Bệnh tiểu đường có chữa được không?

Bệnh tiểu đường có chữa được không là thắc mắc của rất nhiều người. Cùng tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây nhé!

Bệnh tiểu đường có chữa được không?

Bệnh tiểu đường có chữa được không cho đến nay vẫn còn là một thách thức rất lớn trong y khoa. Bệnh tiểu đường (hay còn gọi là bệnh đái tháo đường) là một tình trạng bệnh lý chỉ những rối loạn chuyển hóa không đồng nhất, có đặc điểm tăng lượng đường huyết trong cơ thể. Nguyên nhân thường là do nồng độ insulin trong cơ thể không ổn định. Nếu bị tiểu đường, bạn cần kiểm soát được lượng đường trong máu và thường xuyên theo dõi để chắc chắn rằng lượng đường nằm trong mức an toàn.

Thông qua quá trình làm xét nghiệm kiểm tra nồng độ glucose trong máu, sẽ có 3 loại tiểu đường: Tiểu đường loại 1, tiểu đường loại 2 và tiểu đường thai kỳ.

Bệnh tiểu đường nguy hiểm như thế nào?

Một trong những báo động hiện nay là bệnh đái tháo đường ngày càng gia tăng nhanh chóng. Tại Việt Nam, theo một số nghiên cứu và thống kê của bộ Y tế bệnh đã tăng 211% trong vòng 10 năm qua.

Tiểu đường là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh lý nguy hiểm về tim mạch, tai biến mạch máu não, liệt dương,… Tình trạng bệnh nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến hành loạt các biến chứng nguy hiểm như:

  • Biến chứng mắt: suy giảm thị lực, thậm chí có thể dẫn đến mù lòa

  • Biến chứng tim mạch: xơ động mạch ngoại vi gây tắc mạch, cao huyết áp,…

  • Biến chứng thần kinh: Tê, đau, nóng chân,…

  • Biến chứng thận: Suy thận.

  • Biến chứng nhiễm trùng: Làm suy yếu hệ miễn dịch, dễ nhiễm trùng trên nhiều vùng cơ thể.

  • Biến chứng cấp tính khác: Hạ đường huyết, hôn mê,…

Có thể nói bệnh vô cùng nguy hiểm. Chính vì vậy, điều trị bệnh kịp thời sẽ giúp ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm cũng như làm giảm tốc độ tác động của chúng lên cơ thể. Đây là vấn đề mà bạn cần phải ghi nhớ.

Bệnh tiểu đường có chữa được không?

Cơ hội chữa bệnh tiểu đường bằng Tây y

Các nhà khoa học vẫn đang không ngừng tiến hành nghiên cứu mang lại hy vọng điều trị dứt điểm bệnh tiểu đường với các liệu pháp mới như cấy ghép tuyến tụy, tế bào gốc và cấy ghép tế bào beta.

1. Cấy ghép tuyến tụy:

Phương pháp cấy ghép toàn bộ tuyến tụy có thể được áp dụng trong điều trị tiểu đường tuýp 1. Tuyến tụy được cấy ghép thành công sẽ giúp cơ thể khôi phục lại khả năng kiểm soát lượng đường trong máu. Tại Mỹ mỗi năm có khoảng 1.300 ca ghép tụy thành công cho người bệnh tiểu đường tuýp 1 và 83% trong số họ đã không phải sử dụng Insulin sau 1 năm cấy ghép (coi như đã khỏi bệnh hoàn toàn). Tuy nhiên, nguồn tuyến tụy khan hiếm cùng với việc người bệnh phải dùng thuốc ức chế miễn dịch suốt đời nên họ có thể phải đối mặt với nhiều nguy cơ khác.

2. Liệu pháp tế bào gốc:

Các tế bào gốc sẽ cấy ghép vào cơ thể để phát triển thành các tế bào beta – tế bào tuyến tụy có chức năng sản xuất insulin. Kết quả của các nghiên cứu bước đầu cho thấy, liệu pháp này có thể giúp cải thiện rõ rệt quá trình trao đổi glucose và tăng độ nhạy cảm của insulin.

