Hội, nhóm vỡ nợ làm liều trên mạng xã hội

Mới gia nhập nhóm được ít giờ, khi biết “hoàn cảnh” đang nợ nần, túng quẫn… đã có ít nhất 2 người nhắn tin riêng cho Nguyên Hoàng (Hà Nội) để mách cách làm ăn. Hoàng cho biết, 1 người thì gạ gẫm rủ rê anh đi sang Campuchia làm việc, còn 1 người thì rủ đi… bán thận.
Dụ dỗ người túng quẫn tham gia bán thận với giá từ 350 – 370 triệu đồng
Dụ dỗ người túng quẫn tham gia bán thận với giá từ 350 – 370 triệu đồng

Rủ sang Campuchia…

Không quá khó để gia nhập nhóm “Hội vỡ nợ túng quẫn làm liều”, một cộng đồng có tới hơn 14 nghìn thành viên trên facebook, bởi đơn giản, chỉ cần muốn là được chấp nhận. Theo Nguyên Hoàng, hội nhóm này hoạt động khá rôm rả. “Có rất nhiều hội nhóm tương tự như vậy trên mạng xã hội. Nội dung đăng tải ở các nhóm tương tự như nhau. Thường sẽ có 2 loại, một là các thành viên kêu ca chán chường vì không tiền và đang ôm nợ, túng quẫn muốn tìm việc làm, thậm chí tính chuyện làm liều, tự tử và một loại là những đối tượng lân la tìm kiếm đối tượng để dụ dỗ đi làm hoặc bán… nội tạng” – Hoàng cho biết. Cũng trong vai một người túng quẫn tham gia nhóm, PV đã chủ động nhắn tin cho một số nhân vật đang đăng tuyển cần người làm việc. Theo 1 tài khoản có tên Đăng Thanh, người này chuyên tuyển người sang Campuchia làm việc với mức thu nhập lên đến 20 – 30 triệu đồng. “Anh chỉ cần biết sử dụng máy vi tính, có giấy tờ tùy thân là có thể tham gia” – tài khoản này cho biết.

Công việc mà tài khoản Thanh chia sẻ, đó là sang Campuchia để làm sale game. “Mình mời khách đăng ký và nạp tiền chơi game. Lương cứng anh được nhận là 800 USD và 20% hoa hồng.” Theo Thanh, công việc rất đơn giản nên có nhiều người tham gia, cũng có nhiều người từ đó mà có tiền để trả nợ, thậm chí còn sống rất thoải mái. “Anh có thể đi bất cứ khi nào, chỉ cần anh muốn anh gọi điện cho em, em sẽ đưa anh đi mà anh không mất bất cứ một loại phí nào. Trước khi đi anh nhớ mang theo giấy tờ cá nhân” – Thanh dặn.

Không mất thời gian “cày cục” để lấy mỗi tháng 20 – 30 triệu đồng như Thanh, một tài khoản tên Nguyên Leonardo dụ PV đi… bán thận. Theo tài khoản này, bán một quả thận sẽ nhận về 350 – 370 triệu đồng tùy nhóm máu, độ lọc. Và để “hiến” được thận, người bán phải có gia đình ký, lăn tay tại BV thể hiện sự đồng ý. “Sau khi làm hết các thủ tục, người hiến sẽ nhận tiền trước khi thực hiện phẫu thuật 20 phút”. Để cho người muốn tham gia “công việc” này yên tâm, Nguyên còn gửi cho PV những trang viết về quyền lợi, cũng như sự khẳng định chỉ cần 1 quả thận, con người ta vẫn hoàn toàn sống khỏe.

Mạng ảo, tội phạm thật

Về câu chuyện lôi kéo người đi làm ở Campuchia, trước đó, Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia đã ra lời cảnh báo. Theo đó, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia đã nhận được rất nhiều thông tin về việc công dân Việt Nam bị lôi kéo, bị lừa sang Campuchia theo con đường hợp pháp hoặc bất hợp pháp để làm việc trong các sòng bài, cá độ, xổ số hoặc cơ sở game online. Theo đơn tố cáo, cầu cứu của các nạn nhân, hoạt động lôi kéo, đưa người Việt sang Campuchia do số các đối tượng người Trung Quốc cầm đầu, có sự tham gia của cả người Việt Nam, Campuchia.

