Vì sao lòng lợn luôn được ăn kèm với rau húng quế?

Mỗi khi thưởng thức món "khoái khẩu" lòng lợn, chúng ta thường có thói quen chuẩn bị rau gia vị ăn kèm là húng chó (cách gọi khác là húng quế). Tuy nhiên, lý do thực sự vì sao đây lại là 2 thứ không thể thiếu thì không phải ai cũng biết.
Vì sao lòng lợn luôn được ăn kèm với rau húng quế?
Húng quế cũng như tinh dầu của nó đã được chứng minh tác dụng giúp ngăn ngừa nhiều loại bệnh lý (ảnh minh hoạ)

TS. Lương Y Phùng Tuấn Giang, Chủ tịch Viện nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam cho biết, húng quế (còn có cách gọi khác là húng chó) là loại rau gia vị được sử dụng ngoài thêm hương vị cho món ăn còn mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe với các đặc tính tăng cường miễn dịch.

Húng quế cũng như tinh dầu của nó đã được chứng minh tác dụng giúp ngăn ngừa nhiều loại bệnh lý, khiến húng quế trở thành một trong những loại thảo dược quan trọng nhất được biết đến ngày nay.

Húng quế ở Việt Nam có lá nhỏ, nhọn, thân tím và hoa màu hồng tía. Tinh dầu húng quế cũng được sử dụng để tạo ra nước hoa và trong các sản phẩm chăm sóc sức khỏe nhờ khả năng hoạt động như một chất kháng khuẩn và chống lại vi khuẩn, virus, nấm mốc.

Húng quế là loại dược thảo được nghiên cứu nhiều nhất về đặc tính chữa bệnh. Các nghiên cứu khoa học cho thấy húng quế có một số tác dụng như: Chống viêm, chống oxy hóa, chống ung thư, giảm đau, hạ sốt, ngăn ngừa bệnh tiểu đường, bảo vệ gan, bảo vệ mạch máu, chống căng thẳng, tăng cường miễn dịch…

Húng quế có nhiều công dụng, trong đó có tác dụng giúp kiềm hóa cơ thể và cải thiện tiêu hóa. Húng quế đã được chứng minh là giúp cân bằng kiềm toan trong cơ thể và khôi phục mức độ pH thích hợp. Điều này có thể cải thiện tiêu hóa và khả năng miễn dịch bằng cách giúp vi khuẩn có lợi phát triển trong hệ vi sinh đường ruột, đồng thời làm giảm vi khuẩn có hại có thể gây bệnh.

Theo y học dân gian, húng quế cũng được sử dụng để giúp giảm đầy hơi và giữ nước, chán ăn, co thắt dạ dày, trào ngược dịch vị, và thậm chí để tiêu diệt giun hoặc ký sinh trùng trong đường ruột.

Đây cũng chính là lý do húng quế là loại rau thơm ăn kèm trong các món như thịt chó, lòng… Không chỉ có tác dụng khử mùi hôi, mà còn giúp hỗ trợ tiêu hóa, chống lại ký sinh trùng đường ruột và hàng loạt lợi ích cho sức khỏe như trên.

Ngoài ra, húng quế còn có rất nhiều lợi ích như chứa chất chống oxy hóa chống lại bệnh tật; có chứa các loại tinh dầu mạnh mẽ hoạt động như một chất chống viêm, bao gồm eugenol, citronellol và linalool.

Húng quế chứa các hợp chất hóa học của húng quế có thể giúp ngăn ngừa ung thư một cách tự nhiên, bao gồm các bệnh ung thư da, gan, vòm họng, phổi… do hóa chất gây ra;

Trong húng quế có chứa các đặc tính kháng vi khuẩn, virus: Tinh dầu húng quế được phát hiện có hoạt tính kháng khuẩn chống lại nhiều loại vi khuẩn, nấm men, nấm mốc và virus; Chống lại căng thẳng bằng cách hoạt động như một Adaptogen (chất thích nghi); Chống lại bệnh trầm cảm; Tăng cường sức khỏe tim mạch; Hỗ trợ chức năng gan và giúp giải độc cơ thể; Có tác dụng cải thiện sinh lý tự nhiên;

Giúp bảo vệ chống lại bệnh tiểu đường và hội chứng chuyển hóa: Các hợp chất trong húng quế có tác dụng giảm lượng đường huyết và chống viêm, giúp kiểm soát tiểu đường và các dạng hội chứng chuyển hóa khác.

Ngoài ra, tinh dầu húng quế còn khả năng giúp giảm mức triglycerid và cholesterol, những bệnh nhân tiểu đường thường kèm theo rối loạn chuyển hóa lipid.

Ngày nay, húng quế là một trong những loại rau thơm quan trọng nhất trong nhiều nền văn hóa và ẩm thực, bao gồm Italia, Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam.

Lá húng quế có thể được ăn cả sống hoặc nấu chín và được sử dụng theo nhiều cách như: Ăn sống, trộn salad, xào nấu với các loại thịt, là thành phần của nước sốt, trà thảo dược…

Ở dạng tươi, húng quế an toàn và thường được dung nạp tốt vì thường không gây ra phản ứng dị ứng hoặc tác dụng phụ ở hầu hết người dùng. Tuy nhiên, những người đang có kế hoạch mang thai, đang mang thai và cho con bú không nên dùng quá nhiều húng quế.

Vân Hà

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.