Lý do cựu Trưởng Công an quận Tây Hồ bị truy tố tội "Nhận hối lộ"

VKSND TC vừa ban hành Cáo trạng số 1518/CT-VKSTC-V6 truy tố các bị cáo trong vụ tha người trái pháp luật tại quận Tây Hồ, Hà Nội.
Lý do cựu Trưởng Công an quận Tây Hồ bị truy tố tội
Ông Phùng Anh Lê khi chưa vướng vào vụ án này.

Từ lời gợi ý của người họ hàng

Cáo trạng nêu, ngày 19/9/2016, anh Nguyễn Công T, trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, đến Công an phường Yên Phụ, Hà Nội, trình báo bị một số người bắt giữ và đánh để đòi nợ 4 triệu đồng.

Công an phường Yên Phụ đã thụ lý vụ việc và báo cáo Phùng Anh Lê, SN 1967, Trưởng Công an quận Tây Hồ; ông Phạm Quý Hải, Phó trưởng Công an quận Tây Hồ. Ông Hải đã phân công Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an quận Tây Hồ, phối hợp với Công an phường Yên Phụ xác minh, xác định được người cầm đầu là Nguyễn Hữu Tài, trú tại quận Ba Đình, Hà Nội. Tài là đối tượng chuyên cho vay nặng lãi, đã cùng đồng bọn thực hiện hành vi phạm pháp với anh T.

Ngày 22/9/2016, Nguyễn Hữu Tài đến Công an quận Tây Hồ đầu thú về hành vi cùng đồng phạm bắt giữ và đánh anh Nguyễn Công T.

Khoảng 21h10 cùng ngày, Tài bị đưa vào Nhà tạm giữ Công an quận Tây Hồ, để thi hành Quyết định tạm giữ số 247, trong thời hạn 3 ngày. Lo sợ Tài bị xử lý, ông Nguyễn Văn Hà, chị Nguyễn Thu Hiền cùng với Nguyễn Văn Thắng đã nhờ ông Phùng Văn Bảy tìm người giúp cho Tài được hoà giải với bị hại, không bị xử lý hình sự.

Do có quan hệ họ hàng với Lê, ông Bảy đặt vấn đề và được Lê đồng ý giúp với yêu cầu phải đưa 110 triệu đồng để hoà giải, bồi thường.

Khoảng 21h30 đến 22h ngày 22/9/2016, tại khu vực vỉa hè đối diện trụ sở Công an quận Tây Hồ, chị Nguyễn Thu Hiền cùng với ông Nguyễn Văn Hà, Nguyễn Văn Thắng đã đưa bọc tiền 103 triệu đồng cho ông Phùng Văn Bảy.

Ông Bảy cho mượn thêm 7 triệu đồng rồi cầm trên tay bọc tiền 110 triệu đồng một mình đi vào phòng làm việc của Phùng Anh Lê. Ông Bảy đã đưa số tiền theo yêu cầu để mong hoà giải, không xử lý với Tài.

Sau khi nhận tiền từ ông Bảy, Lê chỉ đạo Nguyễn Đức Châu, SN 1973, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an quận Tây Hồ, gọi Vũ Công Ngọc, SN 1980, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, mang hồ sơ đến báo cáo việc tạm giữ Tài.

Sau đó, Lê chỉ đạo Lê Đình Trung, SN 1977, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp, Công an quận Tây Hồ, bàn giao Tài cho Ngọc để tha cho về không có căn cứ, không có quyết định huỷ bỏ quyết định tạm giữ theo thủ tục tố tụng hình sự.

Như vậy, đơn trình báo của anh T không được xác minh làm rõ, hành vi vi phạm của Tài không bị điều tra xác minh xử lý cho đến khi Công an TP Hà Nội phát hiện vụ việc.

Cựu Trưởng Công an quận không nhận tội

Đầu năm 2021, Công an TP Hà Nội phát hiện hành vi vi phạm pháp luật của Tài chưa bị xử lý đã tiến hành xác minh.

Ngày 22/1/2021, Công an TP Hà Nội ra Quyết định khởi tố vụ án, Quyết định khởi tố bị can với Nguyễn Hữu Tài cùng đồng phạm về tội “Cướp tài sản”. Ngày 29/4/2021, TAND TP Hà Nội đã tuyên Tài 24 tháng tù; các đồng phạm khác từ 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến 20 tháng tù giam về tội “Cướp tài sản”.

Quá trình Công an TP Hà Nội xác minh vụ việc nêu trên, ông Phạm Quý Hải, ông Phan Tất Hùng, Vũ Công Ngọc - điều tra viên - khai, tối 22/9/2016, ông Hải ký Quyết định tạm giữ số 247 đối với Tài và bàn giao cho Nhà tạm giữ, nhưng ngay sau đó, Phùng Anh Lê đã chỉ đạo Ngọc đến Nhà tạm giữ nhận bàn giao để thả cho Tài về.

