Môi giới bất động sản: Thừa số lượng, thiếu chất lượng

Câu chuyện “sốt đất” cùng sự lên giá ảo của thị trường bất động sản (BĐS) là điều mà rất nhiều các chuyên gia đã cảnh báo bấy lâu nay. Bên cạnh những nguyên do như một số địa phương cũng bắt đầu mở rộng đầu tư các khu công nghiệp để thu hút vốn FDI, thì việc thiếu nguồn cung ảo hoặc việc bắt tay đẩy giá của chính những môi giới BĐS là điều cũng cần kể đến.
Việc bát nháo của môi giới BĐS cũng là một trong những lý do gây ra những cơn sốt đất ảo
Việc bát nháo của môi giới BĐS cũng là một trong những lý do gây ra những cơn sốt đất ảo

Bát nháo người làm nghề môi giới BĐS

Có lẽ nghề môi giới BĐS là một nghề có đội ngũ đông đảo và đa dạng nhất Việt Nam. Bởi lẽ thực tế nhiều môi giới BĐS hiện nay không bằng cấp, không cần chứng chỉ hoặc qua bất cứ một khóa đào tạo nào, chỉ cần nếu thích, họ đều trở thành môi giới BĐS. Không công việc cụ thể đã lâu, mở cửa hàng giặt là trên phố, nhưng thu nhập bấp bênh bởi ảnh hưởng của Covid- 19, trong 1 lần cà phê nói chuyện với 1 người bạn lâu năm, chị N.T.H (Lĩnh Nam, Hoàng Mai) đã gia nhập đội ngũ BĐS vốn không kén nhân sự. Chị nhanh chóng được “cấp hàng” để đăng tải trên facebook cũng như zalo cá nhân.

Theo chị H. công việc này đã giúp chị có thu nhập khá tốt. “Có điều cũng không nhàn hạ, phải sẵn sàng đi tối ngày để dẫn khách đến xem “hàng”. Nghề cũng có những bí quyết riêng mà chỉ khi thực sự gia nhập vào rồi mới biết” – chị H. kể khi đang loay hoay đăng tải một địa chỉ bán nhà mới. Chị chìa những dòng giới thiệu về một căn nhà tại phố Lĩnh Nam được rao bán với giá khá hấp dẫn và giải thích, đây vốn là nhà của chị. Chị đăng tải trên facebook, zalo cá nhân hoặc các trang mua bán BĐS không phải để bán nhà, mà là để… “làm mồi”. “Đôi khi phải có những “mồi” ngon như thế để thu hút thêm khách mua. Bởi tâm lý người tìm mua BĐS khi đã gọi điện mà “hụt” những địa chỉ như thế, họ sẽ có tâm lý cầu may nhờ môi giới tìm kiếm những căn nhà tương tự. Đây là một cách để môi giới được dịp đẩy ra những “hàng” thực sự đang cần bán.” – chị H. giải thích.

Kiếm tiền từ nghề bán phụ tùng ô tô đã lâu, nhưng bỗng dưng một ngày bạn bè ngã ngửa khi anh P.V.K (Lò Đúc, Hai Bà Trưng) chuyển sang nghề môi giới BĐS. Với anh, đây là một công việc ít kén người, nhàn hạ và cho thu nhập khá hấp dẫn, đồng thời lại có nhiều cơ hội để có thể trực tiếp đầu tư vào BĐS nếu thấy có “món ngon”. Không làm việc và ký tá với bất cứ một Cty nào, các nguồn BĐS mà anh K. có đa phần được cung cấp bởi một nhóm các môi giới lập ra... Cũng bắt đầu đổ tiền vào đầu tư BĐS sau khi phải đóng cửa một quán bar bởi 2 năm Covid-19, anh B.M.T (Long Biên) cho biết mới “xuống tiền” ôm một căn biệt thự tại một dự án “hot” của huyện Gia Lâm. “Em không ôm một mình mà em có một nửa tiền, một nửa tiền là của chính mấy sale phân phối dự án đó” – T. chắc mẩn vụ đầu tư này T. sẽ thắng lớn. Bởi theo T., việc thổi giá lên cao hơn giá trị thực đến vài tỷ, thậm chí chục tỷ là do chính môi giới BĐS có những chiêu trò tạo những giao dịch ảo. “Thực tế giao dịch cũng có, nhưng chỉ sau khi những giao dịch ảo giữa các môi giới BĐS tạo ra để nhằm nâng giá thị trường” – T. nói.

