Chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 6%

Sáng 12-4, với đa số phiếu tán thành, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã đồng thuận và chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1-7-2022 ở mức 6% để trình Chính phủ xem xét quyết định.
Hội đồng Tiền lương quốc gia họp chốt tăng lương tối thiểu từ 1/7/2022, mức 6,0%.
Hội đồng Tiền lương quốc gia họp chốt tăng lương tối thiểu từ 1-7-2022, mức 6,0%.

Trước đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất 2 phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng từ ngày 1-7-2022, lần lượt các mức tăng là 8,16% và 7,25%.

Cụ thể: Phương án 1 điều chỉnh mức lương tối thiểu từ ngày 1-7-2022, với mức tăng từ 270 đến 330 nghìn đồng, bình quân tăng 8,16% so với năm 2020 - 2021.

Phương án 2 điều chỉnh mức lương tối thiểu từ ngày 1-7-2022, với mức tăng từ 230 đến 300 nghìn đồng, bình quân tăng 7,25% so với năm 2020 - 2021.

Tại phiên họp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất các mức tăng từ 2%-5%.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong năm 2020- 2021, Chính phủ không điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng. Lần điều chỉnh tiền lương tối thiểu gần nhất là 1-1-2020 với mức ở vùng 1 là 4,42 triệu đồng; vùng 2 là 3,92 triệu đồng; vùng 3 là 3,42 triệu đồng và vùng 4 là 3,07 triệu đồng.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết, tổ chức công đoàn Việt Nam chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp, nhưng không thể không quan tâm đến một bộ phận người lao động đang gặp khó khăn.

“Sức chịu đựng của người lao động cũng đã đến ngưỡng để xem xét điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng trong khi chỉ số giá tiêu dùng tăng liên tục và đời sống người lao động gặp nhiều khó khăn”, ông Hiểu nói và cho rằng hình ảnh người lao động xếp hàng dài chờ rút BHXH một lần trong những ngày qua là điều rất đáng phải suy nghĩ.

Nói thêm về lý do đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1-7, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giải thích: 1,5 năm qua, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 người lao động không được tăng lương; đến nay kinh tế đã được phục hồi và phát triển tốt, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, do vậy các bên thấy cần thiết phải tăng lương, cho người lao động. Việc tăng lương lúc này là kịp thời để hỗ trợ, giúp người lao động vượt qua khó khăn và là động lực giúp họ nâng cao năng suất lao động, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.

Tăng lương tối thiểu cũng là thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước, để giúp cho người lao động bước vào giai đoạn phục hồi phát triển lao động với năng suất cao, một người có thể làm việc bằng một, bằng hai. Một trong những việc đó là phải tạo động lực cho họ, mà tăng lương tối thiểu mang lại rất nhiều hiệu quả như nâng cao năng suất lao động...; cũng là động lực gây áp lực cho các doanh nghiệp phải đổi mới khoa học công nghệ, nâng cao năng lực quản trị để giúp triển bền vững.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng trả lời báo chí là chưa hài lòng với mức điều chỉnh này vì chưa đáp ứng được kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp. Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn mức điều chỉnh từ năm từ 1-1-2023, chứ tăng từ 1-7-2022 thì gấp gáp, vất vả cho doanh nghiệp quá vì phải điều chỉnh lại phương án sản xuất kinh doanh, kể cả chỉ số tăng trưởng...

Sau hơn 4 tiếng thảo luận, thương lượng đầy căng thẳng của phiên họp thứ 2, Hội đồng tiền lương quốc gia đã thống nhất phương án trình chính phủ tăng 6% lương tối thiểu vùng từ ngày 1-7-2022, tương ứng với vùng 1 tăng 260.000 đồng; vùng 2 tăng 240.000 đồng; vùng 3 tăng 240.000 đồng; vùng 4, tăng 180.000 đồng.

H.Phương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.