“Bắc nhịp tang bồng” kết nối giá trị văn hóa truyền thống

Được đánh giá là mô hình “bảo tàng” trực tuyến về văn hóa truyền thống của giới trẻ, chuỗi sự kiện “Bắc nhịp tang bồng” trưng bày gần 100 bức ảnh của 25 tác giả mang tới luồng gió mới, kết nối giá trị văn hóa truyền thống trong dòng chảy thời đại.
Không gian triển lãm “Bắc nhịp tang bồng” của nhóm bạn trẻ Trường Ca Kịch Viện
Không gian triển lãm “Bắc nhịp tang bồng” của nhóm bạn trẻ Trường Ca Kịch Viện

Lựa chọn không gian sáng tạo Toong (số 8 Tràng Thi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là địa điểm thực hiện chuỗi sự kiện nghệ thuật “Bắc nhịp tang bồng”, nhóm Trường Ca kịch viện mong muốn đưa nghệ thuật biểu diễn truyền thống đến gần hơn công chúng thông qua ứng dụng nhân văn số. Các loại hình nghệ thuật đa dạng như chèo, tuồng, rối nước, chầu văn,... được phục dựng qua nhiều chất liệu đồ họa, sơn mài, tranh lụa, phù điêu, thiết kế thời trang,…

Giữa không gian triển lãm sang trọng với màu trầm đan xen, các tác phẩm nghệ thuật sắp đặt dẫn người xem như lạc bước vào một “bảo tàng” thu nhỏ. Đó là khu tuồng với kiệt tác nghệ thuật “Trước giờ hội diễn” (2020, sơn mài, tác giả Phạm Rồng), tác phẩm “Đời và tuồng” (2018, Digital của tác giả Nguyễn Vinh), trưng bày Tuồng tích. Đó là khu tổng quan hình ảnh các tác phẩm nghệ thuật sơn mài, phù điêu được trưng bày sinh động, phong phú. Đó là mô hình chú Tễu của loại hình rối nước...

Điểm đặc sắc nhất của triển lãm là khắc họa chân thực, sinh động các loại hình văn hóa nghệ thuật. Các tác phẩm không đơn sắc, đơn điệu mà tạo không gian hài hòa, đầy sức hút. Có thể thấy đây là quá trình nghiên cứu, sưu tầm tâm huyết của các bạn trẻ yêu văn hóa truyền thống. Nếu không sẽ khó có thể truyền tải được cái hồn tinh túy của các loại hình nghệ thuật truyền trong suốt chiều dài lịch sử chỉ bằng những lát cắt hội họa, điêu khắc hay nghệ thuật trình diễn.

Sự nỗ lực, tâm huyết của nhóm Trường Ca kịch viện trong việc phục dựng loại hình văn hóa truyền thống trên nền tảng nhân văn số là minh chứng rõ nét khi giới trẻ không quay lưng với nghệ thuật truyền thống. Trái lại, bằng nhiều phương tiện, loại hình khác nhau, từ chính ngôn ngữ của người trẻ trong việc tìm tòi, sáng tạo để đưa nghệ thuật truyền thống phù hợp thị hiếu của công chúng trẻ.

Tất nhiên, việc “bắc nhịp” văn hóa là một hành trình dài, đòi hỏi tinh thần say mê và sáng tạo, hy vọng nhóm bạn trẻ Trường Ca kịch viện sẽ “hiện thực hóa” được sứ mệnh truyền cảm hứng, nối nhịp “tang bồng” đưa văn hóa truyền thống kết nối với văn hóa đương đại.

Mộc Miên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.