Đa phần là nghiệp dư

Theo thống kê của Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị, cả nước hiện có khoảng 300.000 người hoạt động trong lĩnh vực môi giới BĐS, nhưng người được đào tạo và có chứng chỉ hành nghề chỉ chiếm tỷ lệ thấp, khoảng 10%. Đội ngũ môi giới BĐS hoạt động chủ yếu ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, những người hoạt động chuyên nghiệp chỉ chiếm số lượng bằng khoảng 50% tổng số người tham gia vào lĩnh vực này, phần còn lại là nghiệp dư hoặc chuyển nghề.

Cũng như bao nghề khác, nghề môi giới BĐS cũng được quy định bởi hành lang pháp lý - Luật sư Nguyễn Văn Túy, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết. Trước thực trạng bát nháo của hoạt động môi giới BĐS (BĐS), Bộ Xây dựng đã đưa quy định môi giới BĐS bắt buộc phải hoàn thành chương trình đào tạo của đơn vị được cấp phép mới được dự thi sát hạch lấy chứng chỉ và không cho cá nhân hoạt động môi giới độc lập… vào dự thảo sửa Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS 2014 để lấy ý kiến. Trong dự thảo này, Bộ Xây dựng thẳng thắn thừa nhận hạn chế trong kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS là nguồn nhân lực thừa về số lượng nhưng thiếu về chất lượng.

Theo Bộ Xây dựng, Luật Kinh doanh BĐS 2014 quy định về điều kiện các tổ chức, cá nhân được kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS, điều kiện được thi sát hạch về trình độ hiểu biết pháp luật, về kỹ năng hoạt động môi giới quá dễ dàng, không quy định buộc phải có giấy chứng nhận hoàn thành khóa học thì mới được dự thi lấy chứng chỉ. Điều này đã dẫn đến tình trạng hiện nay đội ngũ làm môi giới BĐS yếu về chuyên môn, hiểu biết pháp luật hạn chế, chưa có tính chuyên nghiệp, yếu kém về đạo đức kinh doanh dẫn đến tình trạng làm ăn chụp giật, không chịu trách nhiệm, gây thiệt hại cho khách hàng khi tư vấn không đúng, tư vấn cho xong để kiếm tiền, thậm chí còn lũng đoạn thị trường, góp phần gây ra những cơn sốt ảo để kiếm lợi.

“Thực tế trước đó trong Luật Kinh doanh BĐS, Điều 62 về điều kiện tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS đã quy định rất rõ. Theo đó, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS phải thành lập DN và phải có ít nhất 02 người có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS; Cá nhân có quyền kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS độc lập nhưng phải có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS và đăng ký nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế. Như vậy, để kinh doanh môi giới nghề này, người tham gia bắt buộc phải có chứng chỉ. Tuy nhiên thực tế không nhiều môi giới BĐS có chứng chỉ. Nhưng bấy lâu nay, việc kiểm tra các chứng chỉ này bị bỏ quên. Thậm chí, kể cả người đi tìm mua, đi mua nhà đất cũng ít khi quan tâm đến chứng chỉ hay bằng cấp của môi giới… Thế nên mới tạo ra nhiều lỗ hổng để môi giới BĐS tự do bất chấp lũng đoạn thị trường như hiện nay” – Luật sư Nguyễn Văn Túy quan điểm.

Minh Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.