Biện pháp xử lý người chưa thành niên phạm tội: Tăng cường trách nhiệm của gia đình, nhà trường

Luật sư cho rằng, vấn đề giáo dục cần được đẩy mạnh hơn, phải tăng cường các biện pháp giáo dục, tăng cường trách nhiệm của gia đình và nhà trường trong việc giáo dục trẻ vị thành niên.
Các thanh niên trong nhóm cướp tại CQCA
Các thanh niên trong nhóm cướp tại CQCA

Thời gian qua liên tiếp xảy ra những cướp mà thủ phạm là những đối tượng chưa đến tuổi thành niên. Điển hình như ngày 12/4, tại khu vực cầu vượt trên cao hướng từ Võ Chí Công đi Hoàng Quốc Việt, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, anh Hoàng Văn Sinh, SN 2002, trú tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội bị một nhóm thiếu niên chặn đầu, dùng 2 vỏ chai nước ngọt bằng thủy tinh đe dọa, hành hung, lấy đi chiếc xe máy.

Chỉ 2 ngày sau khi vụ cướp xe máy xảy ra tại quận Cầu Giấy, anh Nguyễn Hữu Thành, SN 1999, ở huyện Quốc Oai đến CQCA trình báo việc bị một nhóm thanh thiếu niên chặn đầu trên Đại Lộ Thăng Long, xã Song Phương, huyện Hoài Đức, Hà Nội đánh gây thương tích và cướp xe máy và điện thoại di động.

Rạng sáng 21/4, hai vụ cướp khác với thủ đoạn tương tự đã xảy ra trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm và quận Cầu Giấy khiến dư luận hoang mang, lo lắng.

Trước tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ án, Ban Giám đốc CATP Hà Nội chỉ đạo Phòng CSHS CATP Hà Nội xác lập chuyên án đấu tranh, phối hợp với CA các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, CA huyện Hoài Đức và các đơn vị nghiệp vụ có liên quan, sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ điều tra, rà dựng lên các ổ nhóm đối tượng nghi vấn.

Ngày 22/4, phòng CSHS đã bắt giữ toàn bộ các đối tượng trong băng cướp trên do Nguyễn Hữu Hưng, SN 2003, ở phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cầm đầu. Cùng bị bắt giữ còn có các đối tượng: Đàm Xuân Long, SN 2004, ở xã Liên Hà, huyện Đan Phượng; Đàm Xuân Huy, SN 2006, ở phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm; Lê Quang Việt, SN 2002, ở phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm; Nguyễn Hữu Tình, SN 2005 và Bùi Xuân Đức, SN 2006, cùng trú tại xã Tân Lập, huyện Đan Phượng.

Theo CQCA, những đối tượng trên đều bỏ học sớm, không có nghề nghiệp, thường xuyên bỏ nhà đi chơi game Internet. Khoảng tháng 3/2022, thông qua những lần đi uống nước, các đối tượng quen biết và sau đó kết thân với nhau. Nhóm này thường tụ tập tại quán game ở xã Tân Lập, huyện Đan Phượng.

Sau khi cướp được tài sản, Hưng đăng lên một diễn đàn bán xe. Facebook có tên Hà “bé” đã liên hệ mua với giá từ 4,9 - 5 triệu đồng. Mua lại xong, Hà “mổ” xe lấy linh kiện bán. Từ lời khai của Hà, cơ quan chức năng đã bắt thêm đối tượng thứ 9 có liên quan đến băng cướp trên là Trần Hữu Đạt, SN 1990, quê Nam Định, thu giữ 75 xe máy. Tất cả số xe máy của Đạt đều không có giấy tờ mua bán, nguồn gốc bất minh.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, những đối tượng cướp tài sản trong các vụ án này rất trẻ tuổi, nhiều đối tượng chưa đủ 18 tuổi, hành vi của chúng có thể được xác định là có tổ chức, sử dụng vũ khí, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội. Đây là các tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự nên chúng sẽ phải đối mặt với khung hình phạt là phạt tù từ 7 năm đến 15 năm tù theo quy định tại khoản 2 (Điều 168, BLHS 2015). “Tuy nhiên, do một số đối tượng chưa đủ 18 tuổi nên sẽ không quá ¾ mức hình phạt theo khung của điều luật", luật sư Thái phân tích.

Cũng theo luật sư Thái, CQĐT sẽ làm rõ hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có của một số người có liên quan để xử lý về tội "Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có" theo Điều 323 (BLHS 2015).

Đối với tội "Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có" thì mức phạt tù cao nhất lên đến 15 năm. Trường hợp CQĐT có căn cứ cho thấy các đối tượng đã mua các chiếc xe là tang vật của vụ án biết được những chiếc xe này do phạm tội mà có nhưng vì tham rẻ mà vẫn tiêu thụ thì sẽ bị xử lý hình sự về tội danh này.

Việc xử lý đối với các đối tượng tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có là rất quan trọng để loại bỏ động cơ phạm tội, khi không có nơi tiêu thụ thì các đối tượng có thể sẽ từ bỏ ý định thực hiện hành vi phạm tội. Các căn cứ để chứng minh hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có là: Những chiếc xe không có giấy tờ, giá rẻ, các đối tượng bán xe bán nhiều lần. Ngoài ra còn có thể có những thông tin tài liệu khác để chứng minh cho thấy các đối tượng mua những chiếc xe gian này biết xe là do phạm tội mà có. Khi chứng minh được những tình tiết này thì CQĐT sẽ tiếp tục khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can để xử lý đối với các đối tượng này.

Để giảm thiểu những vụ án hình sự mà người phạm tội là người chưa thành niên, luật sư Thái kiến nghị, vấn đề giáo dục cần phải được đẩy mạnh hơn, cần phải tăng cường các biện pháp giáo dục, tăng cường trách nhiệm của cha mẹ, người giám hộ đối với trẻ em. Giáo dục kỹ năng sống, giáo dục văn hóa đạo đức cho trẻ em cần được quan tâm nhiều hơn.

“Cũng giống như người thầy thuốc, muốn chữa hết bệnh cho bệnh nhân phải tìm được đúng bệnh và áp dụng đúng pháp đồ điều trị. Nên việc tăng mức hình phạt hay giảm tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên không phải là giải pháp khả thi và hiệu quả, mà đôi khi còn phản tác dụng”, luật sư Thái cho hay.

Thái An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.