Tuyệt đối không để xảy ra hiện tượng giáo viên ép buộc học sinh lựa chọn nguyện vọng học tiếp ở bậc học cao hơn

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh ký ban hành Chỉ thị số 08/CT-UBND về việc tăng cường chỉ đạo công tác tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 và lớp 10 năm học 2022-2023 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Tuyệt đối không để xảy ra hiện tượng giáo viên ép buộc học sinh lựa chọn nguyện vọng học tiếp ở bậc học cao hơn
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng, triển khai, hướng dẫn kế hoạch tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 và lớp 10 năm học 2022-2023 linh hoạt, bảo đảm quyền lợi của học sinh. Ảnh: Khánh Huy

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã quán triệt, tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố để triển khai có hiệu quả các chương trình hành động, đề án, kế hoạch nhằm phát triển giáo dục Thủ đô, đẩy mạnh thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI).

Các đơn vị rà soát chuẩn bị cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên, đáp ứng đầy đủ chỗ học cho học sinh, không để xảy ra hiện tượng quá tải ở các trường, quy mô đúng quy định, đáp ứng nhiệm vụ xây dựng trường chuẩn quốc gia để khắc phục những hạn chế, tồn tại của những năm học trước, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh và cha mẹ học sinh; tăng quy mô tuyển sinh, tăng chất lượng công tác tuyển sinh, tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục, giảm số học sinh trái tuyến, giảm số học sinh/lớp; tăng số học sinh được học 2 buổi/ngày....

Các đơn vị phấn đấu huy động ít nhất 50% trẻ em độ tuổi nhà trẻ, 100% trẻ em độ tuổi mẫu giáo đi học; ít nhất 75% trẻ khuyết tật ở thể nhẹ trong độ tuổi mầm non được học hòa nhập; 100% trẻ 6 tuổi đủ sức khỏe được vào lớp 1; 100% học sinh đã hoàn thành chương trình tiểu học được vào học lớp 6; 100% học sinh tốt nghiệp THCS có nhu cầu được tiếp tục đi học tại các trường trung học phổ thông, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng, triển khai, hướng dẫn kế hoạch tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 và lớp 10 năm học 2022-2023 linh hoạt, bảo đảm quyền lợi của học sinh.

Đồng thời, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cần chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị để tổ chức kỳ thi và tuyển sinh; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn các địa điểm tổ chức thi và tuyển sinh trên địa bàn thành phố; chú trọng công tác tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác thi.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng cần phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan xây dựng phương án phòng, chống dịch COVID-19 trong quá trình tổ chức kỳ thi và tuyển sinh, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho thí sinh, cán bộ và những người tham gia tổ chức kỳ thi và tuyển sinh.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã huy động cả hệ thống chính trị tham gia lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức, thực hiện thi, tuyển sinh năm 2022; tuyệt đối không để tình trạng có cơ sở giáo dục tuyển sinh vượt chỉ tiêu do tuyển sinh trái tuyến, gây bức xúc cho người dân và dư luận xã hội; tổ chức tuyển sinh đúng quy chế, bảo đảm chính xác, công bằng, khách quan, hướng dẫn tuyển sinh đầy đủ, rõ ràng, công khai tạo thuận lợi cho học sinh và cha mẹ học sinh và không tổ chức thi vào lớp 1...

Thành phố yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện tốt công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông; tăng cường hơn nữa công tác tư vấn hướng nghiệp đến phụ huynh, học sinh để giúp các bậc phụ huynh nhận thức rõ, đúng đắn hơn việc học tập và cơ hội học tập, làm việc, giúp học sinh tự đánh giá đúng khả năng học tập của mình, phụ huynh và học sinh xem xét hoàn cảnh thực tế của gia đình để tự lựa chọn hướng đi phù hợp; tuyệt đối không để xảy ra hiện tượng giáo viên ép buộc học sinh lựa chọn nguyện vọng học tiếp ở bậc học cao hơn..

Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục.

Thái Phương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.