Tăng cường công tác bảo vệ bí mật Nhà nước trong tình hình mới

Công tác bảo vệ bí mật Nhà nước trên địa bàn TP thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế và còn có những vi phạm về bảo vệ bí mật Nhà nước, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến lộ, mất bí mật Nhà nước, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của công tác bảo vệ bí mật Nhà nước trong tình hình hiện nay.
Hà Nội tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ công đoàn cơ sở về Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước
Hà Nội tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ công đoàn cơ sở về Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước

Triển khai thực hiện 11 nhóm nhiệm vụ

Để phát huy những kết quả đã đạt được, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế, thiếu sót, năm 2022 UBND TP Hà Nội ban hành kế hoạch công tác bảo vệ bí mật Nhà nước nhằm tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các văn bản pháp luật, các chỉ đạo, hướng dẫn về bảo vệ bí mật Nhà nước của Trung ương, TP tới tất cả cán bộ, công chức, viên chức.

Phải gắn trách nhiệm của lãnh đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác bảo vệ bí mật Nhà nước và coi đây là một trong các nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.

Đồng thời, sẽ triển khai thực hiện 11 nhóm nhiệm vụ, trong đó tăng cường tổ chức phổ biến, tuyên truyền, giáo dục, tập huấn, quán triệt thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước cho đảng viên, cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn, thuộc phạm vi quản lý.

Qua đó, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, kiến thức, kỹ năng trong công tác bảo vệ bí mật Nhà nước. TP tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ, làm tốt công tác rà soát tiêu chuẩn chính trị, lựa chọn cán bộ có đủ tiêu chuẩn làm việc tại các bộ phận trọng yếu, cơ mật.

Chú trọng công tác quản lý cán bộ, nâng cao tinh thần cảnh giác, ý thức bảo mật cho cán bộ quản lý, nắm giữ bí mật Nhà nước, cán bộ thường xuyên quan hệ, tiếp xúc với các cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài. Kịp thời phát hiện dấu hiệu bị móc nối, tác động, lôi kéo vào hoạt động thu thập thông tin, tài liệu bí mật Nhà nước để có biện pháp ngăn chặn, xử lý.

Các cấp, các ngành chủ động tổ chức công tác phòng ngừa trong bảo vệ bí mật Nhà nước, kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót. Đồng thời, tổ chức kiểm tra an ninh, an toàn máy tính, thiết bị, văn phòng phẩm... là quà tặng, tài trợ trước khi đưa vào sử dụng.

Đầu tư, trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, chủ động triển khai thực hiện các biện pháp để phục vụ cho công tác bảo vệ bí mật Nhà nước, kịp thời cảnh báo, trao đổi nguy cơ lộ, mất bí mật Nhà nước hoặc mất an ninh, an toàn thông tin.

Nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ bí mật Nhà nước trong ứng dụng công nghệ thông tin trên hệ thông mạng, chủ động triển khai thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống mạng thông tin, phòng ngừa lộ, mất bí mật Nhà nước.

TP cũng tiến hành rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung và triển khai thực hiện các Quy chế, Nội quy về bảo vệ bí mật Nhà nước; quản lý và sử dụng các thiết bị soạn thảo, lưu trữ, tin học, thông tin; văn thư, lưu trữ... cho phù hợp thực tế và pháp luật hiện hành.

Đẩy mạnh tuyên truyền Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước

Theo PGĐ Sở Tư pháp - Chủ tịch Công đoàn Sở Tư pháp Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương, trong công tác tại các cơ quan đơn vị, cán bộ công chức, viên chức đã nhận được các văn bản quy định về bảo vệ bí mật Nhà nước. Song qua khảo sát, đa phần chưa hiểu rõ cũng như mức độ, tầm quan trọng trong việc lưu giữ, soạn thảo tài liệu có chứa nội dung bí mật Nhà nước trên máy tính hoặc các thiết bị khác mà đang được kết nối mạng internet, mạng viễn thông.

Trong đó có việc xác định độ mật, phát hành, sao chụp, truyền, giao nhận, bảo quản, lưu giữ cũng như công tác bí mật Nhà nước, việc sử dụng, bảo vệ máy tính, các thiết bị viễn thông tin học, sử dụng điện thoại thông minh, các phương tiện thu phát tại những nơi diễn ra các hoạt động, thông tin, tài liệu bí mật Nhà nước có nguy cơ lộ bí mật Nhà nước qua hệ thống điều hành, văn bản, qua các trang tin, website, cổng thông tin điện tử...

Tại hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ công đoàn cơ sở về Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước và các văn bản liên quan vừa được Sở Tư pháp Hà Nội và Công đoàn viên chức TP phối hợp tổ chức, Thượng tá Đặng Thị Hồng Nhung - Phó Trưởng phòng 9, Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an đã truyền đạt một số nội dung quan trọng liên quan đến công tác bảo vệ bí mật Nhà nước. Đồng thời, nêu thực trạng vẫn còn cán bộ, công chức cho rằng công tác bảo vệ bí mật Nhà nước là của ngành CA, nhưng không phải, bảo vệ bí mật Nhà nước là công tác liên quan trực tiếp đến mỗi cán bộ, công chức.

Việc lộ bí mật Nhà nước thường xảy ra chủ yếu qua thông tin liên lạc, với tỷ lệ trên 70%. Trong đó, lộ, mất qua email rất nhiều và qua đường Fax, cổng thông tin, trang thông tin điện tử của các tổ chức, mạng xã hội...

Vì vậy, mỗi cán bộ công chức, viên chức đều cần phải trang bị những kiến thức rất cơ bản về bảo vệ bí mật Nhà nước, đặc biệt lưu ý trước khi soạn thảo văn bản phải kiểm tra máy tính có “sạch”, an toàn không và đường truyền có đảm bảo không, nếu không đảm bảo thì nên truyền gửi theo phương pháp truyền thống là qua đường văn thư.

Bạch Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.