Thủ đoạn của chúng là đưa thông tin quảng cáo về công việc nhẹ nhàng, lương cao ở Campuchia (800-1.000 USD/tháng). Sau khi nạn nhân đồng ý muốn làm việc, các nhóm tội phạm sẽ liên hệ và tổ chức cho họ nhập cảnh Campuchia. Khi sang đến Campuchia, những người này được đưa đến các khách sạn hoặc cơ sở sòng. Tại đây, họ sẽ được huấn luyện cách thức để tìm kiếm, mời chào, lôi kéo các khách hàng tham gia đánh bạc trên mạng. Các nạn nhân bị giám sát chặt chẽ, bị bóc lột sức lao động, bị cưỡng bức làm việc (từ 15-16 tiếng/1 ngày) nếu không sẽ bị đối xử tồi tệ. Nhiều người đã bị tra tấn, đánh đập rất tàn bạo khi tìm cách trốn ra khỏi nơi làm việc, giam giữ. Những người từ chối làm việc và muốn quay trở về Việt Nam thì bị đánh đập, bắt ký khống giấy nợ và yêu cầu bồi thường hàng ngàn đô la (1.000-8.000 USD) mới được thả hoặc bị bán cho Cty khác.

Cùng với câu chuyện dụ dỗ sang Campuchia làm việc, việc rủ nhau đi cướp trên các hội nhóm này đã thành sự thật. Giữa tháng 1/2022, Nguyễn Tùng Lâm (35 tuổi, trú tại Hưng Yên), Tô Văn Tình (29 tuổi, trú tại Quảng Ninh) và Lê Duy Dự (28 tuổi, trú tại Thanh Hóa) kết bạn thông qua nhóm "hội những người vỡ nợ muốn làm liều" trên Facebook. Sau đó cả 3 giả vờ làm khách đến chung cư của một thanh niên rao bán điện thoại trên mạng ở phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) rồi dùng bình xịt hơi cay tấn công, đánh, trói chủ nhà, cướp tài sản. Sau khi gây án, cả 3 đã lẩn trốn ở nhiều địa phương trên cả nước nhưng bị bắt sau 5 ngày.

Cũng giữa tháng 1/2022, thông qua nhóm trên, Trần Văn Hào (35 tuổi, trú tại Hà Tĩnh) và Phan Ngọc Trăm (23 tuổi, trú tại Lạng Sơn) quen biết và rủ nhau đi cướp tài sản. Hào và Trăm chuẩn bị súng và các công cụ gây án rồi đột nhập vào phòng ngủ của một cặp vợ chồng ở huyện Thạch Thất (Hà Nội), nổ súng, dùng dao đe dọa, yêu cầu đưa 100 tỷ đồng. Sau khi lấy được 200 triệu, nhóm cướp tiếp tục trói gia chủ vào ghế và yêu cầu chuyển thêm 5 tỷ đồng nếu không sẽ giết cả nhà. Cả 2 bị bắt sau một ngày gây án. Tiếp đến là vụ Nguyễn Văn Hiếu (31 tuổi) và Nguyễn Thanh Tùng (41 tuổi, cùng trú tại Hà Nội) cũng quen nhau qua nhóm trên rồi mang súng bật lửa, dao đến phòng giao dịch Ngân hàng VietinBank ở quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cướp 500 triệu đồng. Khi bỏ chạy, Hiếu và Tùng bị đụng xe nên làm rơi 300 triệu đồng và khẩu súng. Sau một ngày gây án, cả hai đã bị CA bắt giữ.

Việc tham gia các hội nhóm tiêu cực trên mạng xã hội là điều rất nguy hiểm. Không chỉ dụ dỗ, lừa đảo người khác, những lời kích động của các thành viên cũng dễ khiến những người khác lao theo và phạm pháp. Đây là hành vi bị cấm, luật sư Nguyễn Văn Túy – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết. Theo đó, Điều 8 Luật An ninh mạng quy định nghiêm cấm các hành vi sử dụng không gian mạng để xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; thực hiện hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người... Những người vi phạm có khả năng bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10 - 20 triệu đồng. Nếu các chủ hội nhóm này lại có hành vi kích động, giúp sức về mặt ý chí, có thể như tư vấn cướp thì có thể xem là hành vi đồng phạm, xét xử theo Bộ luật Hình sự.

Minh Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.