Thánh thót tiếng đàn Đào Xá

Trong không gian trầm mặc nơi cửa đình Kim Ngân, hình ảnh các loại nhạc cụ truyền thống được trưng bày như đàn nguyệt, đàn tam, đàn tứ, đàn tỳ bà… do nghệ nhân làng Đào Xá dày công chế tác như nhắc nhớ về một phố nghề xưa cũ giữa lòng phố cổ thời hiện đại.
Ông Đào Anh Tuấn – con trai Nghệ nhân ưu tú Đào Xuân Soạn hướng dẫn các công đoạn làm nhạc cụ truyền thống “made in Dao Xa”. Ảnh Vi Giáng
Ông Đào Anh Tuấn – con trai Nghệ nhân ưu tú Đào Xuân Soạn hướng dẫn các công đoạn làm nhạc cụ truyền thống “made in Dao Xa”. Ảnh Vi Giáng

Trước đây, nghề làm đàn Đào Xá (Ứng Hòa, Hà Nội) từng vang danh khắp vùng miền bởi cái tài của những người thợ xuất thân từ làng quê, bởi các sản phẩm nhạc cụ tinh xảo, đẹp mắt. Từ giữa thế kỷ XIX, những người thợ làng Đào Xá đã mang cái tinh túy của làng xã góp mặt cho Hà Thành một nghề đặc biệt – nghề làm đàn. Vì vậy, khu 36 phố phường Hà Nội xưa kia đã từng có con phố mang tên Phố Hàng Đàn.

Nghề làm đàn Đào Xá có cách đây hơn 200 năm do cụ Đào Xuân Lan là người khởi nghề. Cụ vốn yêu nghệ thuật, ham học hỏi nên đã lặn lội đi tìm học nghề mộc sau đó học nghề làm đàn rồi mang về làng dạy nghề cho bà con địa phương.

Vào thời kỳ phát triển nhất, làng có hơn 50 gia đình làm nghề, các sản phẩm được người dân khắp cả nước ưa chuộng, góp phần làm cho các phường nghề thủ công thêm sầm uất. Kỹ thuật làm nên danh tiếng của nghề làm đàn được khẳng định nhờ bàn tay khéo léo, tỉ mẩn của những người thợ. Người thợ phải thạo, hay ít ra là biết nghề mộc, chưa kể nghề đàn trọng cái tai, cái mắt. Sản phẩm không chỉ nhìn thấy đẹp và còn phải nghe thấy hay. Gỗ làm đàn thường là gỗ trắc hay gỗ cây vông (hay còn gọi là cây ngô đồng), vì vậy nên có câu: “Thành Trắc, mặt Vông” là như thế.

Nghề làm đàn xưa đều gia công hoàn toàn thủ công, nhưng nay một số công đoạn thực hiện của máy móc. Mặc dù giảm bớt thời gian chế tác, giúp giảm sức lao động thì sản phẩm nhạc cụ chất lượng được đánh giá vẫn phải làm theo phương pháp thủ công đúng với kỹ thuật của các cụ xưa truyền lại. Từ khâu chọn gỗ, ra gỗ, phơi gỗ cho đến công đoạn chắp, ghép, bịt da trăn, đánh bóng, trau chuốt, khảm trai và hoàn thiện sản phẩm.

Điều lạ là nghề làm đàn hoàn toàn giữ lửa nghề theo kiểu cha truyền con nối. Không một công thức hay sách vở, những người thợ làng chỉ dựa vào kiến thức của cha ông truyền lại, kinh nghiệm tìm vật liệu phù hợp để làm ra các loại đàn mang âm sắc khác nhau. Những người làm đàn không một người nào ở làng biết nhạc lý hay đánh đàn cả.

Một thời vang danh nghề làm đàn truyền thống, nức tiếng xa gần nhưng trước sự đổi thay của nền kinh tế thị trường, nghề làm đàn Đào Xá đang có nguy cơ bị mai một. Năm 2020, có 5 hộ gia đình duy trì làm nghề truyền thống thì nay chỉ còn duy nhất gia đình Nghệ nhân ưu tú Đào Xuân Soạn giữ lửa nghề. Dù ở tuổi cổ lai hy, Nghệ nhân ưu tú Đào Xuân Soạn vẫn đau đáu nỗi niềm bảo vệ và phát huy nghề làm nhạc cụ truyền thống. Vượt qua nền kinh tế thị trường, thu nhập thấp, nghề làm đàn lắm công phu nhưng ông Đào Anh Tuấn – con trai Nghệ nhân ưu tú Đào Xuân Soạn khẳng định sẽ giữ gìn nghề làm đàn truyền thống để không bị mai một.

Mộc Miên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.