Tự xưng là nữ cán bộ, xách theo va li tiền để giăng bẫy

TAND TP Hà Nội vừa mở phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Thị Nhung, SN 1970, quê Sơn La, về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” .
Bị cáo tại CQCA
Bị cáo tại CQCA

Theo cáo trạng, do cần tiền chi tiêu cá nhân và trả nợ, Nguyễn Thị Nhung đã dùng thủ đoạn gian dối, tự giới thiệu bản thân tên là Phương, làm việc tại Văn phòng Chính phủ nên có nhiều mối quan hệ, có khả năng mua được xe thanh lý của Văn phòng Chính phủ với giá rẻ, làm được sổ đỏ đất nông nghiệp và được giao nhiệm vụ đi lấy tiền cho lãnh đạo cấp cao của Trung ương. Tin tưởng Nhung, vợ chồng ông Thiều Anh S, SN 1965, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội, đã nhiều lần đưa tiền cho Nhung và đã bị Nhung chiếm đoạt.

Theo đó, Nhung nói, Văn phòng Chính phủ đang bán thanh lý 1 xe ô tô bán tải nhãn hiệu Ford Ranger với giá 272 triệu đồng và 1 xe ô tô nhãn hiệu Camry 2.5 sản xuất năm 2016 bán thanh lý với giá 390 triệu đồng. Nhung cam kết nếu vợ chồng ông S giao đủ tiền thì đến ngày 30/4/2021 sẽ bàn giao xe. Tin là thật, vợ chồng ông S đồng ý mua 2 xe ô tô trên thì Nhung hứa hẹn sẽ làm thủ tục xin cấp biển số đẹp cho 2 xe này và nộp phí trước bạ thay cho ông bà S.

Từ ngày 23/4/2021 đến ngày 29/4/2021, vợ chồng ông S đã chuyển cho Nhung 502 triệu đồng để đặt mua 2 chiếc xe ô tô trên và chi phí nộp phí trước bạ, làm biển số đẹp. Số tiền này, Nhung sử dụng chi tiêu cá nhân hết. Tiếp đó, Nhung cam kết với vợ ông S là sẽ giúp bà làm sổ đỏ đất nông nghiệp cho thửa đất rộng hơn 12.000 m2 tại xứ đồng khu Trầm Bầu thuộc thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội. Sau khi làm xong sổ đỏ, Nhung sẽ giới thiệu khách đến mua lại thửa đất trên.

Nhung yêu cầu vợ chồng ông S đưa trước 220 triệu đồng để lo chi phí nhờ người làm sổ đỏ đất nông nghiệp. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, Nhung không thực hiện như cam kết mà chiếm đoạt chi tiêu cá nhân hết. Ngoài ra, ngày 27/4/2021, Nhung còn nói dối người đàn ông này, được giao nhiệm vụ vào TP HCM để lấy 7 triệu USD cho lãnh đạo cấp cao của Trung ương, nếu lấy được tiền sẽ được chia 10 tỷ đồng.

Nhung bảo ông S thuê xe ô tô đi cùng vào TP HCM lấy tiền sẽ được trả công 5 tỷ đồng và ông S đồng ý. Nhung nói với ông S đưa cho Nhung 300 triệu đồng để bồi dưỡng cho nhân viên ngân hàng giúp lấy tiền nhanh và thêm 10 triệu đồng để Nhung đi tiếp khách. Sau khi nhận tiền, Nhung đi mua 2 chiếc va li, xếp đầy tiền đô la âm phủ vào trong để ông S tin là đã nhận được tiền.

Trên đường đi, Nhung tiếp tục yêu cầu ông S đưa thêm 50 triệu đồng nữa để giải quyết công việc. Ngày 2/5/2021, Nhung yêu cầu vợ ông S nộp thêm 100 triệu đồng nữa để làm giấy tờ nhận xe ô tô. Nhận thấy Nhung có dấu hiệu lừa đảo, vợ chồng ông S kiểm tra 2 va li đựng tiền của Nhung thì phát hiện ra là tiền giả. Vợ chồng ông S đã làm đơn tố giác Nhung đến CQCA, đề nghị xử lý theo quy định pháp luật.

Do đó, HĐXX của TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo 15 năm tù. Ngoài án phạt tù, bị cáo Nhung còn phải hoàn trả cho bị hại số tiền hơn 1 tỷ đồng đã chiếm đoạt.

Điều 174 tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” BLHS:

Dấu hiệu quan trọng nhất của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là thủ đoạn gian dối và giá trị tài sản chiếm đoạt. Thủ đoạn gian dối được hiểu là việc đưa ra những thông tin không đúng sự thực, tạo ra sự tin tưởng của người khác; chiếm đoạt tài sản là việc dịch chuyển một cách trái ý muốn tài sản của chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao cho quản lý tài sản.

Theo đó, trong trường hợp một người sử dụng thông tin cá nhân của bạn, mạo danh bạn tức là cung cấp thông tin gian dối về mặt nhân thân. Nếu thủ đoạn này hướng đến việc, người khác phải trả cho họ một khoản lợi ích vật chất thì cá nhân này có thể phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bảo An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.