Nước mắt đằng sau những tấm huy chương

Những tấm huy chương vàng SEA Games không chỉ là đại diện cho những chiến thắng trong thi đấu, mà còn đại diện cho những nỗ lực vượt qua nghịch cảnh, khó khăn về vật chất, thậm chí bệnh tật để mang vinh quang về cho Tổ quốc. SEA Games 31 đã chứng kiến không ít những câu chuyện cảm động đằng sau những chiếc huy chương của các vận động viên.
Nước mắt đằng sau những tấm huy chương
Không lâu sau khi giành tấm HCV đầu tiên cho Đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 31, VĐV Tô Thị Trang đã phải chịu nỗi đau mất đi người thân. (Ảnh: Khánh Huy)

Đó là câu chuyện của nữ VĐV Kurash Tô Thị Trang, người mang về tấm HCV đầu tiên cho Đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 31, nhưng sau đó không lâu đã phải chịu nỗi đau mất đi người bố thân yêu. Bố của nhà vô địch SEA Games, ông Tô Văn Sen, qua đời ít lâu sau khi Tô Thị Trang giành HCV nội dung dưới 48 kg nữ ở môn Kurash.

Ngay sau khi giành tấm HCV đầu tiên cho Đoàn thể thao Việt Nam, Tô Thị Trang chia sẻ mong muốn được giành tấm HCV này cho bố, bởi bố cô đang nằm trên giường bệnh. Cô muốn ông có tinh thần thật tốt để chữa bệnh.

Tuy nhiên, cô không hề hay biết bố mình đã hôn mê sâu vì bệnh gan trở nặng. Bố Trang bị bệnh từ lâu và cách đây hơn 1 tuần phải đi cấp cứu ở bệnh viện vì bệnh viêm gan đã sang thận, phải lọc máu. Vì muốn Trang có tinh thần tốt nhất để tập trung thi đấu, gia đình đã giấu cô chuyện bệnh tình của bố cô chuyển biến xấu.

Sau khi thi đấu xong, Tô Thị Trang đã lập tức vào bệnh viên thăm bố và mang theo tấm HCV SEA Games. Quàng vào tay người bố thân yêu tấm HCV vừa giành được, Trang mong muốn bố cô cũng mạnh mẽ chiến thắng bệnh tật như cách cô mạnh mẽ vượt qua các đối thủ để giành chiến thắng vậy.

Tuy mong ước của Trang không thành hiện thực, nhưng cô vẫn có thể tự hào vì đã hiện thực hoá mong muốn của bố khi mang về tấm huy chương vàng cao quý, đóng góp vào thành tích chung của Đoàn thể thao nước nhà.

Nước mắt đằng sau những tấm huy chương
VĐV Phạm Thanh Bảo vượt qua những khó khăn về vật chất để đứng trên đỉnh cao tại SEA Games 31. (Ảnh: Khánh Huy)

Đó là câu chuyện của kình ngư Phạm Thanh Bảo, người vừa giành tấm HCV nội dung 100m ếch nam. Với thành tích 1 phút 01 giây 17, VĐV sinh năm 2001 đã xuất sắc phá kỷ lục SEA Games (1 phút 01 giây 46) đã tồn tại 13 năm của kình ngư Nguyễn Hữu Việt.

Chia sẻ về động lực giành thành tích cao ở môn bơi lội sau tấm HCV lịch sử, Phạm Thanh Bảo cho biết anh luôn cố gắng vì gia đình mình và hy vọng sau này, cuộc sống của gia đình anh sẽ bớt cơ cực hơn.

Ít ai biết, Thanh Bảo sinh ra trong gia đình nghèo ở Bến Tre. Do gia cảnh nghèo khó, ba mẹ của Bảo phải đi làm thuê, bẻ dừa, chở dừa để trang trải từng bữa qua ngày. Thanh Bảo lớn lên trong tình cảnh nhà thiếu trước, hụt sau ở một căn hẻm nhỏ tại Phường 5, thành phố Bến Tre.

Do Thanh Bảo có tố chất và thể hình vượt trội so với chúng bạn nên được hướng theo thể thao từ những năm học tiểu học, sau đó anh được Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Cần Thơ nhận về năm 2012. Chính nhờ sự chăm chỉ và những nỗ lực trong tập luyện, nuôi dưỡng niềm đam mê bơi lội của mình mà thành quả cuối cùng cũng đã đến với kình ngư này.

Nước mắt đằng sau những tấm huy chương
Luôn thi đấu tự tin với nụ cười thường trực trên môi, ít ai biết rằng Nguyễn Thị Oanh đã phải chiến thắng bệnh tật trước khi chiến thắng trong các kỳ SEA Games. (Ảnh: Ngọc Tú)

Đó là câu chuyện của nữ VĐV Nguyễn Thị Oanh, người vừa xuất sắc đem về 3 tấm HCV cho điền kinh Việt Nam tại SEA Games 31 ở các nội dung chạy 1.500m, 5.000m và 3.000m vượt chướng ngại vật. Để có được thành tích 3 tấm HCV tại SEA Games 31, cô gái nhỏ nhắn người Bắc Giang đã phải trải qua những năm tháng khổ luyện với bao khó khăn, vất vả. Hơn hết là căn bệnh viêm cầu thận đã khiến sự nghiệp của cô phải gián đoạn một thời gian.

Oanh chia sẻ, cô từng có ý định giải nghệ khi biết mình bị bệnh. Tuy nhiên, khi biết căn bệnh mới ở giai đoạn nhẹ, còn có cơ hội chữa trị, cô buộc phải bỏ hết các giải trong một khoảng thời gian dài sau đó để tập trung điều trị. Sự nghiệp điền kinh của Oanh lần đầu đứt quãng, cô rời xa đường chạy trong gần một năm.

Với nghị lực và ý chí phi thường, Nguyễn Thị Oanh đã vượt qua được bệnh tật để bùng nổ trở lại. Trên đường chạy, Oanh luôn thi đấu với một phong thái tự tin, thoải mái nhất, hiếm khi thấy vẻ mệt mỏi lộ ra trên gương mặt VĐV sinh năm 1995 này. Tại đấu trường SEA Games, Nguyễn Thị Oanh là VĐV "thống trị" các cự ly 1.500m, 5.000m và 3.000m vượt chướng ngại vật từ năm 2017 đến nay.

"Nữ hoàng tốc độ" Nguyễn Thị Oanh xuất sắc giành 3 huy chương Vàng, phá kỷ lục SEA Games 31
Bơi Việt Nam giành 3 huy chương Vàng, phá 1 kỷ lục SEA Games Bơi Việt Nam giành 3 huy chương Vàng, phá 1 kỷ lục SEA Games
Nữ võ sỹ Hà Nội Nữ võ sỹ Hà Nội "mở hàng" huy chương vàng cho Việt Nam tại SEA Games 31

Duy Linh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.