Tái diễn các hoạt động trên “phố đường tàu”

“Phố đường tàu” góc "sống ảo" một thời của giới trẻ Hà thành nóng trở lại khi gần đây liên tục ghi nhận khách du lịch đến chick-in. Tuy nhiên, hiểm họa khôn lường có thể xảy đến bất cứ lúc nào vì chỉ cần sơ sẩy một chút tính mạng sẽ bị đe dọa.
Khách du lịch chụp ảnh trong khu vực đường sắt được ảnh sát nhắc nhở
Khách du lịch chụp ảnh trong khu vực đường sắt được ảnh sát nhắc nhở

Trải nghiệm “nguy hiểm”

Gần đây, nhiều cửa hàng kinh doanh cà phê trên “phố đường tàu”, đoạn qua Trần Phú, Phùng Hưng bắt đầu sửa sang, tân trang và mở cửa trở lại. Nhiều du khách quốc tế cũng tìm tới thưởng thức cà phê đường tàu, chụp ảnh và chia sẻ cảm nhận trên các diễn đàn du lịch.

Được biết, “phố đường tàu” là đoạn đường dài khoảng 2 km, nối giữa Lê Duẩn, Trần Phú, Cửa Đông và Phùng Hưng, nằm trên địa bàn phường Hàng Bông, Điện Biên, Cửa Đông thuộc quận Hoàn Kiếm và Ba Đình, là địa điểm thu hút đông người nước ngoài và bạn trẻ trong nước. Gần đây sau hơn một tháng du lịch quốc tế mở cửa trở lại, lượng du khách kéo đến tham quan, check-in dần đông lên, đặc biệt trong ngày nghỉ lễ 30/4, 1/5.

Không chỉ khách nước ngoài mà rất nhiều bạn trẻ Việt Nam cũng đến check-in tại địa điểm này. Các quán cà phê cũng đồng loạt "mọc lên như nấm", lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt, thậm chí cho phép du khách ngồi uống cà phê ngay trên đường ray. Tuy chưa có ghi nhận về du khách gặp nạn khi chụp ảnh ở đây, song trải nghiệm này được đánh giá là “nguy hiểm”, vì chỉ cần sơ sẩy một chút tính mạng sẽ bị đe dọa.

Ngay sau khi nhận được thông tin báo chí phản ánh và công tác kiểm tra thực tế, sáng 2/5 Đội Cảnh sát giao thông đường sắt thuộc Phòng CSGT, CATP Hà Nội đã thành lập tổ công tác tiến hành kiểm tra thực tế, tuyên truyền, nhắc nhở các khách du lịch và các hộ kinh doanh quán cà phê, quán nước chấp hành nghiêm các quy định đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt. Không để các phương tiện hàng hóa, thiết bị, vật liệu lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt.

Không bán hàng, kinh doanh dưới mọi hình thức trong phạm vi bảo vệ công trình và hành lang an toàn giao thông đường sắt. Không treo, phơi, đặt vật làm che lấp hoặc làm sai lạc tín hiệu giao thông đường sắt. Mỗi chủ nhà hàng kinh doanh luôn phải có trách nhiệm nhắc nhở, hướng dẫn khách hàng chấp hành nghiêm các quy định về đảm bảo TTATGT đường sắt, không đi, đứng, nằm, ngồi trên đường sắt để chụp ảnh, check in và trải nghiệm.

Ngày 4-5, Phòng Cảnh sát giao thông (CATP Hà Nội) cho biết: Ngay sau khi nhận được thông tin báo chí phản ánh tình trạng khách du lịch trở lại check-in “phố đường tàu”, đơn vị đã giao Đội Cảnh sát giao thông đường sắt chủ động triển khai lực lượng kiểm tra, tuyên truyền, nhắc nhở khách du lịch và các hộ kinh doanh chấp hành nghiêm quy định bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt.

