Hà Nội: Tích cực triển khai theo dõi, thi hành pháp luật

Nhằm khắc phục kịp thời các sai sót, hạn chế trong công tác theo dõi thi hành pháp luật và công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính (VPHC); đảm bảo việc xử phạt VPHC tuân thủ đúng quy định của pháp luật… Hà Nội luôn quan tâm, chấn chỉnh công tác theo dõi thi hành pháp luật và công tác quản lý xử lý VPHC.
Sở Tư pháp Hà Nội tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác xử lý VPHC
Sở Tư pháp Hà Nội tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác xử lý VPHC

Khó khăn vướng mắc

Theo Sở Tư pháp Hà Nội, năm 2021 dưới sự chỉ đạo của UBND TP, Sở đã nghiên cứu, hướng dẫn các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã xử lý hành vi VPHC trong phòng, chống dịch bệnh covid-19; tổ chức góp ý các văn bản QPPL liên quan pháp luật về VPHC.

Góp ý 18 dự thảo các Nghị định xử phạt VPHC các lĩnh vực quản lý Nhà nước; Thẩm định dự thảo Nghị định quy định chế độ áp dụng thi hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc; Thẩm định dự thảo Nghị định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn; Nghị định về quản lý bảo quản tang vật phương tiện VPHC.

Cùng với đó, UBND TP đã ban hành 02 kế hoạch và 01 quyết định và tổ chức Đoàn kiểm tra liên ngành về công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC lĩnh vực trật tự xây dựng đối với một số đơn vị; Tổ chức 03 hội nghị tập huấn nghiệp vụ về xử lý VPHC cho người có thẩm quyền xử phạt, cán bộ tham mưu thiết lập hồ sơ xử phạt VPHC trên địa bàn; Tổ chức quán triệt, tuyên tuyền pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử để phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid- 19.

TP đã ban hành các Kế hoạch của năm và kế hoạch trọng tâm về theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn TP. Đồng thời, tổ chức Đoàn khảo sát tình hình thi hành pháp luật lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm và thi hành pháp luật lĩnh vực thu hồi đất tại một số sở, ngành và UBND cấp huyện.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn những khó khăn như việc tổ chức thi hành pháp luật, theo dõi tình hình thi hành pháp luật hiện nay chưa được luật hóa, nội dung tổ chức thi hành pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật còn nằm ở các văn bản thuộc các lĩnh vực khác nhau nên triển khai ở một số ngành, lĩnh vực, địa phương chưa đồng bộ.

Cùng với việc đội ngũ công chức làm công tác theo dõi thi hành pháp luật, công tác quản lý Nhà nước về xử lý VPHC còn kiêm nhiệm, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Kinh phí, cơ sở vật chất còn hạn hẹp nên một số lĩnh vực còn khó khăn trong triển khai thực hiện.

Tập trung đẩy mạnh để nâng cao hiệu quả

Để đẩy mạnh công tác quản lý xử lý VPHC, theo dõi thi hành pháp luật đạt hiệu quả cao hơn nữa, năm 2022, UBND TP Hà Nội cho biết, TP tiếp tục quan tâm, triển khai có hiệu quả Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật xử lý VPHC (có hiệu lực từ 01/1/2022) và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật, các Nghị định xử phạt VPHC chuyên ngành được sửa đổi bổ sung đảm bảo sự đồng bộ thống nhất với Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật xử lý VPHC.

TP cũng chỉ đạo, triển khai đầy đủ các nội dung quản lý Nhà nước về thi hành pháp luật xử lý VPHC; Tăng cường công tác tập huấn chuyên sâu nhất là kỹ năng xử phạt VPHC, kỹ năng theo dõi thi hành pháp luật để nâng cao năng lực đội ngũ tham mưu trong xử lý VPHC, theo dõi thi hành pháp luật;

Triển khai kiểm tra thi hành pháp luật xử lý VPHC trên địa bàn một số quận, huyện theo quy định tại Nghị định số 19/2020/NĐ-CP; Nâng cao chất lượng kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC theo chuyên đề nhất là những lĩnh vực phức tạp, kịp thời phát hiện sai sót, hướng dẫn khắc phục đề phòng phát sinh yêu cầu bồi thường Nhà nước.

Tiếp tục tập trung triển khai kịp thời, hiệu quả Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn, đặc biệt các lĩnh vực trọng tâm theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tư pháp; Tổng kết đánh giá việc thực hiện “Đề án đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật giai đoạn 2018 - 2022” theo Quyết định số 3967/QĐ-UBND ngày 2/8/2018 và Quyết định số 4451/QĐ-UBND ngày 02/10/2020 của UBND TP.

Thực hiện tốt Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Nghị định số 68/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 và Thông tư số 04/2018/TT-BTP ngày 17/5/2018; Thực hiện sơ kết 03 năm thi hành Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp; Tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác bồi thường Nhà nước cho đội ngũ cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ; Triển khai kiểm tra công tác bồi thường Nhà nước tại một số đơn vị trên địa bàn TP.

Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật, góp phần cải thiện chỉ số Chi phí tuân thủ pháp luật (chỉ số B1) và chỉ số Thiết chế pháp lý và ANTT (chỉ số PCI) của TP trong năm 2022. Tăng cường bồi dưỡng, tập huấn chuyên sâu và thực hiện công tác truyền thông về xử lý VPHC, theo dõi thi hành pháp luật và chỉ số B1.

Nghị định 19/2020/NĐ-CP của Chính phủ về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính được ban hành từ ngày 12/2/2020. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể, do vậy gây khó khăn trong thực tiễn thi hành đặc biệt là áp dụng hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức vi phạm.

Bạch Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.