Hoạt động lập vi bằng giúp người dân bảo vệ mình trong các quan hệ dân sự

Thực hiện chủ trương cải cách tư pháp và xã hội hóa một số hoạt động trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp của Đảng và Chính phủ, hoạt động Thừa phát lại trên địa bàn Hà Nội được triển khai thực hiện và đã có được những kết quả tích cực.
-	Thừa phát lại quận Hai Bà Trưng đang tư vấn cho khách hàng lập vi bằng
Thừa phát lại quận Hai Bà Trưng đang tư vấn cho khách hàng lập vi bằng

Lập vi bằng là một chức năng quan trọng của Thừa phát lại, nếu như những ngày đầu hoạt động của Thừa phát lại ở Hà Nội còn mới mẻ, thì đến nay người dân tìm đến Thừa phát lại yêu cầu lập vi bằng ngày càng nhiều. Theo Sở Tư pháp TP Hà Nội, trên địa bàn TP có 08 Văn phòng Thừa phát lại với 80 Thừa phát lại đang hành nghề. Năm 2021, các văn phòng đã thực hiện lập 10.714 vi bằng, doanh thu hơn 11 tỷ đồng.

Trong 3 năm trước đó, (từ 2018-2020), các văn phòng Thừa phát lại đã lập gần 36 ngàn vi bằng. Cụ thể, năm 2018, số vi bằng đã lập là 9.101 vi bằng, năm 2019 là 13.097 vi bằng, năm 2020 là 13.637 vi bằng. Cả 3 năm, tổng doanh thu do lập vi bằng 40.382.015.000 đồng.

Hoạt động lập vi bằng giúp người dân, cơ quan, tổ chức tự bảo vệ mình trong các quan hệ dân sự và quan hệ pháp lý; là căn cứ để thực hiện các giao dịch khác theo quy định của pháp luật hoặc tạo lập nguồn chứng cứ góp phần bảo đảm cho việc xét xử của Tòa án được khách quan, kịp thời và chính xác. Đồng thời, hỗ trợ cho các cơ quan, tổ chức để ghi nhận lại những sự kiện một cách công khai, minh bạch đối với những quan hệ giữa cơ quan, chính quyền và người dân.

Cho đến nay, dù nhận thức của người dân cũng như cán bộ trong cơ quan Nhà nước có liên quan về Thừa phát lại đã được nâng lên, hoạt động lập vi bằng cũng thuận lợi hơn. Tuy nhiên, sự hiểu biết của người dân về vi bằng còn hạn chế, chưa có thói quen tạo lập chứng cứ, lưu trữ các văn bản, tài liệu trong các giao dịch của mình, khi xảy ra tranh chấp, thiệt hại thì các bên mới tìm cách để bảo vệ quyền lợi của mình.

Bên cạnh đó, việc tuyên truyền để người dân, tổ chức, DN hiểu biết hơn về pháp luật, đồng thuận, ủng hộ, tin tưởng và sử dụng dịch vụ Thừa phát lại vẫn còn ít, người dân chưa biết nhiều đến những lợi ích của dịch vụ Thừa phát lại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi tham gia các giao dịch dân sự, kinh tế, các hoạt động tố tụng.

Theo chị Nguyễn Thị Quyên - Phó Trưởng văn phòng thừa phát lại Hai Bà Trưng, hiện nay, các VBQPPL điều chỉnh và hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại còn khá sơ sài, chỉ bao gồm: Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ và các thông tư hướng dẫn. Trong khi đó, các hoạt động của Thừa phát lại ngày càng phát triển mạnh mẽ và phổ biến rộng ở nhiều địa phương. Do đó, trong quá trình triển khai hoạt động đã gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.

Trong đó, lĩnh vực lập vi bằng, quy định của pháp luật thì cho phép vi bằng được sử dụng trong các quan hệ pháp lý khác, song việc quy định không cụ thể là các quan hệ pháp lý nào, cơ quan nào được phép sử dụng vi bằng, dẫn đến Thừa phát lại gặp khó khăn, lúng túng trong việc tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn người dân sử dụng vi bằng, gây tâm lý e ngại về giá trị của vi bằng.

Từ việc các văn bản pháp luật, văn bản hướng dẫn chưa cụ thể về phạm vi, hình thức lập vi bằng nên các Thừa phát lại, các Văn phòng còn chủ yếu làm theo ý hiểu của mình, chưa có sự thống nhất. Do đó, cần có hướng dẫn cụ thể. Việc hiểu chưa thống nhất về phạm vi thẩm quyền lập vi bằng là khó khăn tiềm ẩn rủi ro cho loại hoạt động đang là nhu cầu lớn của người dân và đem lại nguồn thu chính cho các Văn phòng Thừa phát lại.

Hiện nay, việc lập vi bằng chỉ giới hạn ở một số lĩnh vực, một số việc nhất định, mặt khác số người dân hiểu về giá trị pháp lý của vi bằng chưa nhiều, nên nhu cầu lập vi bằng của người dân chưa cao. Do đó, nhiều Thừa phát lại đề nghị tiếp tục tăng cường tuyên truyền về hoạt động của Thừa phát lại, trong đó có lập vi bằng để tạo thói quen sử dụng dịch vụ này cho người dân.

Bạch Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.