SEA Games 31 đang thắp sáng Hà Nội

Những ngày qua, người dân Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng được sống trong bầu không khí tưng bừng và tinh thần thể thao mạnh mẽ. SEA Games 31 thực sự là một sự kiện truyền cảm hứng, lan tỏa tinh thần đoàn kết “Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn”.
Khán giả “cháy” hết mình cổ vũ cho các VĐV tại Nhà thi đấu Tây Hồ
Khán giả “cháy” hết mình cổ vũ cho các VĐV tại Nhà thi đấu Tây Hồ

Đây là lần thứ hai Việt Nam đăng cai tổ chức SEA Games (lần thứ nhất Việt Nam đăng cai là kỳ SEA Games 22 năm 2003). Ở lần đăng cai đầu tiên, SEA Games 22-2003 đã tạo “cú hích lịch sử”, giúp thể thao Việt Nam vươn lên giành ngôi vị nhất toàn đoàn Đại hội và duy trì vị thế trong nhóm các quốc gia dẫn đầu khu vực liên tiếp các kỳ SEA Games tiếp sau đó suốt 19 năm qua.

Với vai trò là địa phương chính tổ chức Lễ khai mạc, bế mạc và 18 môn thi đấu, Hà Nội đã thể hiện rõ sự chủ động, kết nối và truyền cảm hứng đến các nước trong khu vực Đông Nam Á. Ở khắp các sàn thi đấu, sân vận động ở Hà Nội, cổ động viên đã “cháy” hết mình, tạo ra những màn cổ vũ sôi động, cuồng nhiệt.

Sự bùng cháy của khán giả đã khiến cho đội ngũ trọng tài điều hành thi đấu, các vận động viên cũng như thành viên đoàn thể thao nước ngoài, PV quốc tế có mặt trên sân cũng rất bất ngờ, phấn khích. Mỗi một trận đấu đều rộn rã tiếng vỗ tay cổ vũ, không phân biệt màu da, sắc tộc cũng như quốc gia.

Cùng với không khí sôi động tại các địa điểm thi đấu, những ngày qua, sự chuẩn bị, tiếp đón cũng như công tác tổ chức chu đáo của Ban tổ chức các môn thi đấu SEA Games đã để lại ấn tượng sâu sắc cho các vận động viên cũng như du khách trong và ngoài nước.

Thông qua công tác đăng cai, hàng loạt công trình thể thao của Trung ương và Hà Nội quản lý đã được đầu tư xây dựng mới (Sân vận động quốc gia Mỹ Đình Hà Nội, Cung thể thao dưới nước, Cung thể thao tổng hợp Quần Ngựa…), tạo đà về cơ sở vật chất phát triển thể thao lâu dài. Thực tiễn tổ chức, trình độ quản lý, vận hành các công trình thể thao, chất lượng điều hành công tác thi đấu của đội ngũ trọng tài, huấn luyện viên… được nâng lên đáng kể. Nhờ vậy, thể thao Việt Nam ngày càng có những bước tiến ấn tượng. Có thể nói, việc đăng cai thành công SEA Games 22-2003 đã tạo đà giúp thể thao Việt Nam vững bước phát triển, từng bước chinh phục các đấu trường cao hơn.

Cùng với công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, bảo đảm tiến độ, chất lượng, Hà Nội cũng tập trung đầu tư cho công tác chuẩn bị lực lượng, phấn đấu hoàn thành mục tiêu góp 30% tổng số Huy chương vàng của Đoàn thể thao Việt Nam giành được tại SEA Games 31.

Có thể nói, với công tác chuẩn bị kỹ lưỡng trong nhiều tháng qua, Hà Nội đã và đang truyền cảm hứng và lan tỏa tình đoàn kết, tinh thần thể thao mạnh mẽ tới người dân trong khu vực sau hơn hai năm dịch Covid-19 hoành hành.

Hãng tin AFP của Pháp đã nhận định rằng: “Với việc số ca nhiễm giảm mạnh từ mức đỉnh vào tháng 3/2022, khán giả đã được phép theo dõi trực tiếp tại các địa điểm thi đấu SEA Games 31. Họ thậm chí không cần xét nghiệm. Điều này tương phản với những gì diễn ra tại Olympic Tokyo 2021, nơi gần như không có khán giả đến xem. SEA Games 31 đang thắp sáng Hà Nội”.

Quân Đào

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.