Tiêu tiền của người khác chuyển khoản nhầm, coi chừng vi phạm hình sự

Chẳng may chuyển nhầm tiền cho người lạ, nhiều khách hàng dù đã biết thông tin người nhận cũng không lấy lại được tiền vì những lý do tréo ngoe. Nhận được khoản tiền do người khác chuyển nhầm, cố tình chây ì, lờ đi không trả lại, coi chừng bị xử lý hình sự.
Nếu sử dụng trái phép tài sản của người khác, người vi phạm có thể bị xử lý về Tội sử dụng trái phép tài sản, với mức phạt tiền tối đa lên đến 100 triệu đồng, bị phạt tù tối đa đến 7 năm tù
Nếu sử dụng trái phép tài sản của người khác, người vi phạm có thể bị xử lý về Tội sử dụng trái phép tài sản, với mức phạt tiền tối đa lên đến 100 triệu đồng, bị phạt tù tối đa đến 7 năm tù

Khó cả người chuyển nhầm và ngân hàng

Cách đây 1 tháng, anh Đào Quang Tùng (ngụ tại Ba Đình, Hà Nội) chuyển nhầm 35 triệu đồng cho một chủ tài khoản cùng tên nhưng khác họ với người cần nhận. Anh gọi lên ngân hàng và làm truy soát giao dịch nhưng tới nay vẫn chưa thể lấy lại tiền vì “ngân hàng không liên lạc được với người nhận”. Bằng mối quan hệ riêng, anh có được họ tên, địa chỉ và số điện thoại người nhận. Nhưng gọi thì thuê bao cả tháng trời không liên lạc được.

Vào tháng 10/2020, một chủ tài khoản Ngân hàng Á Châu (ACB) mở tại Hà Tĩnh chuyển nhầm 250 triệu đồng sang tài khoản của người lạ mở tại Ngân hàng Quân đội (MB) chi nhánh Hà Nam. Lúc đó, ACB Hà Tĩnh xác nhận khách hàng này dùng dịch vụ mobile banking để giao dịch nhưng không may nhầm lẫn và đã làm đơn truy soát gửi ngân hàng. ACB Hà Tĩnh đã gửi yêu cầu rà soát sang MB. Hiện số tiền chuyển nhầm vẫn đang ở trong tài khoản MB, chưa giao dịch. Đại diện MB cũng thông báo đã liên hệ với người được nhận tiền, song họ đang ở nước ngoài và cũng chưa có thiện chí trả lại tiền. Với trường hợp này, ACB Hà Tĩnh đã hướng dẫn khách hàng nộp đơn lên CA để họ đứng ra giải quyết.

Quy định hiện nay không cho phép ngân hàng tiết lộ thông tin cá nhân của người nhận cho người chuyển tiền và cũng không được phép can thiệp tài khoản người nhận, tự ý hoàn trả số tiền chuyển nhầm khi chưa được sự đồng ý của chủ tài khoản nhận. Hay nói cách khác, ngân hàng cũng chỉ có thể hỗ trợ người chuyển tiền nhầm bằng cách liên hệ với người nhận để họ tự nguyện hoàn trả tiền.

Theo quy định mới đang được lấy ý kiến, Ngân hàng Nhà nước đề xuất chỉ phong tỏa một phần hoặc toàn bộ tài khoản thanh toán người nhận khi do lỗi chủ quan của ngân hàng hoặc của bên cung ứng dịch vụ thanh toán. Việc ngân hàng không được phép phong tỏa tài khoản hay hoàn tiền cho người chuyển nhầm tiền khi chưa được sự đồng ý của người nhận nhằm tránh trường hợp cố tình gian lận, đặc biệt trong gian lận thương mại. Ví dụ, sau khi bên bán xác nhận đã nhận tiền và giao hàng, người mua có thể gian lận bằng cách báo ngân hàng chuyển khoản nhầm và đòi ngân hàng hoàn tiền. Vì thế, ngân hàng muốn hoàn tiền cho người không may chuyển tiền nhầm phải chờ kết luận của CQCA hoặc tòa án.

Các chuyên gia cho rằng, quy định mới khi được áp dụng sẽ giúp ngân hàng can thiệp kịp thời để khách hàng lấy lại số tiền chuyển nhầm. Đặc biệt trong trường hợp chủ tài khoản bị lừa đảo, hay bị đánh cắp thông tin tài khoản. Nhưng vấn đề là cơ sở nào để xác định trường hợp nào là nhầm hoặc không nhầm, đặc biệt trong trường hợp báo nhầm lẫn mà bản chất là tranh chấp. Vì nếu không sẽ rủi ro cho ngân hàng khi người bị phong tỏa tiền khiếu nại ngân hàng. Khi áp dụng vào thực tế, Ngân hàng Nhà nước cần hướng dẫn rõ ràng, cụ thể.

Không vì số tiền nhỏ mà ngại khởi kiện

Trên thực tế, cũng đã có trường hợp người nhận tiền bị truy cứu trách nhiệm hình sự do cố tình không hoàn trả tiền. Tuy nhiên, việc tố giác và kiện tụng trước nay vẫn được xem như là giải pháp bất đắc dĩ. Với số tiền không quá lớn cũng như tâm lý e ngại phiền hà thời gian thủ tục, đa phần người chuyển tiền nhầm vẫn thường phải chấp nhận mất đi số tiền do sơ suất, nếu người nhận cố tình không hoàn trả hoặc không liên lạc được với họ.

Theo luật sư Trần Thị Thanh Lam, tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi, sẽ bị xử lý hành chính hoặc chịu trách nhiệm hình sự: Theo điểm e khoản 2 Điều 15 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ, hành vi “chiếm giữ trái phép tài sản của người khác” bị phạt tiền từ 2-5 triệu đồng.

Người nước ngoài thực hiện hành vi này thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tội chiếm giữ trái phép tài sản được quy định tại Điều 176 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 như sau:

“1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

2. Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm”.

Nếu sử dụng trái phép tài sản của người khác, người vi phạm có thể bị xử lý về Tội sử dụng trái phép tài sản, với mức phạt tiền tối đa lên đến 100 triệu đồng, bị phạt tù tối đa đến 7 năm tù.

Chủ tài khoản nhận được tiền chuyển nhầm tiền có nghĩa vụ hoàn trả lại theo quy định tại khoản 1 Điều 579 của Bộ luật này. Đó là: “Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản đó; nếu không tìm được chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại Điều 236 của Bộ luật này”. Và tùy theo mức độ và hậu quả người chiếm hữu bất hợp pháp tài sản của người khác có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Các ngân hàng cho biết, theo quy trình, khi phát hiện chuyển nhầm tiền, khách hàng phải đến quầy giao dịch của ngân hàng thông báo để được hướng dẫn giải quyết. Nếu lỗi chuyển nhầm do khách hàng, ngân hàng chỉ hỗ trợ liên hệ với người nhận nhầm, chứ không thể tự ý trừ tài khoản khi chưa được chủ tài khoản cho phép. Trường hợp không liên hệ được với chủ tài khoản nhận nhầm, khách hàng có thể làm đơn yêu cầu CA vào cuộc hoặc khởi kiện ra tòa.

Ngô Sơn

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.