Đại úy Đặng Chiến Lĩnh, Phó Đội trưởng Đội CSGT đường sắt, Phòng CSGT Hà Nội cho biết: "Trong ngày 2/5, Đội CSGT đường sắt đã tiến hành nhắc nhở, tuyên truyền 46 trường hợp khách du lịch có dấu hiệu vi phạm về đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt và yêu cầu 14 hộ kinh doanh ký cam kết thực hiện tốt các nội dung về trật tự an toàn giao thông đường sắt. Trong thời gian tới, Đội CSGT đường sắt sẽ phối hợp với Công an quận Hoàn Kiếm, Ba Đình tăng cường công tác kiểm tra, tuyên truyền, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm”.

Yêu cầu người dân tuân thủ quy định về an toàn hành lang đường sắt
Yêu cầu người dân tuân thủ quy định về an toàn hành lang đường sắt

Từng yêu cầu xử lý dứt điểm

Trước đó, vào tháng 10/2019, UBND TP Hà Nội từng yêu cầu xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường sắt, ngăn chặn, giải tán các điểm tụ tập đông người, ngồi uống cà phê trong lòng đường sắt. Việc đóng cửa xóm cà phê đường tàu được các chuyên gia giao thông cho rằng cần phải làm quyết liệt để đảm bảo an toàn quanh khu vực đường sắt.

Bởi bất chấp nguy hiểm, giới trẻ đua nhau check-in trên “phố đường tàu” Phùng Hưng. Hình ảnh đoạn đường tàu xanh mướt với vòm cây bao phủ, hay còn được ví với đường hầm trong một bộ phim nổi tiếng, làm nên những bức ảnh đậm chất thanh xuân, khiến rất nhiều bạn trẻ lên lịch để đi chụp ảnh.

Việc đi dạo, chụp ảnh trên đường sắt không chỉ giới trẻ trong nước mà còn hấp dẫn rất đông khách du lịch nước ngoài. Nhưng bên cạnh đó, hành động này tạo ra không ít những hiểm hoạ vì khu vực cà phê đầu đường Phùng Hưng khoảng vài trăm mét, nằm trong khu vực thưa dân sinh, trên đường ray đầy đá gây khó khăn cho việc đi lại. Cộng với việc cây cối phủ kín 2 bên với tầm nhìn hạn chế khiến đoạn đường tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn.

Thông tin về giờ tàu sẽ chạy qua đoạn đường này nhiều bạn trẻ cũng không nắm rõ, thậm chí còn chủ quan cho rằng mỗi khi tàu qua sẽ có tiếng còi to nên mọi người đều có thể tránh được. Liều hơn, có những bạn trẻ còn cố ý chờ đoàn tàu chạy đến gần để quay phim, chụp ảnh ngay trước mũi tàu có thể nguy hiểm tới tính mạng.

Vì vậy, lực lượng chức năng và các đơn vị liên quan đã có biện pháp hạn chế việc vi phạm hành lang an toàn đường sắt tại khu vực này để ngăn ngừa hiểm họa xảy ra tai nạn giao thông.

Thực tế, con phố cà phê đường tàu này nằm trải dài trên địa phận các phường, quận khác nhau nên việc quản lý tương đối phức tạp. Lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm cho biết: Quận này không có chủ trương mở cửa tuyến phố cà phê đường sắt. Hiện quận Hoàn Kiếm vẫn chỉ đạo các phường thực hiện nghiêm ngặt, yêu cầu người dân tuân thủ quy định về an toàn hành lang đường sắt.

Theo ông Nguyễn Vũ Linh, Chủ tịch UBND phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, đơn vị đã nắm được thông tin một số hộ dân sống ven khu vực đường tàu mở bán cà phê, đón khách trở lại. UBND phường Hàng Bông cũng đã cử cán bộ khảo sát, kiểm tra các hoạt động kinh doanh trên.

"Chúng tôi luôn thực hiện chỉ đạo xuyên suốt của TP và quận Hoàn Kiếm, đặt an toàn giao thông lên trên hết. Nếu các hộ dân mở cửa kinh doanh thì phải tuân thủ quy định an toàn hành lang đường sắt. Chúng tôi sẽ thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở và nghiêm túc xử lý khi có sai phạm", ông Linh cho hay.

Dương Huy

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.