90% chỉ tiêu Đại học vẫn dành cho phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT và xét học bạ

Theo lịch của Bộ GD&ĐT, thời hạn để thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT theo hình thức trực tuyến đến 17h ngày 13/5.
90% chỉ tiêu Đại học vẫn dành cho phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT và xét học bạ
3 phương thức xét tuyển chủ đạo được đa số các cơ sở giáo dục đại học sử dụng gồm: Xét tuyển bằng kết quả học tập bậc THPT (học bạ); xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022 và xét tuyển bằng kỳ thi riêng hoặc xét tuyển kết hợp. Ảnh: Khánh Huy

3 phương thức xét tuyển chủ đạo cần lưu ý

Đến thời điểm này, đa số cơ sở giáo dục đại học đã thông báo các phương thức tuyển sinh đại học hệ chính quy năm 2022. Theo thống kê, năm nay có khoảng 15 phương thức tuyển sinh và hầu hết các trường sử dụng từ 2 phương thức xét tuyển trở lên.

Dù có nhiều phương thức tuyển sinh, các thí sinh cần lưu ý, 3 phương thức xét tuyển chủ đạo được đa số các cơ sở giáo dục đại học sử dụng gồm: Xét tuyển bằng kết quả học tập bậc THPT (học bạ); xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022 và xét tuyển bằng kỳ thi riêng hoặc xét tuyển kết hợp.

Thí sinh có thể đăng ký nhiều nguyện vọng vào một trường hoặc nhiều trường nhưng chỉ khi đăng ký trên hệ thống của Bộ GD&ĐT thì việc xếp ưu tiên các nguyện vọng mới có ý nghĩa. Vì phần mềm sẽ tự động chạy lọc ảo để thí sinh trúng tuyển một nguyện vọng được ưu tiên cao nhất theo đăng ký của thí sinh trên hệ thống này.

Theo ông Lê Mỹ Phong - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), tính đến ngày 8/5, đã có trên 688.000 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp trực tuyến thành công. Trong số này, 135.000 thí sinh đăng ký dự thi chỉ để xét tốt nghiệp, chiếm khoảng 20%; trên 7.000 thí sinh dự thi chỉ để xét tuyển đại học, chiếm khoảng trên 1%. Thí sinh dự thi vừa để xét tốt nghiệp THPT, vừa sử dụng kết quả xét tuyển đại học có 537.000 em, chiếm gần 79%.

Về việc đăng ký tổ hợp dự thi, có 52% thí sinh chọn bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội (gồm các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân), 30% thí sinh chọn bài thi Khoa học Tự nhiên (gồm các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học).

Bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho biết theo thống kê, năm nay 90% chỉ tiêu vẫn dành cho phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT và xét học bạ, bên cạnh các phương thức khác.

Số lượng chỉ tiêu tuyển sinh bằng kết quả thi tốt nghiệp ở một số cơ sở đại học tốp đầu năm nay có giảm đi nhưng chỉ dịch chuyển giữa hai phương thức sử dụng học bạ và điểm thi tốt nghiệp. Do đó, không ảnh hưởng lớn đến thí sinh ở các vùng nông thôn. Trừ những trường thi tuyển bằng các môn năng khiếu, còn lại hầu hết các trường khác đều có sử dụng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT và học bạ. Không trúng tuyển vào trường này, các thí sinh vẫn có cơ hội ở rất nhiều trường khác. Dĩ nhiên, khi thí sinh mong muốn đỗ vào những trường tốp đầu dù các em chọn phương thức nào để xét tuyển cũng đều phải cạnh tranh với rất nhiều thí sinh giỏi trên toàn quốc.

Lựa chọn nguyện vọng phù hợp là yếu tố then chốt

Có thể thấy các trường đại học ngày càng đa dạng phương thức tuyển sinh, giảm phụ thuộc vào điểm thi tốt nghiệp THPT. Phần lớn các trường không thay đổi nhiều về các phương thức xét tuyển so với năm trước. Tuy nhiên, tỉ lệ chỉ tiêu giữa các phương thức đã có sự thay đổi rõ rệt ở một số trường.

Do các trường sử dụng đồng thời nhiều phương thức xét tuyển, trong khi tổng chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm của trường không biến động nhiều nên chỉ tiêu dành cho các phương thức được chia theo tỉ lệ khác nhau trong tổng chỉ tiêu chung.

90% chỉ tiêu Đại học vẫn dành cho phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT và xét học bạ
Số lượng chỉ tiêu tuyển sinh bằng kết quả thi tốt nghiệp ở một số cơ sở đại học tốp đầu năm nay có giảm đi nhưng chỉ dịch chuyển giữa hai phương thức sử dụng học bạ và điểm thi tốt nghiệp. Ảnh: Khánh Huy

Với phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp, lời khuyên của chuyên gia lưu ý thí sinh: Khi các trường có nhiều phương thức xét tuyển thì chỉ tiêu dành cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT bị cắt giảm. Vì vậy, điểm chuẩn của phương thức này sẽ khá cao, tình trạng nhiều thí sinh điểm cao nhưng có thể vẫn trượt đại học sẽ tiếp tục tái diễn. Do vậy, thí sinh cần có chiến lược đăng ký nguyện vọng phù hợp khi xét tuyển bằng phương thức này. Con đường vào các ngành hot, trường tốp đầu dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT sẽ ngày càng "chật hẹp" do chỉ tiêu đối với phương thức này giảm sâu

Nếu có thành tích nổi trội, đạt các giải thưởng hoặc có năng lực chuyên biệt (học sinh giỏi trường chuyên/năng khiếu, có chứng chỉ quốc tế về ngoại ngữ hoặc học vấn như SAT, A-Level) thì các em rất có ưu thế khi đăng ký xét tuyển qua hồ sơ thành tích/học lực. Bên cạnh đó, việc tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực cũng sẽ tạo thêm cơ hội trúng tuyển cho thí sinh do có nhiều trường sử dụng kết quả các kỳ thi này để xét tuyển đại học.

Thí sinh cũng cần lưu ý đối với phương thức xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực hiện nay các trường đều chỉ sử dụng kết quả thi của năm tuyển sinh, không chấp nhận kết quả thi các năm trước đó (ví dụ năm 2022 chỉ sử dụng kết quả thi của năm 2022). Tuy nhiên thí sinh có thể dự thi năng lực hơn 1 đợt chọn kết quả tốt nhất dùng để đăng ký nguyện vọng xét tuyển.

Cùng với đó, đối với xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT, các trường không sử dụng điểm thi được bảo lưu từ các kỳ thi THPT, THPT quốc gia các năm trước để tuyển sinh.

Theo quy định, thí sinh đăng ký xét tuyển phương thức có kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế phải nộp chứng chỉ về cho trường trong đúng thời gian quy định ở vòng sơ tuyển. Sau khi qua vòng sơ tuyển thí sinh mới đủ điều kiện đưa vào vòng lọc ảo toàn quốc trên hệ thống và phải đạt điểm chuẩn mới được công nhận trúng tuyển.

Thái Phương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.