Hà Nội: Phấn đấu đến năm 2025 có 3 đến 5 huyện phát triển thành quận

Ngày 18/5, tại Hà Nội, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Nghị quyết 06-NQ/TW).
TP Hà Nội cũng kiến nghị Trung ương chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thành việc lập các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng... theo Luật Quy hoạch 2017
TP Hà Nội cũng kiến nghị Trung ương chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thành việc lập các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng... theo Luật Quy hoạch 2017

Tốc độ đô thị hóa chưa cao

Tại hội nghị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đã quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW. Theo đó, Nghị quyết số 06-NQ/TW đề ra chỉ tiêu cụ thể, gồm: Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt tối thiểu 45%, đến năm 2030 đạt trên 50%. Tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 1,5-1,9% vào năm 2025, đến năm 2030 đạt khoảng 1,9 - 2,3%; Số lượng đô thị toàn quốc đến năm 2025 khoảng 950 - 1.000 đô thị; đến năm 2030, khoảng 1.000 - 1.200 đô thị; Kinh tế khu vực đô thị đóng góp vào GDP cả nước khoảng 75% vào năm 2025 và khoảng 85% vào năm 2030...

Tham luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, đến nay, Hà Nội đã cơ bản phủ kín quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành đã phê duyệt 8 đồ án quy hoạch hạ tầng kỹ thuật chuyên ngành trên địa bàn TP. Sau hơn 10 năm đẩy mạnh đầu tư phát triển đô thị, Hà Nội đã huy động đa dạng các nguồn lực xã hội tham gia vào quá trình này. Công tác quy hoạch, phát triển không gian, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật được đặc biệt chú trọng, nhất là hệ thống đường vành đai, trục hướng tâm, cầu đường bộ, gắn với nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng và hạ tầng xã hội. Các khu đô thị mới hiện đại dần được hình thành, góp phần giảm tải dân số khu vực nội đô, tạo diện mạo mới cho Thủ đô.

Hà Nội đã cơ bản phủ kín toàn bộ hệ thống quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật và không gian ngầm đô thị. Tuy nhiên, tốc độ đô thị hóa chưa cao, chỉ đạt 49,3% (chỉ tiêu từ 58-60%); chưa xác định rõ vai trò trung tâm trong khu vực vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng Thủ đô.

Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 có 3 đến 5 huyện phát triển thành quận. TP sẽ phát triển các tuyến đường có tính kết nối với các đô thị vệ tinh; kết nối nội vùng; liên vùng và tập trung xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô để tạo động lực mới phát triển đô thị trung tâm, đô thị vệ tinh.

Kiến nghị cho phép chỉ lập một bản quy hoạch cấp tỉnh

Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn cũng cho biết, TP sẽ tập trung nguồn lực phát triển, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội một cách tổng thể, hiện đại. Phát triển các tuyến đường có tính kết nối các đô thị vệ tinh và kết nối nội vùng với liên vùng như: Xây dựng, cải tạo, nâng cấp hoàn thiện các tuyến xuyên tâm vành đai, QL 1A, QL 6, Vành đai 1, Vành đai 2, Vành đai 2,5... Đồng thời xây dựng các tuyến đường sắt đô thị, các cầu qua sông Hồng. Trong đó, Hà Nội sẽ tập trung sớm đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 vùng Thủ đô. TP coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cần ưu tiên tạo động lực mới để phát triển đô thị trung tâm, các đô thị vệ tinh, mở rộng không gian phát triển, giảm áp lực hệ thống hạ tầng giao thông hiện trạng...

Cùng với đó, TP tập trung phát triển các huyện lên quận; phấn đấu đến năm 2025 có 3 đến 5 huyện phát triển thành quận; đến năm 2030 có thêm 1 đến 2 huyện phát triển thành quận. Hà Nội sẽ hình thành một số cực tăng trưởng mới, xây dựng mô hình TP trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai); cùng nhiều huyện phát triển thành quận. Nghiên cứu mở rộng, nâng cấp sân bay quốc tế Nội Bài và xây dựng thêm 1 sân bay quốc tế dự kiến tại khu vực phía Nam của Thủ đô, đáp ứng yêu cầu giao thông cửa ngõ.

TP Hà Nội cũng kiến nghị Trung ương chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thành việc lập các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng... theo Luật Quy hoạch 2017, làm cơ sở để TP tổ chức triển khai lập, điều chỉnh các quy hoạch đô thị - nông thôn theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng. Đến nay Hà Nội đang song song triển khai tích hợp hai quy hoạch là Quy hoạch Thủ đô và Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô cùng thời kỳ đến 2030, tầm nhìn 2050. Vì thế, Hà Nội kiến nghị cho phép các TP trực thuộc Trung ương chỉ lập một bản quy hoạch cấp tỉnh để tránh chồng chéo, trùng lặp, lãng phí nguồn lực.

Ngô Sơn

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.