Hà Nội: Đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng nội địa

Trong năm 2022, TP Hà Nội sẽ đổi mới và nâng cao hiệu quả thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thông qua việc tổ chức các chương trình theo kế hoạch của TP.
Những năm gần đây, nhờ việc đẩy mạnh tuyên truyền Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nên dần từng bước hình thành nét đẹp văn hóa trong sản xuất, sử dụng hàng hóa thương hiệu Việt Nam trong cộng đồng dân cư.
Những năm gần đây, nhờ việc đẩy mạnh tuyên truyền Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nên dần từng bước hình thành nét đẹp văn hóa trong sản xuất, sử dụng hàng hóa thương hiệu Việt Nam trong cộng đồng dân cư.

Thay đổi nhận thức của người tiêu dùng

Theo số liệu từ kết quả khảo sát sau 12 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cho thấy, có trên 70% khách hàng khi được hỏi đều ưu tiên lựa chọn hàng hóa do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất. Báo cáo của Bộ Công Thương cũng chỉ rõ, hiện hàng Việt đã chiếm lĩnh chủ yếu ở các kênh phân phối trong nước, chỉ riêng nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu đã đạt trên 80%, nhóm hàng nông sản đạt trên 90%...

Riêng đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm từ 60% trở lên. Điều này cho thấy, niềm tin của người tiêu dùng cho hàng Việt ngày càng cao. Không ít người tiêu dùng đã chọn hàng Việt Nam là số 1 trong giỏ hàng hóa mua sắm của cá nhân và gia đình mình.

Chị Hoàng Vân Anh (phường Phú La, quận Hà Đông, Hà Nội) - người thường xuyên lựa chọn những sản phẩm OCOP để sử dụng - chia sẻ, từ lâu, gia đình chị đã luôn lựa chọn các sản phẩm đặc trưng của các vùng miền để sử dụng thay vì những sản phẩm nhập khẩu được quảng cáo rầm rộ trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Theo chị Vân Anh, lý do chị lựa chọn các sản phẩm nông sản Việt Nam là bởi có chất lượng tốt, nguồn gốc rõ ràng, phù hợp với khẩu vị của các thành viên trong gia đình. Ngoài ra, việc lựa chọn các sản phẩm nông sản Việt còn góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp, hợp tác xã nâng cao chất lượng, mẫu mã để đem sản phẩm đến với đông đảo người dân.

Không chỉ siêu thị, tại các chợ truyền thống hàng Việt cũng chiếm ưu thế trước hàng ngoại nhập. Có thể nói, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã dần làm thay đổi nhận thức, tâm lý của các doanh nghiệp cung ứng cũng như người tiêu dùng về hàng xuất xứ trong nước và quyết định lựa chọn. Hàng Việt ngày càng chiếm niềm tin của khách hàng do cơ bản có nguồn gốc, nhãn hiệu: Chất lượng ngày càng cải thiện và được công bố rõ ràng, nhiều loại hàng hóa gắn tem truy xuất để người tiêu dùng dễ dàng tìm hiểu về sản phẩm.

Theo đánh giá từ các doanh nghiệp bán lẻ, người tiêu dùng ngày càng kỹ tính trong việc lựa chọn sản phẩm tiêu dùng, ngoài kiểu dáng, độ bền, còn đặc biệt quan tâm nhiều đến sự an toàn đối với sức khỏe.

Nắm bắt tâm lý này các doanh nghiệp sản xuất trong nước đã nhanh chóng đưa ra thị trường nhiều mặt hàng có giá thành vừa phải, bảo đảm chất lượng, tiện ích. So với hàng ngoại, hàng Việt có nhiều lợi thế riêng nhờ hiểu được thói quen của người tiêu dùng trong nước. Từ đó đã giúp cho hàng Việt tăng sức cạnh tranh với các hàng nhập ngoại, người tiêu dùng tin tưởng, chọn lựa các mặt hàng xuất xứ Việt Nam thay cho hàng ngoại.

Kích cầu tiêu dùng nội địa

Việc đưa hàng Việt Nam tới người tiêu dùng còn góp phần đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, tạo cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm có chất lượng đến với người dân, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới.
Việc đưa hàng Việt Nam tới người tiêu dùng còn góp phần đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, tạo cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm có chất lượng đến với người dân, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam TP Hà Nội, thời gian qua, Ban Chỉ đạo các cấp, ngành, đoàn thể đã tập trung chỉ đạo toàn diện công tác tuyên truyền, đã có nhiều hoạt động hỗ trợ đưa hàng Việt Nam đến với người tiêu dùng, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho các địa phương.

Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 298/KH-UBND (ngày 24/12/2021) về kích cầu nội địa, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng TP Hà Nội năm 2022.

Theo đó, TP sẽ đổi mới và nâng cao hiệu quả thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thông qua việc tổ chức các chương trình theo kế hoạch của TP. Tiếp tục kêu gọi thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển hạ tầng thương mại, nâng cấp cải tạo hệ thống chợ, mở rộng mạng lưới bán hàng, điểm bán hàng, đại lý. Phát triển hệ thống bán lẻ phục vụ nhu cầu của nhân dân...

Theo bà Nguyễn Lan Hương, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP Hà Nội, các đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo như Sở Công thương, Sở NN&PTNT thường xuyên quan tâm chỉ đạo, tổ chức các hoạt động cụ thể đẩy mạnh cuộc vận động, kết nối cung cầu, đưa hàng Việt Nam đến người tiêu dùng, nhất là vùng sâu, vùng xa...

Trong năm 2022, các đơn vị thành viên tiếp tục tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy, sự phối hợp của chính quyền, đổi mới phương thức tuyên truyền cuộc vận động. Chú trọng giới thiệu, tôn vinh sản phẩm, hàng hóa Việt chất lượng cao, nhất là các sản phẩm được bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”.

Đồng thời, các đơn vị cũng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, vận động doanh nghiệp triển khai bán hàng lưu động, đưa hàng về vùng sâu, vùng xa, khu vực ngoại thành, cũng như các chương trình kích cầu nội địa, kết nối giao thương, phát triển các kênh phân phối hàng Việt ở nước ngoài.

Lễ phát động Chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa và Tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2020
Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động khuyến mại, kích cầu tiêu dùng nội địa
Giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Khánh Phong

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.