Vượt đèn đỏ nhường đường cho xe cấp cứu có bị xử phạt?

Theo quy định pháp luật, cả hai hành vi "vượt đèn đỏ" và "không nhường đường cho xe ưu tiên" đều bị xử phạt vi phạm hành chính.
Chiếc xe ô tô đang dừng đèn đỏ, cương quyết không nhường đường cho xe cứu thương. Ảnh cắt từ clip
Chiếc xe ô tô đang dừng đèn đỏ, cương quyết không nhường đường cho xe cứu thương. Ảnh cắt từ clip

Theo đó, sự việc xảy ra vào hôm 22/4, tại nút giao Giải Phóng - Nguyễn Hữu Thọ, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Thời điểm này, một chiếc ô tô Vios đang dừng đèn đỏ thì có xe cứu thương phía sau cần nhường đường. Tuy nhiên, dù xe cứu thương liên tục phát tín hiệu nhưng tài xế ô tô phía trước vẫn đứng im, không di chuyển.

Sau khi bị cư dân mạng chỉ trích, tài xế ô tô lý giải: "Tôi lái xe bao năm biết rõ luật quy định xe nào được ưu tiên, nhưng không có luật nào quy định ô tô phải vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe ưu tiên. Luật thì thế, còn hôm đó nếu thuận tiện để nhường đường tôi vẫn sẽ vượt lên nhường ngay, nhưng đường khi đó quá đông nên tôi không thể làm khác được. Nếu nhường đường hoặc bị xử lý vì vượt đèn đỏ hay xảy ra tai nạn thì tôi không làm được".

Trước sự việc trên, nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra xung quanh việc tài xế ô tô làm như vậy là đúng hay sai, khi đang dừng đèn đỏ mà có xe cứu thương cần nhường đường thì có được vượt đèn hay không, nếu vượt mà dẫn tới vi phạm thì có bị xử phạt? Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đinh Thị Nguyên, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, đây là một tình huống pháp lý khá phức tạp và xảy ra thường xuyên trên thực tế. Cả hai hành vi "vượt đèn đỏ" và "không nhường đường cho xe ưu tiên" đều bị xử phạt vi phạm hành chính.

Đối với hành vi vượt đèn đỏ: Căn cứ vào quy định của Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP), người điều khiển xe có hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với hai hình thức xử phạt là phạt tiền và tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn. Trong đó, tùy vào phương tiện giao thông đang điều khiển mà tài xế có thể bị phạt tiền với những mức phạt khác nhau.

Đối với hành vi gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ: Tùy vào loại phương tiện đang điều khiển, tài xế cũng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP). Cụ thể, người điều khiển phương tiện bị phạt tiền và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ với mức phạt cụ thể tùy vào phương tiện đang điều khiển. Ngoài ra, theo quy định tại Điều 22 Luật Giao thông đường bộ 2008, xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu là một trong các phương tiện ưu tiên. Do đó, hành vi không nhường đường cho xe ưu tiên đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu sẽ bị xử phạt theo chế tài trên.

Về vấn đề vượt đèn đỏ nhằm mục đích nhường đường cho xe cấp cứu, luật sư Nguyên cho rằng tài xế vẫn bị xác định là có hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ theo quy định của Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP) dù mục đích vượt đèn đỏ là để nhường đường xe cấp cứu đang thực hiện nhiệm vụ và người điều khiển xe không cố ý vi phạm luật.

Tuy nhiên, việc xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp này sẽ không được đặt ra theo quy định tại Điều 11 Luật Xử lý vi phạm hành chính đối với trường hợp vi phạm hành chính trong tình thế cấp thiết ("tình thế của cá nhân, tổ chức vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa" theo quy định tại khoản 11 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính).

Trong tình huống này, với trường hợp xe cấp cứu đang làm nhiệm vụ, nếu tài xế vượt đèn đỏ để nhường đường, tạo điều kiện đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe cho bệnh nhân, có thể coi là thực hiện hành vi vi phạm trong tình thế cấp thiết. Vì vậy, người điều khiển xe sẽ không bị xử phạt vi phạm hành chính theo các quy định nêu trên. "Nếu hành vi vượt đèn đỏ gây nguy hại cho phương tiện giao thông đang lưu thông mà thiệt hại đó có thể lớn hơn việc nhường đường cho xe cứu thương thì không nên vượt.

Ngược lại, trường hợp có đủ điều kiện, hoàn toàn có khoảng trống cho xe cứu thương và việc vượt đèn đỏ vẫn đảm bảo an toàn cho các phương tiện khác thì người điều khiển có thể cân nhắc việc vượt đèn đỏ. Bởi hành động này mang lại nhiều lợi ích hơn, giúp đảm bảo sự an toàn về tính mạng, sức khỏe cho những bệnh nhân trên xe cứu thương đang cần thời gian để chữa trị, giành giật sự sống", luật sư Nguyên phân tích.

Ngoài ra, luật sư Nguyên cũng kiến nghị các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ nhằm đưa ra văn bản hướng dẫn về việc xử lý như thế nào khi có xe ưu tiên phía sau, do quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 vẫn chưa thực sự rõ ràng đối với cách thức nhường đường cho xe ưu tiên.

Quốc Doanh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.