Giải pháp ổn định thị trường chứng khoán

Sau hơn 2 năm tăng trưởng mạnh mẽ, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đang trong giai đoạn điều chỉnh mạnh để tìm điểm cân bằng mới, chuẩn bị cho một giai đoạn tăng trưởng tiếp theo. Mới đây, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước công bố nhiều giải pháp nhằm bình ổn, phát triển thị trường chứng khoán.
Theo các chuyên gia, TTCK mặc dù vẫn trong xu thế điều chỉnh ngắn hạn, nhưng tiềm năng tăng trưởng vẫn rất lớn trong trung, dài hạn
Theo các chuyên gia, TTCK mặc dù vẫn trong xu thế điều chỉnh ngắn hạn, nhưng tiềm năng tăng trưởng vẫn rất lớn trong trung, dài hạn

Vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, dù nhiều biến động, nhưng cũng như nhiều TTCK trên thế giới, TTCK Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ trong 2 năm Covid-19. Chỉ số VN-Index đã nhiều lần lập đỉnh mới và đạt mức cao nhất vào ngày 6/1/2022 tại 1.528,57 điểm. Sau khi đạt mức đỉnh lịch sử, thị trường bước vào giai đoạn diễn biến giằng co và có sự bứt phá mạnh trở lại vào đầu tháng 4 lên mức tiệm cận đỉnh lịch sử 1.524,7 điểm vào ngày 4/4/2022. Tuy nhiên, ngay sau đó, thị trường đã trải qua nhịp điều chỉnh giảm rất mạnh kể từ đầu tháng 4 đến nay. Tính đến ngày 16/5, mất mốc 1200 điểm, giảm xuống còn 1.171,95 điểm.

Các chuyên gia đánh giá, TTCK Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng khi nhiều yếu tố tích cực tiếp tục được duy trì. Dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, các yếu tố nền tảng vĩ mô vẫn vững, các hoạt động kinh tế được khôi phục, tiêu dùng nội địa phục hồi, hoạt động du lịch quốc tế dần được mở cửa trở lại. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN tiếp tục khởi sắc. Trong quý I/2022, 86% số Cty niêm yết và đại chúng quy mô lớn đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM đã thực hiện báo cáo có lãi, cao hơn so với mức 83% của cùng kỳ năm 2021. Tổng lợi nhuận sau thuế của các DN trong quý I/2022 cũng tăng 33,7% so với cùng kỳ 2021.

Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất có khả năng vẫn duy trì ổn định ở mức thấp để hỗ trợ kinh tế phục hồi, do vậy, dòng tiền có khả năng vẫn tiếp tục được thu hút vào TTCK. Ngoài ra, mức định giá của TTCK Việt Nam vẫn được đánh giá là hợp lý so với các thị trường trong khu vực. Đây là những yếu tố rất quan trọng để tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt mức 6,5–7% - đây là con số khá ấn tượng trong mặt bằng chung toàn cầu nếu Việt Nam đạt được.

Cũng theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, TTCK trong nước đang trải qua giai đoạn điều chỉnh mạnh, trước tác động tổng hòa từ yếu tố tâm lý trong nước và đặc biệt là các rủi ro từ thị trường quốc tế như: Fed tăng lãi suất mạnh, căng thẳng địa chính trị chưa được giải quyết, áp lực lạm phát, giá cả đầu vào tăng mạnh, đặc biệt là giá năng lượng... Cơ quan này nhận định, mặc dù TTCK Việt Nam vẫn được kỳ vọng rất lớn sẽ hồi phục và tăng trưởng trở lại trong năm 2022 và các năm tiếp theo.

Nâng cao vai trò các tuyến giám sát

Bộ Tài chính cho biết, sẽ thực hiện và rà soát vướng mắc, bất cập quy định pháp luật chứng khoán, từ Luật Chứng khoán tới các văn bản hướng dẫn; đồng thời, tiếp tục triển khai Đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán theo kế hoạch, cũng như triển khai Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán 2021-2030 khi được Chính phủ phê duyệt…

Bên cạnh các giải pháp quyết liệt để hỗ trợ thị trường trong ngắn và dài hạn, nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch trên thị trường chứng khoán, thời gian tới, Bộ sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện kế hoạch kiểm tra, thanh tra, giám sát các Cty đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán, Cty kiểm toán có khách hàng có báo cáo tài chính sai lệch hoặc có nhiều sai sót theo kế hoạch đã được phê duyệt. Dựa trên kết quả giám sát, kiểm tra, sẽ xử lý theo đúng quy định pháp luật. Đồng thời, tiếp tục nâng cao vai trò giám sát của các tuyến giám sát, nhất là giám sát tuyến đầu của các Sở giao dịch chứng khoán trong kịp thời phát hiện dấu hiệu giao dịch bất thường, vi phạm trên thị trường để kịp thời cảnh báo cho nhà đầu tư. Thực hiện thanh kiểm tra giao dịch chứng khoán khi có dấu hiệu bất thường, thao túng.

Đối với dòng vốn ngoại, bên cạnh các giải pháp để thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đang đẩy nhanh các giải pháp để rút ngắn tiến trình nâng hạng TTCK Việt Nam từ cận biên lên mới nổi. “Mặc dù, việc nâng hạng sẽ phụ thuộc rất lớn vào các tổ chức xếp hạng thị trường, tuy nhiên, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang phối hợp với các cơ quan liên quan để thống nhất giải pháp, vạch lộ trình rõ ràng hơn, phấn đấu cao nhất để kỳ vọng TTCK Việt Nam sẽ được nâng hạng sớm nhất, đạt mục tiêu Chính phủ đã đề ra” – lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho hay.

Đại diện lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết: “Chúng tôi đang dõi sát diễn biến tình hình kinh tế - chính trị, động thái chính sách của các nước trên thế giới, đánh giá tác động, ảnh hưởng đến TTCK Việt Nam để kịp thời có các giải pháp phù hợp nhằm ổn định TTCK trong nước. Đồng thời, tích cực thông tin tuyên truyền nhằm ổn định tâm lý của nhà đầu tư, tăng cường lòng tin của các chủ thể tham gia thị trường, công chúng đầu tư trong và ngoài nước vào quyết tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Tài chính trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển TTCK minh bạch, công khai, an toàn, hiệu quả”.

Nguyễn Đăng

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.