Tăng nặng hình phạt để ngăn chặn “tín dụng đen”

Luật sư cho rằng, hình phạt hiện tại chưa đủ sức răn đe. Nên chăng cần tăng thêm hình phạt cho tội phạm hoạt động “tín dụng đen”?
Các đối tượng trong vụ án vừa bị Công an quận Hà Đông khởi tố để điều tra, xử lý
Các đối tượng trong vụ án vừa bị Công an quận Hà Đông khởi tố để điều tra, xử lý

Lợi nhuận từ “tín dụng đen” mang lại quá lớn khiến nhiều đối tượng bất chấp quy định của pháp luật tìm mọi cách hoạt động cho vay bất hợp pháp. Kéo theo đó là các tổ chức, băng nhóm hoạt động theo kiểu “xã hội đen” không từ thủ đoạn để thu hồi nợ. Các đối tượng sẵn sàng thực hiện các hành vi hết sức manh động tấn công hoặc khủng bố tinh thần, đời sống của bị hại, gây hoang mang, hoảng loạn trong đời sống khu dân cư.

Lực lượng CA đã tiếp nhận, phát hiện hàng nghìn vụ/đối tượng, đã khởi tố hàng trăm vụ án về các tội danh giết người, cố ý gây thương tích, làm nhục người khác, bắt, giữ, giam người trái pháp luật, xâm phạm chỗ ở người khác, cướp tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, cưỡng đoạt tài sản, hủy hoại, cố ý làm hư hỏng tài sản, gây rối trật tự công cộng… liên quan đến “tín dụng đen”.

Mới đây, CA quận Hà Đông, Hà Nội đã khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với Bùi Văn Hiếu, SN 1995, ở phường Dương Nội, Hà Đông về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”; Nguyễn Văn Ninh, SN 1996, ở Phúc Thọ, Hà Nội về tội “Cố ý gây thương tích và Cho vay lãi nặng” trong giao dịch dân sự; Phùng Ngọc Thành, SN 2000, ở Phúc Thọ, Hà Nội, Bùi Tùng Lâm, SN 2001; ở Kim Bôi, Hòa Bình và Hoàng Đức Thái, SN 2001; ở Đan Phượng, Hà Nội về tội “Cố ý gây thương tích”.

Trước đó, ngày 23/4, CA phường Dương Nội, quận Hà Đông nhận được tin báo về vụ chém người xảy ra tại khu vực chợ Đình. Bị hại là anh H, SN 1988, trú tại quận Hà Đông, bị một số đối tượng dùng dao chém gây thương tích.

Mặc dù phía bị hại không chủ động cung cấp hết nguồn cơn sự việc, nhưng quá trình điều tra, CQCA xác định nguyên nhân xảy ra vụ chém người này là do mâu thuẫn trong việc vay nợ tiền. Các đối tượng gây án cũng là ổ nhóm có biểu hiện hoạt động kinh doanh tín dụng, vốn đang bị CQĐT CA quận Hà Đông xác lập chuyên án đấu tranh.

Vào cuộc điều tra, CA quận Hà Đông đã làm rõ hành vi, động cơ phạm tội của các đối tượng liên quan; đồng thời thu giữ nhiều giấy vay tiền, 2 quyển số ghi chép khách vay nợ, cùng nhiều tài liệu… Sơ bộ, CQCA xác định trong thời gian từ đầu năm 2018 đến năm 2022, nhóm của Hiếu đã cho nhiều khách vay với tổng số tiền quay vòng khoảng 10 tỷ đồng.

Trao đổi về vụ án nêu trên, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết: “Vay lãi nặng hay tín dụng đen đang là vấn đề được nhiều người quan tâm bởi những hậu quả của nó và những hành vi vi phạm pháp luật kéo theo. Thực trạng này diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước. Hậu quả là nhiều người bị hành hung, đe dọa, khủng bố tinh thần, bỏ đi khỏi địa phương…Tình trạng đòi nợ thuê, hành hung con nợ cũng gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự ở các địa phương.

Nạn nhân của vay lãi nặng không chỉ có dân làm ăn chân chính bị kẹt vốn mà còn có cả người nghiện ma tuý, đối tượng mê cờ bạc, những người ít hiểu biết, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nhưng lại thích đua đòi, bị mụ mị trước những lời quảng cáo hấp dẫn và những mánh khóe dẫn dụ của đối tượng cho vay lãi nặng.

Có những người không hề vay nợ nhưng phải gánh nợ do con cái vay tiền mua ma túy, vay tiền đánh bạc. Đối tượng cho vay lãi nặng rất biết cách đánh vào tâm lý ăn thua của con bạc đang đến hồi say máu sát phạt cũng như dẫn dụ người nghiện đang cần ma túy đến mức bất chấp hậu quả…

Ngoài ra, luật sư Thái cũng chia sẻ: “Thông thường, vay lãi nặng thì không cần thế chấp nhưng ít có con nợ nào dám quỵt nợ vì đối tượng cho vay lãi nặng có liên quan đến côn đồ, đòi nợ thuê. Chúng thường thuê những đối tượng nghiện ma tuý, côn đồ để thu nợ.

Luật sư Thái cho biết, mặc dù hiện nay, BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã được Quốc hội thông qua ra đời bổ sung, áp dụng điều luật đối với loại tội phạm này nhằm áp dụng phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, răn đe giáo dục loại hình tội phạm này, góp phần bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước. Tuy nhiên, nạn “tín dụng đen” vẫn len lỏi, tồn tại dai dẳng, coi thường pháp luật, càng ngày càng tinh vi hơn.

“Chính vì vậy, trên cơ sở pháp luật, chúng tôi kiến nghị cần phải tăng hình phạt đối với loại tội phạm này bởi hiện nay BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) khi áp dụng đối với loại tội phạm này với mức hình phạt cao nhất mới chỉ đến 3 năm tù. Do đó, chưa đủ sức răn đe, giáo dục, chưa đủ sức mạnh, chưa đủ thuyết phục để làm giảm loại hình tội phạm này”, luật sư Thái cho biết thêm.

Thái An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.