Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở:

Kỳ 1: Lý do cần xây dựng Luật?

LTS: Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở bao gồm CA xã bán chuyên trách, lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng. Đây được xem như “cánh tay nối dài” của lực lượng CAND trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT ở cơ sở. Việc xây dựng và tiến tới ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở còn là thể chế hóa, cụ thể hóa quan điểm của Đảng ta nhằm phục vụ và bảo vệ Nhân dân, thấm nhuần quan điểm quần chúng, quan điểm Nhân dân của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ số này, PL&XH có loạt bài giới thiệu về dự án luật này...
Từ khi thành lập, lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở thường xuyên phối hợp với cán bộ Tổ dân phố nắm tình hình địa bàn, tình hình Nhân dân
Từ khi thành lập, lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở thường xuyên phối hợp với cán bộ Tổ dân phố nắm tình hình địa bàn, tình hình Nhân dân

Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đã được chỉnh lý gồm 5 Chương, 31 Điều, đi từ Chương I (phần chung) đến Chương V (điều khoản thi hành), được các đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV và hiện nay đang được Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến. Theo đó, dự án nêu về sự cần thiết ban hành Luật như sau:

Một là, thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, chế độ, chính sách đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gắn với kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách Nhà nước; tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn cơ sở; cụ thể tại các văn bản như: Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: Quan tâm xây dựng lực lượng bảo đảm trật tự, an toàn xã hội cơ sở đáp ứng đòi hỏi của nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự ở cơ sở; Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức...

Hai là, điều chỉnh thay đổi về vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sau khi được kiện toàn thành một lực lượng thống nhất; qua đó, tạo cơ sở pháp lý bình đẳng về địa vị pháp lý và xác định cụ thể vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quan hệ công tác, bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở với tính chất là lực lượng quần chúng tự nguyện ở địa bàn cơ sở:

Pháp luật hiện hành đang quy định vị trí, chức năng của lực lượng bảo vệ dân phố, CA xã bán chuyên trách là những lực lượng thực hiện công tác quản lý, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự và làm nòng cốt trong xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở địa bàn xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, sau khi Luật Công an Nhân dân năm 2018 được ban hành đã quy định đồng bộ, thống nhất về 4 cấp CA; trong đó, CA xã, phường, thị trấn hiện nay đã được tổ chức, bố trí toàn diện, đồng bộ, thống nhất CA chính quy và lực lượng này thực hiện công tác quản lý, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự và làm nòng cốt trong xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở địa bàn xã, phường, thị trấn...

Ba là, kịp thời tạo cơ sở pháp lý để quy định cụ thể về hoạt động của lực lượng CA xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ được tiếp tục tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở: Hiện nay, các địa phương trong toàn quốc đã hoàn thành việc bố trí CA chính quy đảm nhiệm các chức danh Trưởng CA xã, Phó trưởng CA xã và CA viên. Việc ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là để kịp thời tạo cơ sở pháp lý quy định cụ thể nhiệm vụ, chế độ, chính sách, bảo đảm điều kiện hoạt động đối với 89.045 CA xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở hiện nay...

Nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về ANTT

Bốn là, bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 và thi hành các quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân: Nhiều nhiệm vụ của các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở hiện nay có tác động đến quyền con người, quyền công dân mà theo quy định của Hiến pháp năm 2013 phải được quy định trong văn bản luật. Do đó, xây dựng Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, vừa bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc thực thi nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, vừa bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân theo đúng tinh thần của Hiến pháp.

Năm là, sắp xếp, bố trí lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo hướng thống nhất, kiện toàn, tinh gọn đầu mối gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quan hệ công tác, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở: Dự thảo Luật điều chỉnh, kiện toàn lại các lực lượng, chức danh đã được thành lập, đang hoạt động hiện nay thành một lực lượng thống nhất mà không phải là thành lập lực lượng mới...

Sáu là, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở: Trong điều kiện hiện nay khi tình hình trong nước, khu vực và thế giới liên quan đến công tác bảo đảm an ninh, trật tự đang diễn biến hết sức nhanh chóng, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp với nhiều vấn đề mới nảy sinh đã đặt ra yêu cầu phải tăng cường và nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của các lực lượng chuyên trách cũng như phải huy động được quần chúng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, xây dựng được nền an ninh Nhân dân gắn với thế trận an ninh Nhân dân để giải quyết kịp thời các vụ, việc liên quan đến an ninh, trật tự và giữ vững an ninh, trật tự ngay từ địa bàn cơ sở là yêu cầu cần thiết.

Bảy là, xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, có hiệu lực pháp lý cao quy định về bố trí lực lượng, hoạt động, nhiệm vụ của các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở: Hiện nay, về tổ chức, hoạt động, nhiệm vụ của các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đang được quy định ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật với nhiều hình thức khác nhau và do nhiều cơ quan có thẩm quyền ban hành; do đó, sự cần thiết phải pháp điển hóa nhiệm vụ, tổ chức, hoạt động của các lực lượng tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở vào một đạo luật chung để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật về an ninh, trật tự.

(Còn nữa)

Đỗ Phương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.