Qúy I-2022: Khách du lịch nội địa tăng 45,3% so với cùng kỳ năm 2021

Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ, ngay từ đầu năm, cả hệ thống chính trị TP Hà Nội đã chủ động, quyết liệt thực hiện hiệu quả các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế trên các ngành, lĩnh vực, vừa bảo đảm an sinh xã hội vừa tập trung công tác phòng, chống dịch.
Qúy I-2022: Khách du lịch nội địa tăng 45,3% so với cùng kỳ năm 2021
Khách du lịch nội địa tăng 45,3% so với cùng kỳ năm 2021

Thúc đẩy tăng trưởng các nhóm ngành quan trọng

Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, trong 3 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 5,83% (gấp 1,16 lần cả nước) đúng với kịch bản tăng trưởng TP đề ra (từ 5,7 - 6,2%). Trong đó, dịch vụ tăng 6,15%, công nghiệp - xây dựng tăng 5,61%; nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,39%... Đây là mức tăng rất quan trọng với xu hướng phục hồi đã tăng trưởng ở nhiều ngành, lĩnh vực.

Ông Lê Văn Quân, Phó GĐ Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, TP đã xây dựng và điều hành kịch bản về tăng trưởng kinh tế ngay từ đầu năm cho từng quý, từng ngành từng lĩnh vực; ban hành Kế hoạch 20 về phục hồi phát triển công nghiệp xây dựng. Sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ngành, DN để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, linh hoạt ứng phó với dịch bệnh cũng đã giúp các cân đối lớn, thu chi được đảm bảo. Theo đó, quý 1 năm 2022, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Hà Nội đạt trên 102.000 tỷ đồng (bằng 32,9% dự toán, tăng hơn 19% so với cùng kỳ năm ngoái). Hầu hết các chỉ tiêu kinh tế quan trọng của TP đều tăng.

Bà Đặng Hương Giang, GĐ Sở Du lịch Hà Nội cho biết, lượng khách du lịch nội địa đến Thủ đô trong quý I-2022 ước đạt 2,8 triệu lượt khách, tăng 45,3% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 7,8 nghìn tỷ đồng, tăng 45,3% so với cùng kỳ năm 2021. Định hướng quý II-2022, TP sẽ tập trung vào khách nội địa vào các dịp nghỉ lễ và diễn ra SEA Games 31. Đối với khách du lịch quốc tế, TP cũng căn cứ 2 nhóm khách để tăng cường tuyên truyền quảng bá, bao gồm nhóm các quốc gia được miễn thị thực và nhóm các quốc gia có độ an toàn cao về phòng, chống dịch Covid-19.

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền GĐ Sở Công thương Hà Nội chia sẻ, để kích cầu tiêu dùng, thương mại của TP, TP tổ chức nhiều chương trình như: Chương trình giảm giá, khuyến mại lên tới 100% diễn ra từ tháng 4, trọng tâm vào các tháng 5, 7, 11/2022. Trong tháng 4/2022, dự kiến sẽ diễn ra sự kiện “Không dùng tiền mặt 2022" nhằm khuyến khích, tạo thói quen cho người tiêu dùng không sử dụng tiền mặt khi giao dịch và mua sắm hàng hóa. Trong tháng 5/2022, chương trình khuyến mại tập trung sẽ được triển khai rộng khắp tới 1.000 đến 1.200 điểm bán hàng của các DN. Tất cả các điểm bán hàng sẽ triển khai các chương trình giảm giá, ưu đãi lên tới 100%...

Tăng tốc phát triển kinh tế các tháng cuối năm

Trong thời gian tới, UBND TP Hà Nội sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, thực hiện có hiệu quả các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội; tháo gỡ khó khăn cho DN, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh; thực hiện miễn, giảm thuế, hỗ trợ lãi vay, hỗ trợ người lao động... theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ. Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các công trình trọng điểm; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Bảo đảm cung cầu nguyên, nhiên liệu phục vụ sản xuất và xây dựng; chuỗi cung ứng, đẩy mạnh sản xuất công nghiệp; kiểm soát giá cả thị trường. Bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm; chuẩn bị công tác phòng, chống thiên tai mùa mưa bão...

Để tăng tốc phát triển kinh tế các tháng cuối năm, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho rằng, cần khắc phục một số tồn tại, hạn chế để tăng tốc phát triển kinh tế các tháng cuối năm. Cụ thể, đến hết ngày 31/3/2022, tỷ lệ giải ngân toàn TP đạt 8% kế hoạch (tăng 26,7% so với cùng kỳ năm 2021) nhưng vẫn là con số thấp (cả nước là 9%, trong đó có 05 tỉnh thành có tỷ lệ giải ngân trên 25%). Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng khá cao gây áp lực lớn lên mục tiêu năm 2022 - kiểm soát dưới 4%...

Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh, quý II/2022, các đơn vị cần tranh thủ tối đa điều kiện thuận lợi khi tình hình dịch bệnh đã ổn định, tập trung đầu tư nguồn lực đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế theo ngành, lĩnh vực, địa bàn phụ trách. Tháo gỡ ngay khó khăn cho các dự án ODA, dự án vốn đầu tư nước ngoài, đầu tư ngoài ngân sách nhằm khơi thông nguồn lực, kích cầu đầu tư. Tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, đặc biệt là các DN trong nước, DN đầu tư nước ngoài nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, kích thích tăng trưởng trong điều kiện tình hình mới.

Trong kế hoạch về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội TP Hà Nội xác định mục tiêu thúc đẩy các động lực tăng trưởng; đẩy nhanh khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số nhằm thiết lập nền tảng phát triển bền vững; phấn đấu hoàn thành mức cao nhất mục tiêu tăng trưởng từ 7,5-8%; tỷ lệ thất nghiệp thành thị dưới 4%. Bên cạnh đó, TP Hà Nội thực hiện tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động, tạo thuận lợi cho DN, các tổ chức kinh tế và người dân.

Nguyễn Đăng

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.