Từ những vụ ôm con tự tử:

Vi phạm về quyền được sống của trẻ em

Việc tự tử kéo theo con là việc mà cho dù bất cứ lý do gì đều là điều tuyệt đối không thể được. Đó là chưa nói, quyền được sống, quyền được lớn lên một cách lành mạnh của trẻ em đã được quy định rất rõ trong Hiến pháp cũng như trong các quyền về trẻ em.
Mọi trẻ em đều có quyền cố hữu được sống
Mọi trẻ em đều có quyền cố hữu được sống

Những vụ việc đau lòng

Ngày 8/5, chị V.T.H.T, giáo viên mần non (huyện Cẩm Giàng, Hải Dương) ôm hai con nhỏ nhảy sông gây chấn động dư luận. Vụ việc gây thương tâm khi hai em bé tử vong còn nhỏ dại, một em mới chỉ hơn 2 tuổi, một em 9 tháng tuổi. Đã không có bất cứ phép màu nào để các em có cơ hội được tiếp tục sống, cho dù cuộc sống có thể không còn đủ đầy bố - mẹ. Nguyên nhân ban đầu được cho là xuất phát từ mâu thuẫn giữa hai vợ chồng. Bởi trước khi chọn cách giải quyết tiêu cực nhất, chị T cũng đã để lại những tin nhắn ẩn ý cho người nhà.

Tiếp đó, ngày 17/5, anh M.X.B (29 tuổi, quê Quảng Bình, tạm trú TP Đà Nẵng) chạy xe máy chở theo con gái M.N.D.L, khi đến giữa cầu Cửa Đại, anh B bồng con trèo qua lan can cầu và nhảy xuống sông tự tử. Theo nhân chứng của vụ việc, khoảng 11h, những người qua đường thấy một người đàn ông chạy xe máy chở theo một đứa trẻ chừng 6 tuổi lên cầu có biểu hiện bất thường. Khi đến giữa cầu, người đàn ông dừng xe, thoáng chút tần ngần rồi bất ngờ ôm cháu nhỏ nhảy xuống sông Thu Bồn. Trước khi nhảy xuống sông, một số người còn nghe cháu nhỏ vùng vẫy, thét lên hoảng loạn: "Đừng ba ơi, đừng ba ơi…". Ngay sau khi vụ việc xảy ra, lực lượng cứu hộ cùng người dân địa phương đã tập trung tìm kiếm. Tới 12h thì thi thể người đàn ông được tìm thấy cách hiện trường chừng 200m. Nguyên nhân dẫn tới sự việc đau lòng trên bước đầu được xác định lại do mâu thuẫn chuyện gia đình.

Trước đó, tháng 1/2021, sau khi cãi nhau với cha, chị N.T.H.N (24 tuổi, ở xã Tân Hà, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh đã điều khiển xe máy chở theo 2 con gái là cháu T.A (SN 2014) và B.V (SN 2017) ra khỏi nhà. Đến địa điểm thuận lợi, chị N đã ôm 2 con nhảy xuống kênh tự tử sau khi đăng dòng status cuối cùng trên mạng xã hội với nội dung "Tôi ra đi là do tôi tự lựa chọn, không muốn ai vướng bận gì về mẹ con tôi". Và cũng cách đây không lâu, chị L (SN 1985) đèo 2 con trai (SN 2009 và 2015) bằng xe máy, nói đi mua quần áo cho con. Sau đó, chị T đi về hướng đầu huyện Tiên Lãng. Lên cầu, chị cho con ăn cháo rồi ôm hai con nhảy cầu. May mắn thay, con lớn của chị T là cháu V.A.T (SN 2009) đã đẩy mẹ ra chạy thoát. Chị T ôm con nhỏ còn lại nhảy xuống sông, để lại thư tuyệt mệnh trong cốp xe…

Vi phạm pháp luật

Về các câu chuyện kể trên cũng có nhiều ý kiến trái chiều. Không hiếm những ý kiến tỏ ra thương xót những ông bố, bà mẹ có những hành động thiếu suy nghĩ trên. Họ cho rằng khi đối diện với những nỗi đau tột cùng mà không được chia sẻ, nhiều người sẽ nghĩ quẩn mà quyên sinh lôi theo những đứa trẻ con.

Tuy nhiên, cũng có rất nhiều ý kiến vừa thương vừa giận. Thương vì những bà mẹ, ông bố đó đã quá mong manh trong cuộc sống. Việc đối diện và kỹ năng xử lý những cú vấp trong cuộc sống cực kỳ kém dẫn đến việc để tâm lý chìm đắm trong các nỗi đau. Giận vì những người lớn này vô cùng ích kỷ, vô trách nhiệm không chỉ với bản thân mình, mà với cả những người xung quanh.

“Đã có đứa trẻ nào trong các câu chuyện trên được bố/mẹ của chúng hỏi chúng rằng chúng có muốn sống không? Đã có người bố/mẹ nào thực sự nghiêm túc để hỏi cho dù sống có thiếu thốn, nhưng còn hơn ngàn vạn cái chết theo với bố/mẹ” – chị Nguyễn Ngọc Bích (phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng) bày tỏ.

Đồng tình với chị Bích, chị Nguyễn Thị Tuyết (huyện Gia Lâm), giáo viên tiểu học cho rằng, việc để các con cùng mình kết liễu cuộc sống có thể với những người kể trên, đó là thể hiện tình yêu thương.

“Dân gian ta có câu, không có bố ăn cơm với cá, không có mẹ quét lá ngoài đường – có thể bắt nguồn từ suy nghĩ ấy nên các ông bố bà mẹ mới dại dột đem con đi tự tử. Hoặc cũng có người tiêu cực hơn, họ nghĩ rằng việc họ để những đứa trẻ chết cùng sẽ khiến người chồng/vợ ở lại đau khổ, ân hận. Lúc này, những đứa trẻ trở thành công cụ để người lớn… trả thù nhau. Nhưng cho dù bất cứ lý do gì, thì việc đem những đứa trẻ trở thành công cụ cũng rất ích kỷ và tàn nhẫn” – chị Tuyết nói.

Đó là chưa nói, việc ôm con tự tử đã phạm vào những điều cấm của Luật Trẻ em. “Việc tước đoạt quyền sống của trẻ em là một trong những hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 6, Luật Trẻ em. Cũng trong Luật này, Điều 12 cũng quy định rất rõ về quyền sống của trẻ em. Theo đó, trẻ em có quyền được bảo vệ tính mạng, được bảo đảm tốt nhất các điều kiện sống và phát triển” – luật sư Nguyễn Tiến Hùng – Đoàn Luật sư TP Hà Nội phân tích. Công ước về Quyền trẻ em của Liên Hợp quốc cũng đã quy định rất rõ về điều này. Theo đó, Điều 6 Công ước quy định: Mọi trẻ em đều có quyền cố hữu được sống và Nhà nước có nghĩa vụ bảo đảm đến mức tối đa có thể được sự sống còn và phát triển của trẻ em.

Theo luật sư Nguyễn Tiến Hùng – Đoàn Luật sư Hà Nội, việc ôm con tự tử vì bất cứ lý do gì được coi là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi này đã cấu thành tội “Cố ý giết người” theo quy định tại Điều 123 Bộ Luật hình sự 2015. Đồng thời, hành vi đó cũng đã tước đoạt mạng sống của người khác, vi phạm vào quyền sống, quyền được pháp luật bảo hộ tính mạng con người được quy định tại điều 19 của Hiếp pháp.

Minh Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.