Nam Em dính lùm xùm về bản quyền bài hát

Khá nhiều nghệ sĩ của Vbiz không hài lòng khi Nam Em dùng ca khúc của họ mà không xin phép. Mới đây, người đẹp lên tiếng xin lỗi nhưng điều công chúng hy vọng ở cô là hành động dứt điểm sửa sai.
Nam Em bị chỉ trích khi hát ca khúc của nghệ sĩ khác mà không xin phép
Nam Em bị chỉ trích khi hát ca khúc của nghệ sĩ khác mà không xin phép

Mới đây, nhạc sĩ Kai Đinh bức xúc về việc Nam Em tự ý dùng ca khúc “Mình yêu đến đây thôi” của anh, đang được Tóc Tiên mua độc quyền. Chuyện bản quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam hiện nay đã phát triển hơn trước đây rất nhiều. Các quán cà phê/nhà hàng khi phát nhạc của nghệ sĩ phải mua tài khoản trên các trang nhạc số. Vậy nên, Kai Đinh không thể hiểu được tại sao các nghệ sĩ đồng nghiệp lại sử dụng bài hát của các nghệ sĩ khác nhưng việc tối thiểu nhất là xin phép trước lại không thể làm được.

"Kai xin được nói rõ hơn cho các khán giả hiểu vì sao vấn đề bản quyền quan trọng đến như vậy. Tài sản trí tuệ cũng là tài sản, những người thực hiện dự án như chúng tôi là những người đã phải đầu tư thời gian, tài chinh và công sức để cân đo đong đếm cách sản xuất một bài hát hoàn chỉnh và mong muốn được khán giả công nhận những nỗ lực đó bằng sản phẩm chỉn chu nhất có thể. Việc sử dụng các ca khúc này một cách tùy tiện ảnh hưởng rất lớn đến nghệ sĩ đang sử dụng bài hát, Kai Đinh viết thêm. Ngay dưới bài viết của Kai Đinh, một số nghệ sĩ khác tiết lộ đây không phải lần đầu tiên Nam Em có hành vi vi phạm bản quyền.

Ngay sau khi bị chỉ trích gay gắt, Nam Em đã lên tiếng xin lỗi. Nam Em cho biết thêm cô chưa có được một ê-kíp chuyên nghiệp để làm việc chu toàn trong âm nhạc, mọi thứ còn mới mẻ, nên trong âm nhạc cho phép Nam Em được vừa làm vừa sửa sai. Sai ở đâu thì xin sửa ở đó. Rất mong sự lượng thứ từ mọi người, xin nhận lỗi vì đã tạo ra những chuyện không đáng có và mang đến những điều tiêu cực này".

Đối với việc cover bài hát thì tác phẩm cover sẽ được xem như là một tác phẩm phái sinh của tác phẩm gốc và được qui định tại khoản 8 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009 và năm 2019). Người làm tác phẩm phái sinh hay cover bài hát được pháp luật cho phép nhưng phải tuân theo các điều kiện mà pháp luật sở hữu trí tuệ đặt ra. Cụ thể theo Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009 và năm 2019) thì các điều kiện để làm tác phẩm phái sinh là: Không gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả và phải xin phép; trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả.

Cá nhân, tổ chức thực hiện cover bài hát trái phép hay không xin phép chủ sở hữu quyền tác giả của bài hát đó có thể bị xử phạt hành chính với mức tiền từ 5 đến 10 triệu đồng, kèm theo đó là phải dỡ bỏ bản cover đó trên Internet cũng như trên các phương tiện kỹ thuật số khác. Cụ thể được quy định tại Điều 12 Nghị định 131/2013/NĐ-CP.

Còn đối với những trường hợp hát cover bài hát trực tiếp trước công chúng nhưng không được sự đồng ý cho phép của tác giả, thì người biểu diễn có thể bị xử phạt từ 5 đến 10 triệu đồng. Thêm vào đó, nếu bản cover mà được truyền tải tới công chúng thông qua các thiết bị ghi âm, ghi hình, các phương tiện kỹ thuật khác hay thông qua mạng internet, thì người biểu diễn có thể bị xử phạt từ 10 tới 15 triệu đồng, đồng thời phải khắc phục hậu quả bằng việc gỡ bỏ tác phẩm vi phạm. Những quy định này được quy định tại Điều 13 Nghị định 131/2013/NĐ-CP.

An Nhiên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.