3. Cấy ghép tế bào beta của tiểu đảo tụy:

Sự tổn thương và suy giảm chức năng của các tế bào beta được xem là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến bệnh tiểu đường. Liệu pháp cấy ghép tế bào beta của tiểu đảo tụy giúp cơ thể cảm nhận mức đường trong máu và kích hoạt sản sinh lượng insulin phù hợp để ổn định đường huyết. Tuy nhiên, sau cấy ghép người bệnh phải dùng nhiều loại thuốc để giữ cho tế bào ghép không bị thải loại nên chỉ có 8% trong số người bệnh ghép tiểu đảo tụy có thể giữ được đường huyết ổn định.

Các liệu pháp cấy ghép tế bào và tuyến tụy vẫn còn chưa hoàn chỉnh và đang trong quá trình cải tiến, tuy nhiên đây chính là những bước tiến mới của Tây y mở ra nhiều hy vọng điều trị bệnh tiểu đường và chữa khỏi hẳn bệnh tiểu đường trong tương lai.

Cơ hội chữa bệnh tiểu đường bằng Đông y

Bệnh tiểu đường có chữa được không? Trong cuộc hành trình tìm kiếm cách điều trị bệnh tiểu đường, nhiều nghiên cứu đã chứng minh các bài thuốc Đông y từ Hoài sơn, Mạch môn, Câu kỷ tử… cũng là một lựa chọn tốt giúp ổn định đường huyết và ngăn ngừa biến chứng tiểu đường.

Kết quả nghiên cứu cho thấy thảo dược Hoài sơn và Mạch môn có chứa một số hoạt chất sinh học tự nhiên giúp phục hồi chức năng tuyến tụy, giảm đề kháng insulin cho người bệnh tiểu đường tuýp 2.

Ngoài ra, các nhà khoa học Đài Loan còn tìm thấy trong rễ củ Mạch môn có các hoạt chất kháng viêm và chất chống oxy hóa mạnh, giúp ngăn chặn biến chứng tiểu đường, đặc biệt là biến chứng thận do tiểu đường – một trong những biến chứng nguy hiểm nhất và điều trị tốn kém nhất.

Mới bị tiểu đường có chữa được không?

Có thể nói cả Tây y và Đông y đều có những bước tiến quan trọng qua các nghiên cứu, song “Bệnh tiểu đường có chữa khỏi được không?” vẫn luôn là một câu hỏi mở với nhiều cơ hội trong tương lai.

Giáo sư Thái Hồng Quang – Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam cho biết, ở thời điểm hiện tại, bệnh tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2 chưa thể chữa khỏi hoàn toàn dù bạn mới mắc bệnh hay mắc bệnh trong thời gian dài, bởi nguyên nhân gây bệnh rất phức tạp.

Với bệnh tiểu đường tuýp 1, đảo tụy – là nơi sản xuất ra insulin bị phá hủy không có khả năng tiết insulin nên để hy vọng chữa khỏi bệnh tiểu đường chỉ chờ vào việc cấy ghép.

Riêng với đái tháo đường tuýp 2, rối loạn chuyển hóa ở cấp phân tử tế bào chứ không đơn thuần chỉ là đường huyết tăng cao. Nếu người bệnh được phát hiện ở giai đoạn sớm (tiền tiểu đường) mới chỉ có kháng insulin và điều trị tích cực bằng chế độ ăn uống, tập thể dục, dùng thuốc thì có cơ hội chữa khỏi. Nhưng phát hiện ở giai đoạn muộn, đã bị chẩn đoán tiểu đường tuýp 2 thì rất khó chữa dứt điểm. Vì khi đó, tuyến tụy đã bị suy kiệt cộng với kháng insulin và những rối loạn chuyển hóa trong cơ thể sẽ khiến người bệnh kiểm soát đường huyết khó khăn hơn, nguy cơ bị biến chứng cao do glucose máu lên xuống thất thường.

Như vậy, câu trả lời cho câu hỏi “Bệnh tiểu đường có chữa được không?” là không thể chữa bệnh khỏi hoàn toàn nhưng người tiểu đường vẫn có thể kiểm soát được bệnh và giảm thiểu nguy cơ phát triển các biến chứng bằng lối sống lành mạnh kết hợp với thuốc hạ đường huyết và những giải pháp hỗ trợ điều trị khác.

Gia Huy

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.