Hàng trăm dự án treo tồn tại vì chỉ bị xử lý bằng kiến nghị

Hàng trăm dự án (DA) treo hiện diện ở thủ đô từ hàng chục năm trời nhưng việc xử lý lại hết sức chậm chạp cho dù UBND TP Hà Nội đã có nhiều văn bản chỉ đạo. Hệ lụy, nhiều DN có năng lực không có đất làm DA, nguồn kinh tế thu cho địa phương bị ảnh hưởng không nhỏ.
Hà Nội vẫn còn hàng trăm DA chậm tiến độ, giữ đất chờ thời        Ảnh: K.H
Hà Nội vẫn còn hàng trăm DA chậm tiến độ, giữ đất chờ thời. Ảnh: K.H

Hàng trăm DA chậm tiến độ, nợ nghĩa vụ tài chính

Theo Báo cáo của Sở TN&MT Hà Nội, toàn TP có tới hơn 400 DA treo lâu năm. Những quận, huyện có số DA chậm tiến độ nhiều nhất là Hoài Đức (51 DA), Mê Linh (47 DA), Nam Từ Liêm (48 DA), Hoàng Mai (25 DA)…

Để xử lý những DA này, năm 2020 và 2021, TP đã chỉ đạo các sở, ngành, trong đó có Sở TN&MT tiến hành các đợt thanh kiểm tra. Kết quả, có 96 DA đã khắc phục đưa đất vào sử dụng. 60 DA chậm tiến độ mới được gia hạn thêm 24 tháng. 220 DA có các vi phạm khác, đã kiến nghị các biện pháp xử lý cụ thể. Và có 29 DA bị kiến nghị thu hồi đất.

Phát hiện và lập danh sách các DA treo đã mất thời gian nhưng còn mất thời gian hơn khi các DA này chỉ bị kiến nghị thu hồi, còn bao giờ thu hồi thì chắc phải “treo” thêm nhiều năm nữa. Hậu quả là đời sống bất ổn của hàng nghìn hộ dân, còn các DN khác cần có đất để phát triển sản xuất, đóng góp vào nguồn ngân sách địa phương thì vẫn phai chờ.

Theo báo cáo của Thường trực HĐND TP Hà Nội, tính đến hết tháng 5-2021, trên địa bàn TP có đến 38 DA còn nợ nghĩa vụ tài chính với số tiền là 3.767 tỷ đồng; trong đó, có 22 DA còn nợ gần 1.638 tỷ đồng tiền sử dụng đất (trong đó, nợ chờ xử lý 538,8 tỷ/5 DA; nợ khó thu 155 tỷ/3 DA) và 1.354 tỷ tiền chậm nộp tương ứng.

Ngoài ra, còn 2 đơn vị nộp tiền thuê đất 252,6 tỷ đồng; 6 DA chưa thực hiện quản lý thu do chưa có thông tin địa chính chuyển cục thuế làm cơ sở thu nghĩa vụ tài chính; 26 DA cần rà soát thông tin về nghĩa vụ tài chính bổ sung để báo cáo thành phố giao các cơ quan, đơn vị quản lý thu theo quy định.

Điều đáng nói, trong danh sách các DA còn nợ nghĩa vụ tài chính có gần chục DA bất động sản trên địa bàn quận Hoàng Mai, dù chủ đầu tư xây nhà bán nhưng vẫn chây ỳ nộp tiền sử dụng đất, tiền chậm nộp hàng chục tỷ đồng, thậm chí hàng trăm tỷ đồng nên cơ quan chức năng phải chuyển hồ sơ sang công an để điều tra, làm rõ.

Báo cáo của Đoàn giám sát HĐND TP Hà Nội về tình hình quản lý các DA sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn Thủ đô cũng chỉ rõ, hiện Hà Nội vẫn còn 350 DA chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai, trong đó phần lớn các DA tồn tại vi phạm từ thời điểm trước giám sát năm 2018. Cụ thể, có 63 DA chưa được giao đất, cho thuê đất chậm thực hiện các thủ tục đầu tư, chậm triển khai theo quyết định được phê duyệt; 287 DA đã được giao đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai...

