Dịch sốt xuất huyết gia tăng nhanh chóng, TP Hồ Chí Minh có 7 ca tử vong

Trong tuần 20, Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận 943 ca bệnh sốt xuất huyết, tăng 156 ca (20%) so với trung bình 4 tuần trước. Trong đó số ca bệnh tăng chủ yếu là trường hợp nhập viện điều trị nội trú.
Dịch sốt xuất huyết gia tăng nhanh chóng, TP Hồ Chí Minh có 7 ca tử vong
Ngành y tế khuyến cáo mỗi người dân cần nâng cao ý thức phòng bệnh sốt xuất huyết bằng cách diệt bọ gậy (ảnh CDC TP HCM)

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) TP Hồ Chí Minh về dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue (SXH) , trong 4 tháng đầu năm 2022, TP ghi nhận 8.481 ca trường hợp mắc bệnh SXH, tăng 28% với cùng kỳ năm 2021 là 6.639 ca.

Trong tuần 20 (từ ngày 13/5-19/5), TP ghi nhận ghi nhận 943 ca bệnh SXH, tăng 156 ca (20%) so với trung bình 4 tuần trước. Trong đó số ca bệnh tăng chủ yếu là trường hợp nhập viện điều trị nội trú.

Cũng trong tuần 20, đã có thêm 1 ca tử vong do sốt xuất huyết tại huyện Củ Chi. Như vậy, số ca tử vong do SXH từ đầu năm đến nay đã là 7 trường hợp.

Một số quận huyện có số ca bệnh trong tuần giảm so với số ca trung bình 4 tuần trước là: Quận 1, Quận 3, Quận 4, Quận 5, Quận 8, Quận 10, Quận 11, Phú Nhuận.

Tuy nhiên, vẫn còn những phường xã có số ca bệnh tăng cao so với trung bình 4 tuần trước là phường Tân Thới Hiệp, Thạnh Xuân (Quận 12); phường Phú Thạnh, Sơn Kỳ (Tân Phú); xã Xuân Thới Thượng (Hóc Môn).

SXH Dengue do một loại virus có tên là Dengue lây lan cho người, do muỗi mang virus Dengue đốt người. Người bị nhiễm virus Dengue do muỗi mang virus Dengue đốt, qua vết đốt, virus từ tuyến nước bọt của muỗi sẽ vào máu người rồi gây bệnh SXH.

Có hai loại muỗi truyền bệnh SXHD là Aedes aegypti (muỗi vằn) hoặc muỗi Aedes albopictus (muỗi hổ châu Á). Đặc biệt, muỗi vằn đốt, hút máu và truyền virus Dengue cả ban ngày, cả ban đêm nhất là sáng sớm và chiều tối.

Triệu chứng bệnh sốt xuất huyết Dengue thường trải qua 3 giai đoạn:

Giai đoạn đầu tiên (giai đoạn 1), các triệu chứng bệnh thường rất khó phân biệt với các loại sốt virus thông thường, thường biểu hiện sốt cao, đột ngột 39-40 độ C trong 1 hoặc 2 ngày đầu, sau đó bệnh chuyển sang giai đoạn 2.

Giai đoạn 2 (từ ngày thứ 3 cho đến ngày thứ 7) kể từ khi bị sốt, các triệu chứng nặng của bệnh bắt đầu được nhận thấy như xuất huyết dưới da (ở mặt trước hai cẳng chân, mặt trong của cánh tay, bụng, đùi), chảy máu cam, chảy máu chân răng, thậm chí xuất huyết nội tạng (đái máu hoặc rong kinh, kinh nguyệt kéo dài ở phụ nữ). Sau đó, bệnh chuyển sang giai đoạn 3.

Giai đoạn 3 là là giai đoạn hồi phục (người bệnh hết sốt và thể trạng bắt đầu tốt dần lên, có cảm giác thèm ăn, huyết động bắt đầu ổn định và người bệnh đi tiểu nhiều, các xét nghiệm tiểu cầu tăng dần lên và trở về trạng thái bình thường). Tuy vậy, những bệnh nhân nặng, từ giai đoạn này sẽ xuất hiện biến chứng diễn tiến rất khó lường.

Biến chứng nguy hiểm của sốt xuất huyết Dengue: Trước hết phải kể đến là sốc do mất máu, thoát huyết tương. Nếu tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến dịch huyết tương có thể ứ đọng trong màng não qua các thành mạch, gây phù não và các hội chứng về thần kinh, dẫn đến hôn mê. Thoát huyết tương có thể bị tràn, xâm nhập vào đường hô hấp, gây viêm đường hô hấp, tràn dịch màng phổi, viêm phổi hoặc phù phổi cấp, nếu không được cấp cứu, tính mạng của người bệnh có thể bị đe dọa.

Các biến chứng khác như hạ huyết áp, suy tim, suy thận, biến chứng mắt (gây mù đột ngột do xuất huyết võng mạc). Với phụ nữ đang mang thai, nếu bị SXHD trong những ngày đầu mắc bệnh, bà bầu có thể bị sốt cao, khiến nhịp tim thai đập nhanh hơn, làm ảnh hưởng đến thai nhi. Nếu bị sốt xuất huyết trong những tháng đầu của thai kỳ, bà bầu rất dễ bị sẩy thai.

Ngành y tế khuyến cáo, mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi cơ quan thực hiện diệt lăng quăng, diệt muỗi để phòng Sốt xuất huyết:

Dành 10 - 15 phút mỗi tuần để dọn dẹp nơi mình làm việc, sinh sống, từ trong nhà đến xung quanh nhà, thu dọn, không để có vật chứa đọng nước làm phát sinh lăng quăng. Lật úp các xô, lọ, chai cũ không dùng đến; cọ rửa và thay nước lọ hoa, chén nước cúng ít nhất 01 lần/tuần, dọn dẹp mái hiên, nóc nhà, máng xối,…

Đậy kín lu, hồ, phuy chứa nước khi không dùng đến để tránh muỗi đẻ trứng và phát sinh lăng quăng, muỗi.

Đối với những nơi chứa nước không dùng để uống, sinh hoạt có thể thả cá để diệt lăng quăng.

Sử dụng bình xịt, nhang, kem thoa xua muỗi, mặc áo quần dài tay, ngủ mùng kể cả ban ngày… để tránh muỗi đốt.

TP HCM chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên toàn diện
Những triệu chứng dễ nhầm lẫn giữa sốt xuất huyết với Covid-19
Hà Nội triển khai công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết

Vân Hà

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.