Nâng cao hiệu quả hoạt động chứng thực

Xác định vai trò, tầm quan trọng của hoạt động chứng thực trong đời sống xã hội, đặc biệt là mối qua hệ cải cách TTHC, cải cách tư pháp và thực hiện xã hội hóa một số lĩnh vực quản lý Nhà nước, những năm qua công tác chứng thực luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền trên toàn TP, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
-	Người dân thực hiện TTHC tại bộ phận một cửa phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm
Người dân thực hiện TTHC tại bộ phận một cửa phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm

Công tác chứng thực được thực hiện đúng quy định

Theo Sở Tư pháp Hà Nội, năm 2021, việc chứng thực bản sao, chứng thực chữ ký, chứng thực chữ ký người dịch, lập danh sách, phê duyệt, niêm yết danh sách cộng tác viên dịch thuật được thực hiện theo đúng quy định. UBND TP đã ban hành Kế hoạch số 100/KH-UBND và văn bản số 1184/UBND-NC để chỉ đạo triển khai việc ủy quyền cho công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp phường ký chứng thực đối với bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trong các văn bản, giấy tờ.

Đồng thời, trình HĐND TP ban hành Nghị quyết về chi hỗ trợ công chức Tư pháp – Hộ tịch cấp phường được ủy quyền; Ban hành Kế hoạch số 03/KH-UBND về triển khai dịch vụ công chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên cổng dịch vụ công quốc gia. Đến ngày 21/10/2021, Hà Nội đã có 146/175 phường (đạt tỷ lệ 83,4%) thực hiện ủy quyền cho công chức Tư pháp - Hộ tịch.

TP tiếp tục vận hành, khai thác, sử dụng hệ thống Một cửa điện tử, dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực chứng thực. UBND các cấp đã trang bị đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ công tác; công chức được sử dụng phần mềm một cửa, sổ chứng thực điện tử nên công việc nhanh và chính xác.

Trong 10 tháng năm 2021, cấp huyện đã thực hiện chứng thực 90.043 bản sao, chứng thực 1.332 chữ ký trong giấy tờ, văn bản và 34.926 chữ ký người dịch; tại cấp xã, đã thực hiện tổng số 4.866.624 bản chứng thực bản sao, 220.149 việc chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản và 14.525 việc chứng thực hợp đồng, giao dịch.

Việc thu, nộp, quản lý, sử dụng phí chứng thực được thực hiện theo đúng Thông tư của Bộ Tài chính. Việc quản lý cộng tác viên dịch thuật được đảm bảo đúng quy định, đã phê duyệt 18 cộng tác viên dịch thuật tại 6 phòng Tư pháp: Thanh Xuân, Long Biên, Gia Lâm, Quốc Oai, Ứng Hòa, Tây Hồ.

Nâng cao hiệu quả hoạt động chứng thực

Nhằm nâng cao nghiệp vụ, hoạt động có hiệu quả lĩnh chứng thực năm 2022, UBND quận Nam Từ Liêm vừa tổ chức tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ công tác chứng thực. Theo Đại úy Hoàng Kiên Quyết - Giám định viên tài liệu, Đội Kỹ thuật hình sự truyền thống và Tài liệu, Phòng Kỹ thuật hình sự, CATP Hà Nội, hiện nay các loại giấy tờ làm giả rất đa dạng, từ bằng tốt nghiệp cấp 3, tốt nghiệp đại học, chứng minh thư nhân dân, giấy chứng nhận tình trạng độc thân, thậm chí những loại giấy tờ gắn liền với tài sản có giá trị lớn như giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng nhà, đất; hợp đồng mua bán căn hộ, đăng ký ô tô, xe máy...

Với việc sử dụng công nghệ cao trong in ấn hiện nay, văn bằng, chứng chỉ, giấy tờ đều được làm giả một cách rất tinh vi. Do đó, Đại úy Hoàng Kiên Quyết đã hướng dẫn cho lãnh đạo, cán bộ, công chức làm công tác chứng thực những kỹ năng cơ bản cần thiết về phân biệt giấy tờ giả trong hoạt động công chứng, chứng thực như: Nhận dạng chữ viết, chữ ký giả; nhận dạng hình dấu giả trong giấy tờ tài liệu; nhận dạng tài liệu bị thay ảnh, ghép ảnh, thay trang; một số kinh nghiệm xử lý tình huống khi gặp tài liệu nghi là giả, tài liệu ban hành sai về nội dung, hình thức hoặc thẩm quyền ban hành và ngăn chặn việc làm giả văn bản công chứng, chứng thực…

Các lãnh đạo, cán bộ, công chức làm công tác chứng thực của quận Nam Từ Liêm cũng được bà Lê Thu Hiền - Phó Trưởng phòng Chứng thực, Cục Hộ tịch, Bộ Tư pháp thông tin cụ thể những nội dung cơ bản của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng giao dịch;

Thông tư số 01/2020/TT-BTP ngày 03/3/2020 về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng giao dịch…

Đồng thời, nêu một số lưu ý trong chứng thực bản sao, chứng thực chữ ký, chứng thực chữ ký người dịch, chứng thực hợp đồng, giao dịch; cung cấp tài liệu về nghiệp vụ chứng thực với các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ của Cục hộ tịch, quốc tịch, chứng thực…

Theo UBND quận Nam Từ Liêm, tổ chức tập huấn sẽ giúp lãnh đạo, cán bộ, công chức làm công tác chứng thực nắm được một cách tổng quan tình hình chứng thực hiện nay, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác chứng thực, phục vụ tốt hơn nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính của tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố Hà Nội nói chung và quận Nam Từ Liêm nói riêng.

Bạch Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.