Cơ quan tố tụng kết luận, Lê là Trưởng Công an quận Tây Hồ, Thủ trưởng Cơ quan Cơ quan điều tra, là người trực chỉ huy Công an quận Tây Hồ vào ngày 22/9/2016.

Khi sự việc xảy ra, với chức trách, nhiệm vụ được giao và được Ngọc báo cáo trực tiếp, Lê biết rõ Tài đang bị tạm giữ hình sự tại Nhà tạm giữ Công an quận Tây Hồ để phục vụ cho việc kiểm tra thông tin tội phạm.

Nhưng khi ông Phùng Văn Bảy đặt vấn đề nhờ giúp cho Tài được hoà giải với bị hại để không bị xử lý, Lê đã lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình, yêu cầu ông Bảy phải đưa 110 triệu đồng để hoà giải bồi thường cho người bị hại nhưng thực chất là Lê chiếm hưởng.

Ngay sau khi nhận được tiền từ ông Bảy, Lê đã chỉ đạo Nguyễn Đức Châu, Vũ Công Ngọc, Lê Đình Trung thả Tài và trực tiếp chỉ đạo Châu cho anh T và Tài tự hoà giải và bồi thường với nhau để dừng việc giải quyết đơn tố cáo của anh T.

Châu, Ngọc, Trung biết chỉ đạo của Lê là trái pháp luật nhưng đã chấp hành, thực hiện tha trái pháp luật Tài. Quá trình điều tra, Lê không khai nhận hành vi phạm tội, phủ nhận toàn bộ sự việc và đổ lỗi cho cấp dưới, người liên quan, chủ động tạo ra chứng cứ không đúng sự thật khách quan nhằm che giấu hành vi phạm tội.

Tuy nhiên, trên cơ sở các chứng cứ, tài liệu đã được thu thập, đủ căn cứ khẳng định, Lê đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn và vị trí công tác chủ động gợi ý nhận hối lộ 110 triệu đồng và chỉ đạo cấp dưới dừng việc giải quyết nguồn tin về tội phạm khi Công an quận Tây Hồ đang thụ lý, giải quyết vụ việc theo thủ tục tố tụng hình sự.

Hành vi của Lê phạm tội “Nhận hối lộ”, điểm c Khoản 2 Điều 354 BLHS. Trong vụ án, Lê giữ vai trò chính, là chủ mưu, có động cơ vụ lợi, đã lợi dụng chức vụ quyền hạn chỉ đạo toàn bộ vụ việc tha trái pháp luật và không xử lý hình sự đối với người phạm tội.

Bị can Phùng Anh Lê trong quá trình công tác có nhiều thành tích xuất sắc được tặng nhiều Huân chương, Huy chương, Bằng khen, Giấy khen, được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong công tác), điểm v Khoản Điều 51 BLHS.

Về Vũ Công Ngọc, khi Lê chỉ đạo tha cho về đối với Tài, Ngọc biết rõ không có thủ tục huỷ bỏ quyết định tạm giữ là tha trái pháp luật nhưng vẫn đến Nhà tạm giữ nhận bàn giao Tài để cho về. Quá trình điều tra, Ngọc thành khẩn khai nhận tội và khai báo hành vi phạm tội của các bị can khác.

“Các bị can Nguyễn Đức Châu, Vũ Công Ngọc, Lê Đình Trung ý thức được hành vi tha trái pháp luật của mình nhưng đã thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Phùng Anh Lê thả Nguyễn Hữu Tài ra khỏi Nhà tạm giữ để cho về, khi không có căn cứ và các thủ tục theo quy định, đã vi phạm tại Điều 7, 18, 20, 21, 22 Nghị định 89 ngày 7/11/1998 và khoản 3, 4 Điều 1 Nghị định số 98 ngày 27/11/2002 của Chính phủ ban hành quy chế về tạm giữ tạm giam; Điều 8, 13 Luật Thi hành tạm giữ tạm giam; Điều 86, 94 Bộ luật Tố tụng Hình sự. Các bị can này thực hiện hành vi trái pháp luât theo chỉ đạo của Lê nhưng không biết động cơ, mục đích của Lê và không được hưởng lợi từ số tiền 110 triệu đồng. Hành vi của các bị can này phạm tội “Tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phụ tù, khoản 1 Điều 378 BLHS"- Cáo trạng nêu.

Các bị can được ghi nhận có nhiều thành tích trong công tác, thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác trong quá trình điều tra.

Một số cán bộ khác được xác định, thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao nhưng chưa đủ dấu hiệu để xử lý hình sự nên CQĐT kiến nghị Công an TP Hà Nội xử lý kỷ luật nghiêm về Đảng và chính quyền.
Vì sao nhà riêng của đại tá Phùng Anh Lê bị khám xét?
Ông Phùng Anh Lê bị khởi tố vì tha trái pháp luật người bị bắt
Hai cựu Đội phó Công an quận Tây Hồ bị bắt về tội gì?

Nhật Nam

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.