Cách phát hiện tiểu đường

Cách phát hiện tiểu đường sớm là gì? Cần phải làm gì để phòng ngừa bệnh tiểu đường?

Cách phát hiện tiểu đường

Bệnh đái tháo đường (bệnh tiểu đường) là bệnh rối loạn chuyển hóa cacbohydrat (đường) do hoocmon insulin của tuyến tụy tiết ra bị thiếu (tương đối hoặc tuyệt đối), hoặc do giảm/mất tác động hiệu quả lên mô đích (kháng insulin). Hậu quả đưa đến tình trạng đường (glucose) trong máu cao, vượt ngưỡng đường của thận, nước tiểu có đường, trong thời gian dài gây biến chứng mạch máu trầm trọng ở tất cả các cơ quan trong cơ thể.

Cách phát hiện tiểu đường là dựa vào các biểu hiện bất thường của cơ thể và chỉ số glucose trong cơ thể. Sau đây là chi tiết về các cách phát hiện tiểu đường:

Cách phát hiện tiểu đường qua biểu hiện cơ thể

Các triệu chứng của bệnh tiểu đường giai đoạn đầu rất khó xác định do không điển hình và dễ nhầm lẫn với triệu chứng các bệnh khác. Tuy nhiên, nếu chúng ta quan tâm và biết cách kiểm soát tốt sức khỏe, thì có thể phát hiện được bệnh tiểu đường từ rất sớm. Việc phát hiện sớm và điều trị bệnh kịp thời, liên tục sẽ giúp bạn giảm nguy cơ mắc bệnh nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, bệnh lý võng mạc gây mù mắt, bệnh lý thận gây suy thận, bệnh lý mạch máu ngoại vi dẫn đến đoạn chi và các biến chứng nghiêm trọng khác từ bệnh tiểu đường. Dấu hiệu phát hiện sớm bệnh tiểu đường:

1. Khát nước và uống nước nhiều:

Triệu chứng đầu tiên khi mắc bệnh tiểu đường, bạn sẽ cảm thấy khát hơn bình thường. Tuy nhiên, cần phân biệt với tình trạng khát nước uống nhiều nước do mất nước.

2. Đi tiểu nhiều lần và lượng nước tiểu tăng cao:

Nếu bạn đi tiểu nhiều cùng với lượng nước tiểu nhiều hơn bình thường, chất lượng nước tiểu bình thường, tiểu không gắt buốt… đó là dấu hiệu sớm nghĩ đến bệnh tiểu đường.

3. Mệt mỏi thường xuyên, cơ thể yếu kém:

Trong giai đoạn mắc bệnh tiểu đường, lượng glucose vẫn sẽ lưu thông trong cơ thể bạn. Nhưng do thiếu insulin, glucose sẽ không được chuyển hóa thành năng lượng nuôi dưỡng cơ thể. Mặt khác, do mất nhiều năng lượng do đào thải glucose qua đường tiểu nên dẫn đến sự mệt mỏi quá mức của cơ thể, suy nhược.

4. Ăn nhiều nhưng sụt cân:

Glucose trong máu người bị tiểu đường tăng cao, không thể sử dụng để chuyển hóa năng lượng được nên chất béo sẽ là nguồn thay thế để sử dụng tạo ra năng lượng cho cơ thể. Điều này dẫn đến sụt cân đột ngột. Người bệnh ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, mà lại gầy sút cân nhanh.

5. Tầm nhìn giảm sút:

Thị lực của bạn không còn rõ như trước, hình ảnh mờ nhạt dần, nhòa không rõ. Bạn cần phải đi khám mắt và kiểm tra đường huyết để xác định bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến mạch máu võng mạc.

6. Viêm nướu:

Khi bạn mắc bệnh tiểu đường, hệ thống miễn dịch sẽ bị tổn thương, khiến cho cơ thể yếu đi và khó chống lại vi khuẩn. Khi đó, lợi sẽ là nơi nhận ảnh hưởng nhiều nhất, viêm nướu, viêm họng, nấm…thường xuyên.

7. Xuất hiện nhiều vết thâm nám:

Bệnh tiểu đường đồng nghĩa với sức khỏe làn da bị ảnh hưởng, trên da sẽ xuất hiện nhiều vết thâm sẫm màu ở một số vùng, đặc biệt là ở những nơi có nếp nhăn hoặc nếp gấp da.

8. Vết thương lâu lành:

Người bệnh tiểu đường có hệ thống miễn dịch bị tổn thương, tổn thương lòng mạch, tắc mạch máu hoại tử cơ quan bộ phận, vì thế dẫn đến việc các vết thương ngoài da khó lành, đôi khi hoại tử nhiễm trùng.

9. Rối loạn cương dương:

Tình trạng thất bại thường xuyên trong quan hệ vợ chồng, trên bảo dưới không nghe đến từ nguyên nhân do đường trong máu cao kéo dài mất kiểm soát.

Cách phát hiện tiểu đường qua chỉ số glucose

Glucose (còn gọi là đường) là nguồn năng lượng chính có vai trò nuôi dưỡng cơ thể được chuyển hóa từ các loại thực phẩm mà chúng ta cung cấp hàng ngày cho cơ thể. Trong máu của con người luôn có một lượng đường huyết nhất định để đảm bảo việc cung cấp đủ năng lượng cho các hoạt động thường ngày:

  • 90 - 130 mg/dl (tức 5 - 7,2 mmol/l) vào thời điểm trước bữa ăn.

  • Dưới 180 mg/dl (tức 10 mmol/l) ở thời điểm sau ăn khoảng 1 - 2 tiếng.

  • 100 - 150 mg/l (tức 6 - 8,3 mmol/l) ở thời điểm trước khi đi ngủ.

Nếu chỉ số Glucose lúc đói (trong khoảng 8 tiếng kể từ lần ăn cuối cùng) ra kết quả là 126 mg/dl (7 mmol/l) trở lên thì chứng tỏ đã bị tiểu đường. Lưu ý là bạn cần đo 2 lần liên tiếp để có kết quả chính xác hơn bởi đôi khi các thông số này có những dao động lên xuống không đồng nhất.

Nếu mức Glucose đo lúc đói trong khoảng ( 5,6 – 6,9 mmol/l) thì đang nằm trong giai đoạn bị rối loạn đường huyết lúc đói hay giai đoạn tiền tiểu đường. Nếu đang trong khoảng chỉ số này thì bạn cần có lộ trình điều trị phù hợp, tránh việc bệnh nặng rồi mới điều trị vì vừa kém hiệu quả lại tốn nhiều chi phí.

Các cách phòng ngừa bệnh tiểu đường

Bệnh tiểu đường có thể không được ngăn ngừa trong mọi trường hợp. Bệnh tiểu đường tuýp 1 không thể ngăn ngừa được. Bạn có thể giảm cơ hội phát triển bệnh tiểu đường tuýp 2 bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống và duy trì hoạt động. Tuy nhiên, di truyền và các yếu tố rủi ro khác có thể làm tăng rủi ro của bạn mặc dù nỗ lực tốt nhất của bạn.

Ngay cả khi bạn được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường bạn có thể sống một cuộc sống đầy đủ. Bệnh tiểu đường đòi hỏi phải lập kế hoạch và quản lý cẩn thận, nhưng nó không nên ngăn cản bạn tham gia và tận hưởng các hoạt động hàng ngày.

Như vậy, nắm rõ cách phát hiện tiểu đường cũng như phòng tránh sẽ giúp bạn có một cuộc sống khỏe mạnh hơn.

Gia Huy

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.