Quyết tâm cao, xử lý chậm

Năm 2021, để đẩy mạnh nguồn thu ngân sách Nhà nước từ lĩnh vực nhà và đất, UBND TP Hà Nội chỉ đạo các sở, ngành chức năng và các địa phương yêu cầu có biện pháp xử lý, thu hồi đất đối với các dự án chây ỳ nợ thuế, yếu kém năng lực tài chính, vi phạm pháp luật thuế và pháp luật về đất đai…; các quận, huyện, thị xã rà soát, đẩy nhanh tiến độ đấu giá quyền sử dụng đất năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2023; đôn đốc người trúng đấu giá thực hiện nộp tiền theo đúng quy định.

UBND TP giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các sở ngành như Kế hoạch và Đầu tư, Quy hoạch - Kiến trúc, Tài chính, Xây dựng, Cục Thuế Hà Nội xây dựng Kế hoạch tiếp tục triển khai thực hiện giai đoạn 2021 - 2023 việc đôn đốc, kiểm tra, xử lý các dự án sử dụng đất vốn ngoài ngân sách chậm triển khai, vi phạm Luật đất đai trên địa bàn Thành phố với các nội dung cụ thể, thiết thực, hiệu quả.

UBND TP yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị chậm thực hiện hoặc không thực hiện đầy đủ các nội dung kết luận, kiến nghị của HĐND TP tại Báo cáo số 57/BC-HĐND ngày 17-7-2018, Thông báo số 18/TB-HĐND ngày 16-8-2018, chỉ đạo của UBND TP tại Kế hoạch số 173/KH-UBND ngày 5-9-2018; kịp thời đề xuất, báo cáo UBND TP những nội dung vướng mắc vượt thẩm quyền.

Chỉ đạo mạnh là thế nhưng theo đánh giá của Thường trực HĐND TP Hà Nội, sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 15 của HĐND TP, gần 3 năm thực hiện kiến nghị giám sát của HĐND TP và kết luận phiên giải trình của Thường trực HĐND TP, kết quả đạt rất thấp mặc dù UBND TP đã giao nhiệm vụ cho các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã giải quyết các tồn tại, hạn chế trong xử lý vi phạm DA chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai.

Tổng hợp danh mục các DA vẫn chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai còn tồn tại vi phạm từ thời điểm trước giám sát năm 2018 và phát sinh thêm từ năm 2018 đến nay cần tiếp tục được các cơ quan, đơn vị theo dõi, đôn đốc, giám sát.

Chuyên gia kinh tế Vũ Hoàng Long phân tích, theo quy định, DA sẽ bị thu hồi nếu chậm đưa đất đã được bàn giao vào sử dụng trong vòng 12 tháng. Nhưng lại chưa có quy định xử lý DA chậm GPMB như thế nào, kéo dài trong bao nhiêu năm? Ngoài nguyên nhân chậm GPMB, một số chủ đầu tư DA chây ỳ, do không đủ năng lực thực hiện. Một số khác thì luôn tìm cách trốn tránh việc thu hồi. Lý do thật sự khiến nhiều chủ đầu tư dù không còn năng lực triển khai DA nhưng vẫn quyết không trả đất, là bởi đằng sau đó là ý định giữ đất chờ thời, bán sang nhượng cho doanh nghiệp khác với giá cao. So với thời điểm 10 năm trước, giá đất hiện nay chênh lệch không hề nhỏ.

Quỹ đất tại Hà Nội đang ngày càng eo hẹp. Đây cũng là một trong những lý do thúc đẩy TP mạnh tay thu hồi loạt DA bỏ hoang. Nhiều doanh nghiệp trông đợi các đợt rà soát, thu hồi của TP sẽ giúp xóa bỏ DA treo, doanh nghiệp sẽ có thêm quỹ đất để triển khai loạt DA mới. Người dân không phải sống trong cảnh tạm bợ đi không được ở chẳng xong.

Cũng theo chuyên gia kinh tế Vũ Hoàng Long, việc thu hồi đất DA bỏ hoang sẽ không dễ dàng nhưng nếu làm quyết liệt, công tâm thì sẽ thành công. Với DA treo nhiều năm, chính quyền các địa phương cần kêu gọi nhà đầu tư mới, có năng lực tài chính, tổ chức quy hoạch lại hoặc theo quy hoạch cũ, nhưng phải có cơ chế ràng buộc, cam kết về thời gian thực hiện. Bên cạnh đó, cần đổi mới mạnh mẽ cách thức triển khai các DA phát triển khu đô thị cũng như việc thực hiện đồng thời các công trình hạ tầng xã hội phải được đầu tư với công trình nhà ở. Có như vậy mới khắc phục được các DA chậm tiến độ, bỏ hoang lãng phí.

Khắc Hạnh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.