Kỳ vọng vào đường nối đại lộ Thăng Long với cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình

Kết cấu hạ tầng giao thông có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Có kết cấu hạ tầng GTVT đồng bộ, hiện đại, kết nối đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách… thì nền kinh tế mới tăng trưởng bền vững.
Đầu tư tuyến đường cao tốc Đại lộ Thăng Long, đoạn nối QL 21 đến cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình là cần thiết
Đầu tư tuyến đường cao tốc Đại lộ Thăng Long, đoạn nối QL 21 đến cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình là cần thiết

GTVT đường bộ có vị trí trọng yếu trong hệ thống GTVT quốc gia, đóng vai trò quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh, nâng cao đời sống Nhân dân.

Những năm vừa qua, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ có những bước phát triển mạnh, theo hướng hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các công trình có tính kết nối, lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Quyết định 355/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển GTVT đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, trong đó xác định GTVT là bộ phận quan trọng, một trong 3 khâu đột phá cần ưu tiên đầu tư.

Nói đến đô thị là nói đến trung tâm kinh tế - xã hội, trong đó, hệ thống giao thông là kết cấu hạ tầng hết sức quan trọng của đô thị. Điều đó đòi hỏi phải có sự đồng bộ giữa hệ thống giao thông đô thị với quy hoạch sử dụng đất của vùng và hệ thống giao thông liên vùng, đặc biệt là tại những trung tâm kinh tế - xã hội lớn. Vì vậy, việc phát triển hệ thống GTVT gắn với các TP lớn của nước ta có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của các TP nói riêng và cả nước nói chung.

Xác định được tầm quan trọng đó, những năm qua, các chiến lược, quy hoạch phát triển GTVT cũng như kế hoạch triển khai xây dựng các công trình giao thông lớn của nước ta đã được phê duyệt, đặc biệt là tuyến cửa ngõ, vành đai đô thị, góp phần giải quyết ùn tắc giao thông và đáp ứng nhu cầu phát triển của các TP lớn trên cả nước.

Theo đó, UBND TP Hà Nội đã đề xuất đầu tư 5.500 tỷ đồng xây dựng thêm 6,7 km Đại lộ Thăng Long, đoạn nối từ Quốc lộ (QL) 21 đến cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình. Bộ GTVT đã đồng thuận và cho rằng cần thiết đầu tư dự án. Được biết, Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Đại lộ Thăng Long, đoạn nối QL 21 đến cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 6,7 km. Điểm đầu Dự án (Km0+00) giao cao tốc Đại lộ Thăng Long với QL 21, điểm cuối Km6+700 giao điểm đầu đường cao tốc Hà Nội - Hòa Bình.

Dự án sẽ xây dựng đường cao tốc đô thị với quy mô 6 làn xe cao tốc, đường song hành 2 bên với 2 làn xe cơ giới mỗi bên; xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, chiếu sáng, tổ chức giao thông… đảm bảo theo tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành.

Tổng mức đầu tư dự án dự kiến 5.500 tỷ đồng, nguồn vốn từ ngân sách Trung ương 2.000 tỷ đồng, ngân sách TP Hà Nội bố trí phần còn lại để hoàn thành dự án. Thời gian thực hiện dự án 2022-2026.

Trước đó, ngày 12/5, Bộ GTVT đã có văn bản gửi Sở GTVT Hà Nội góp ý về dự án. Bộ GTVT cho biết, nếu đối chiếu với Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng thì Bộ GTVT và cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ không có trách nhiệm thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án như đề xuất của Sở GTVT Hà Nội.

Trong văn bản gửi Sở GTVT Hà Nội, Bộ GTVT cho biết, Đại lộ Thăng Long với chiều dài khoảng 30 km là tuyến đường cao tốc hướng tâm phía Tây, nối trung tâm Hà Nội với Hòa Bình và các tỉnh Tây Bắc. Tuyến đường đã hoàn thành đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác từ tháng 10/2010 với quy mô 6 làn xe cao tốc và đường song hành hai bên. Đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình với chiều dài khoảng 26 km đã hoàn thành đầu tư và đưa vào khai thác từ tháng 10/2018 với quy mô 2 làn xe cơ giới, vận tốc 80 km/h.

Theo Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đường cao tốc Đại lộ Thăng Long là một phần của tuyến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên.

Do đó, Bộ GTVT đánh giá việc đầu tư xây dựng Đại lộ Thăng Long đoạn nối QL 21 đến cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình sẽ giúp thông suốt tuyến cao tốc từ Hà Nội đi Hòa Bình. Bởi đoạn tuyến nối từ Đại lộ Thăng Long đến đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình hiện sau thời gian sử dụng đã có dấu hiệu xuống cấp do mật độ giao thông trên tuyến ngày càng cao. Vì vậy, Bộ GTVT cho rằng, việc nghiên cứu đầu tư tuyến đường cao tốc Đại lộ Thăng Long, đoạn nối QL 21 đến cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình là cần thiết.

Do đó, dự án kéo dài Đại lộ Thăng Long, nối trung tâm Hà Nội với Hòa Bình và các tỉnh Tây Bắc kỳ vọng không chỉ mở ra hướng phát triển kinh tế- xã hội mà còn góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh, nâng cao đời sống Nhân dân cho các tỉnh này.

Linh Huy

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.