Hà Nội đẩy mạnh công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm

GĐ Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, TP sẽ đẩy mạnh phối hợp liên ngành; các đoàn thanh tra, kiểm tra không được nương tay với vi phạm an toàn thực phẩm. Thậm chí, sau khi xử lý, Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm các quận, huyện, thị xã phải dành một thời gian nhất định để giám sát việc khắc phục sai phạm.
UBND TP Hà Nội yêu cầu công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm phải có trọng tâm, trọng điểm
UBND TP Hà Nội yêu cầu công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm phải có trọng tâm, trọng điểm

Chuyển biến mới trong công tác quản lý

Theo số liệu báo cáo, TP Hà Nội hiện có hơn 83.700 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Trong năm 2021, cùng với việc tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19, TP. Hà Nội đã thành lập trên 900 đoàn thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm, gồm các đoàn liên ngành và chuyên ngành. Các đoàn đã tổ chức thanh tra, kiểm tra hơn 48.000 lượt cơ sở, qua đó phát hiện và xử lý vi phạm gần 7.000 cơ sở với số tiền phạt gần 4 tỷ đồng. Nhờ đó đã tạo sự chuyển biến tích cực trong việc tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Nhiều cơ sở đã đầu tư trang thiết bị mới, đồng bộ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, ý thức về bảo đảm an toàn thực phẩm cũng đã tốt hơn trước.

Ông Vũ Cao Cương, Phó GĐ Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong năm 2021, sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm chặt chẽ, hiệu quả, nhất là duy trì phối hợp cam kết với các tỉnh, TP lân cận về kiểm soát nguồn nguyên liệu thực phẩm, kết nối tiêu thụ sản phẩm, truy xuất nguồn gốc thực phẩm nhập về Hà Nội. Theo ông Vũ Cao Cường, 3 sở: Y tế, NN&PTNT, Công thương cũng đã thực hiện tốt quy chế phối hợp trong công tác quản lý và kiểm tra an toàn thực phẩm. Đặc biệt, dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng mô hình hỗ trợ sản xuất, kết nối tiêu thụ, phát triển chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn; phát triển chợ thương mại điện tử tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn, sản xuất theo chuỗi giá trị; phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản thực phẩm TP Hà Nội vẫn đáp ứng yêu cầu đề ra.

Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cho biết, thời điểm hiện tại khi TP chuyển sang trạng thái bình thường mới, cùng với phòng, chống dịch Covid-19, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm cần tiếp tục được đẩy mạnh. Để tạo bước chuyển biến mới trong công tác quản lý an toàn thực phẩm cần phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương. Cùng với đó, các quận, huyện, thị xã phải đẩy mạnh hoạt động của các đoàn kiểm tra định kỳ, đột xuất.

Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm

GĐ Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, TP sẽ đẩy mạnh phối hợp liên ngành; các đoàn thanh tra, kiểm tra không được nương tay với vi phạm an toàn thực phẩm. Thậm chí, sau khi xử lý, Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm các quận, huyện, thị xã phải dành một thời gian nhất định để giám sát việc khắc phục sai phạm. Sau khi thẩm định, cơ sở khắc phục được tồn tại, tuân thủ đầy đủ các quy định thì mới được phép cho hoạt động, nếu không phải có biện pháp xử lý mạnh mẽ hơn. TP Hà Nội luôn xác định tuyên truyền là biện pháp quan trọng hàng đầu trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Do đó, hoạt động này tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa bằng nhiều hình thức. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; hành vi bị cấm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; mức xử phạt vi phạm về an toàn thực phẩm...

Mới đây, UBND TP Hà Nội yêu cầu công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm phải có trọng tâm, trọng điểm. Các hoạt động hậu kiểm phải được thực hiện thường xuyên, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm. Cụ thể, UBND TP Hà Nội yêu cầu tập trung hậu kiểm nhóm sản phẩm/sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm, đăng ký bản công bố sản phẩm, sản phẩm nhập khẩu thuộc diện miễn kiểm tra hoặc kiểm tra giảm, nhóm sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) dùng làm thực phẩm và kiểm soát an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống. Đặc biệt là các bếp ăn tập thể khu công nghiệp, trường học, lễ hội và các cơ sở thuộc diện không phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; các cơ sở đã được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt (GMP) thực phẩm bảo vệ sức khỏe…

UBND TP Hà Nội lưu ý, tránh chồng chéo trong hoạt động hậu kiểm. Việc triển khai hậu kiểm của ngành Y tế, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành Công Thương theo trách nhiệm quản lý đối với sản phẩm/nhóm sản phẩm theo quy định; UBND cấp huyện hậu kiểm theo trách nhiệm quy định, tập trung vào sản phẩm/nhóm sản phẩm và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phân cấp cho địa phương. Hoạt động hậu kiểm phải bảo đảm phù hợp với bối cảnh, tình hình dịch Covid-19 hiện nay và tính chính xác, khách quan, công khai, dân chủ, kịp thời, đúng pháp luật. Tiến hành hậu kiểm không cản trở hoạt động bình thường của các tổ chức, cá nhân là đối tượng kiểm tra.

Theo Sở Y tế Hà Nội, năm 2022, TP Hà Nội tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm, nhằm tăng cường hơn nữa trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới. Trong đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm trên toàn TP, đặc biệt tập trung kiểm tra hậu kiểm sau công bố, kiểm tra đột xuất, xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực an toàn thực phẩm.

Khánh Phong

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.