Hoạt động bổ trợ tư pháp hỗ trợ đắc lực cải cách tư pháp

Công tác bổ trợ tư pháp có vai trò quan trọng trong thực hiện chủ trương cải cách tư pháp của Đảng, Nhà nước, là hoạt động không thể thiếu trong việc bảo đảm công lý, quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân theo tinh thần Hiến pháp.
Đoàn Luật sư TP Hà Nội trợ giúp pháp lý miễn phí cho người dân ở huyện Thường Tín.
Đoàn Luật sư TP Hà Nội trợ giúp pháp lý miễn phí cho người dân ở huyện Thường Tín. Ảnh: Khánh Huy

Bổ trợ tư pháp phát triển mạnh mẽ

Được sự quan tâm, chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP Hà Nội, hoạt động bổ trợ tư pháp đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Sở Tư pháp Hà Nội cho biết, những năm qua hoạt động bổ trợ tư pháp đã có những bước phát triển mạnh mẽ, trong đó công chứng, luật sư, giám định tư pháp là những lĩnh vực hoạt động có vai trò hỗ trợ đắc lực cho hệ thống tư pháp.

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được quan tâm, chú trọng; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp đã góp phần thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và góp phần thúc đẩy sự phát triển, chất lượng cũng như tính chuyên nghiệp của hoạt động hành nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp.

Theo đó, lĩnh vực công chứng trên địa bàn TP Hà Nội hiện có 122 tổ chức hành nghề công chứng, trong đó có 10 Phòng công chứng và 112 Văn phòng công chứng với 445 công chứng viên hành nghề. Trong năm 2021, 122 tổ chức hành nghề công chứng đã ký 457.167 hợp đồng, giao dịch; chứng thực 3.575.737 bản sao; chứng thực chữ ký được 65.765 việc; thu hơn 253 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 34 tỷ đồng.

Hiện tổng số tổ chức hành nghề luật sư là 1.440 tổ chức với 4.768 luật sư hành nghề. Cũng tính đến thời điểm này, các tổ chức hành nghề luật sư đã thực hiện xong: 4.926 việc, trong đó: 394 việc tố tụng, 4.054 việc tư vấn pháp luật và dịch vụ pháp lý khác và 478 việc trợ giúp pháp lý, doanh thu gần 722 tỷ đồng, nộp thuế gần 185 tỷ đồng.

Hoạt động thừa phát lại, hiện TP có 08 Văn phòng thừa phát lại với 80 thừa phát lại đang hành nghề, năm 2021 tống đạt 61.046 văn bản (của cơ quan tòa án), doanh thu trên 3,3 tỷ đồng. Lập 10.714 vi bằng, doanh thu hơn 11 tỷ đồng…

Nâng cao chất lượng hoạt động bổ trợ tư pháp

Năm 2022, kế hoạch công tác tư pháp của UBND TP, trong đó lĩnh vực bổ trợ tư pháp, Hà Nội ban hành Tiêu chí xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng trên địa bàn TP Hà Nội; tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 112/KH-UBND của UBND TP triển khai thực hiện Nghị quyết 172/NQ-CP ngày 19/11/2020 của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng trên địa bàn TP Hà Nội;

Hoàn thiện và đưa vào áp dụng quy chế quản lý, sử dụng hệ thống thông tin công chứng; thực hiện việc chia sẻ cơ sở dữ liệu công chứng giữa phòng Tư pháp các quận, huyện, thị xã, UBND các xã, phường, thị trấn và các tổ chức hành nghề công chứng, cơ quan đăng ký quyền sử dụng đất; triển khai Đề án thực hiện thí điểm liên thông thủ tục công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và thuế trên địa bàn TP ngay khi được TP ban hành.

Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị quản lý Nhà nước về hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sư và phát huy vai trò của luật sư trong việc xây dựng, thực thi pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của TP.

UBND TP yêu cầu đơn vị tập trung triển khai có hiệu quả Đề án “Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp”; tiếp tục đẩy mạnh việc xã hội hóa, nâng cao hiệu quả các hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm, thừa phát lại. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án phát triển Văn phòng thừa phát lại trên địa bàn TP. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về Thừa phát lại tới toàn bộ người dân trên địa bàn TP.

Tổ chức triển khai thi hành hiệu quả Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản hướng dẫn thi hành, Đề án đổi mới công tác Trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015-2025, các kế hoạch về Trợ giúp pháp lý của UBND TP. Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ TGPL và năng lực cho đội ngũ người thực hiện TGPL để góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Đặc biệt, phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm những vi phạm. Triển khai các biện pháp đào tạo bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ luật sư, công chứng viên, đấu giá viên, thừa phát lại. Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động tự quản của các hội nghề nghiệp bổ trợ tư pháp.

Triển khai thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo kế hoạch; tập trung chủ yếu đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; đa dạng hóa các loại hình hỗ trợ như tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp, hỗ trợ trên truyền hình, internet, thiết lập mạng lưới tư vấn pháp luật.

Để nâng cao chất lượng hoạt động bổ trợ tư pháp nhằm đẩy mạnh cải cách tư pháp năm 2022, UBND TP Hà Nội đã xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản mới được ban hành trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, như: Luật sửa đổi, bổ sung Luật Giám định tư pháp; Nghị định số 08/2020/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại; Nghị quyết số 172/NQ-CP của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng; Chỉ thị số 40/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong hoạt động đấu giá tài sản.

Bạch Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.