Luật Đất đai sửa đổi lần thứ 4 lỗi hẹn:

Người dân và doanh nghiệp nóng lòng chờ

Báo cáo tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 16-4, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đến sau thời điểm Trung ương có chủ trương, định hướng về đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai. Điều này làm cơ sở chính trị cho việc sửa đổi dự án luật. Sau đó, Chính phủ sẽ hoàn thiện dự án để trình Quốc hội.
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc tổ chức thi hành pháp luật chưa tốt, làm giảm hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về đất đai
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc tổ chức thi hành pháp luật chưa tốt, làm giảm hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về đất đai

Lần trình Quốc hội tiếp theo sẽ vào cuối năm 2022

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, thời hạn đề xuất lùi của Chính phủ chưa cụ thể, trong khi đây là dự luật rất cấp thiết, phải ban hành sớm. Dự án luật đã được đưa vào chương trình từ kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, tháng 5/2019, sau đó phải điều chỉnh nhiều lần.

Lần này là đề nghị điều chỉnh thứ tư. Lí do Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình lần này là đợi Hội nghị Trung ương 5 xem xét tổng kết Nghị quyết 19, song đây không phải là vấn đề mới. Quốc hội khi xem xét đưa dự án vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã cân nhắc. Do đó, các cơ quan của Quốc hội đề nghị chỉ nên lùi một kỳ, Chính phủ phải trình Quốc hội cho ý kiến về dự luật này tại kỳ họp thứ 4 vào cuối năm 2022, và vẫn xem xét, thông qua theo quy trình 3 kỳ họp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đồng tình với đề nghị của Chính phủ về lùi thời hạn trình dự án Luật đất đai sửa đổi, song chỉ nên lùi một kỳ họp, trình xin ý kiến Quốc hội vào kỳ họp thứ 4.

Theo nhận định của các chuyên gia dự án sửa đổi Luật Đất đai 2013 là một dự án lớn, sửa đổi một đạo Luật quan trọng bậc nhất, quyết định và có ảnh hưởng đến hàng loạt các luật liên quan khác. Các chuyên gia cũng đề xuất những kiến nghị, bất cấp tại Luật Đất đai cần sớm được tháo gỡ gồm: Vấn đề cho phép tổ chức tín dụng trong nước và nước ngoài thế chấp quyền sử dụng đất; Về vấn đề cho người nước ngoài sở hữu và giao dịch bất động sản. Hiện nay Luật Kinh doanh bất động sản đã cho phép điều này, trong khi Luật Nhà ở thì không.

Về quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất: Cần bổ sung khái niệm về chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Trong đó, chuyển đổi này phải phù hợp với quy hoạch nếu không sẽ bị “phá vỡ”. Về cơ chế chuyển dịch đất đai, hiện nay vẫn thiếu và chưa có khuyến khích chuyển dịch đất đai tự nguyện, đa số vẫn còn thiên hướng về cưỡng ép, chưa tự nguyện.

Ví dụ như Nghị định 42 còn bó hẹp về tính tự nguyện. Về bồi thường và hỗ trợ tái định cư: Hiện nay việc này khó thực hiện là do phương án tính giá đất, mức giá 5 năm mới thay đổi 1 lần trong khi thực tế nền kinh tế - xã hội thay đổi rất nhanh trong 5 năm. Do đó cần đẩy nhanh chu kỳ thay đổi giá đất, bên cạnh đó cần có cơ chế thu hồi đất thỏa đáng hơn.

Liên quan đến hệ thống tài chính đất đai, cần xem lại thẩm quyền ban hành khung giá đất, bảng giá đất. Hiện nay chính quyền địa phương đang thực hiện thủ tục này đề xuất thuê cơ quan định giá đất độc lập. Về phương pháp định giá đất: Mỗi địa phương đang áp dụng một phương pháp. Đề xuất chỉ nên có 2 phương pháp: So sánh trực tiếp hoặc hệ số điều chỉnh phù hợp, tần suất nhanh hơn.

Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho biết, Luật Đất đai cần phải được sửa đổi ngay để tạo ra đột phá trong cải cách thể chế. Đây cũng là yếu tố quan trọng để tập trung hoàn thiện thể chế, phát triển các thị trường nhân tố sản xuất, nhất là thị trường quyền sử dụng đất.

Từ đó, giúp các thị trường này đóng vai trò chủ yếu trong phân bổ nguồn lực. Người dân và cả DN đều kỳ vọng những bất cập trong Luật Đất đai 2013 sẽ được các cơ quan thẩm quyền nghiên cứu, tiếp thu, sửa đổi triệt để theo thông lệ quốc tế và thực tiễn của nền kinh tế đất nước đang phát triển trong thời kỳ đổi mới.

Phương pháp xác định giá đất cụ thể còn bất cập

Tại các phiên thảo luận của Quốc hộiTiến sỹ Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội khóa XV, Ủy ban Tài chính - ngân sách Quốc hội từng phân tích, vấn đề căn bản nhất trong sửa Luật Đất đai 2013 tới đây là phải bỏ khung giá đất.

Bởi việc này đang kìm hãm, không phản ánh được giá trị thật ở thị trường. Còn nếu có bảng giá đất thì cần phải xây dựng trên cơ sở các nguyên tắc, phương pháp theo giá trị thị trường chứ không thể dựa vào khung giá đất. Bảng giá đất này phải được cập nhật thường xuyên phù hợp với tình hình của thị trường.

Ngoài ra, cần phải có công cụ để đánh giá sự gia tăng giá trị của đất từ khi đất nông nghiệp chuyển sang đất phi nông nghiệp. Bởi chỉ cần quyết định của chính quyền cho phép DN được chuyển mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp thì giá đất tăng lên gấp nhiều lần.

Còn theo Tiến sỹ Doãn Hồng Nhung, Phó Trưởng Ban Pháp chế - Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, một trong những vướng mắc lớn của Luật Đất đai 2013 là vấn đề bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất. Đây cũng là khâu khó nhất, kéo dài trong quá trình thực hiện một dự án.

Việc sửa đổi Luật lần này nhằm hoàn thiện các công cụ quy hoạch và kinh tế, tài chính đất đai để quản lý, điều tiết các quan hệ đất đai phù hợp với thể chế kinh tế thị trường; giải quyết hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân, DN; tiếp tục thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, định hướng chỉ đạo của Đảng về việc đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; giải quyết các chồng chéo, xung đột giữa pháp luật về đất đai và các pháp luật có liên quan, giữ vững nguyên tắc pháp chế và tính nghiêm minh của pháp luật.

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc tổ chức thi hành pháp luật chưa tốt, làm giảm hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về đất đai. Đặc biệt, vai trò của chính quyền cấp cơ sở trong việc chủ động phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai. Nguồn lực về đất đai vẫn chưa thực sự được khai thác, phát huy đầy đủ và bền vững để trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ngô Sơn

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.