên toàn địa bàn quản lý và vận hành các trạm bơm Yên Sở, Đồng Bông 1, Đồng Bông 2, Cổ Nhuế, DPS… để hạ mức nước trên hệ thống, đảm bảo khả năng tiêu thoát nước.

Về nguyên nhân ngập úng trên đường gom Đại lộ Thăng Long, lãnh đạo Cty lý giải là do mực nước sông Nhuệ dâng cao. Trong khi đó, khu vực hầm chui dân sinh đường gom Đại lộ Thăng Long, cốt mặt đường thấp hơn cao độ nhà dân xung quanh từ 50-70cm. Các mương tiêu thoát nước chủ yếu bằng hình thức tự chảy nên khi mực nước sông Nhuệ dâng cao hơn mặt đường hầm chui, các tuyến mương không thể tiêu thoát nước nên gây ra tình trạng ngập úng.

Vào năm 2021, Cty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã thực hiện nạo vét hệ thống truyền dẫn cống, mương, kênh, sông… tại các trục tiêu thoát nước chính để khơi dòng chảy. Đồng thời, Hà Nội cũng tập trung sửa chữa, bảo dưỡng các trạm bơm, đập điều tiết. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành hệ thống thoát nước, cảnh báo điểm ngập úng mỗi khi trời mưa…

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, để phục vụ mục tiêu thoát nước, từ năm 2005 đến nay, UBND TP Hà Nội đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng cho các dự án thoát nước. Trong đó, lớn nhất là 3 dự án được triển khai với tổng số tiền hơn 19.000 tỷ đồng.

Cụ thể, dự án thoát nước Hà Nội có mức đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng, hoàn thành vào cuối năm 2016. Dù vậy, từ sau khi hoàn thành đến nay, Hà Nội vẫn không tránh được ngập úng.

Nhiều điểm ở nội thành Hà Nội vẫn ngập khi trời mưa to. Bởi đa phần hệ thống thoát nước của Hà Nội vốn kế thừa quy hoạch thoát nước của người Pháp trước năm 1954. Thêm đó, Hà Nội ngày càng mở rộng, kéo theo quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, dẫn đến nhiều vấn đề về đô thị cần được giải quyết. Trong đó có việc rác thải không được thu gom tốt, dẫn tới tắc cống, ngăn dòng chảy của hệ thống thoát nước.

Dù TP Hà Nội có sông Hồng, sông Tô Lịch, sông Nhuệ, là hệ thống thoát nước chung nhưng chủ yếu là tự chảy nên năng lực tiêu thoát còn gặp nhiều hạn chế. Vì vậy, cần quy hoạch nhiều điểm trạm bơm thoát nước, giếng thu, hồ điều hòa, vùng bán ngập, để nâng cao năng lực thoát nước cho nội thành.

Cùng đó, hệ thống mương nông nghiệp tiêu thoát nước cho các hầm chui chưa được duy tu, sửa chữa thường xuyên. Vì vậy, rất cần các giải pháp tổng thể, đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch đô thị. Đồng thời cần xây dựng thêm các hồ điều hòa lớn.

Về tổng thể, Hà Nội cần quan tâm hơn tới việc quy hoạch trả lại các khoảng trống, các không gian lớn như lưu vực sông, hồ, vùng đất trũng, thấp... là nơi chứa, tích nước, thoát nước có tính tống thể, lâu dài, bền vững.

Theo đó, cũng cần rà soát lại quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, trong đó có hệ thống thoát nước trên cơ sở khoa học, thực tiễn và tính khả thi, gắn với quy hoạch chung đô thị Hà Nội. Việc đầu tư, duy tu, bảo dưỡng, xây dựng mới hệ thống thoát nước phải đảm bảo tiêu chuẩn quốc gia, quy trình, chất lượng theo quy định của pháp luật.

Mặt khác, cần tăng cường độ thẩm thấu, thoát nước tự nhiên trên bề mặt đô thị bằng các giải pháp như tăng độ che phủ thảm cỏ, vườn hoa, công viên, cây xanh. Không xây dựng các khu đô thị mới một cách tràn lan khi hạ tầng kỹ thuật đô thị chưa theo kịp hoặc không có khả năng đáp ứng.

Đồng thời xây dựng chế tài đủ mạnh để răn đe các hành động gây cản trở hoặc làm giảm thiểu năng lực của hệ thống thoát nước như san lấp lưu vực chứa, thoát nước sông, hồ, ao; xả chất thải, rác thải, đất, cát xuống hệ thống thoát nước chung của TP.

Linh Huy

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.