Phát triển nguồn lực du lịch trong giai đoạn mở cửa trở lại

Du lịch Việt đã chính thức chuyển mình sang giai đoạn mới, phục hồi và phát triển hậu Covid-19. Tuy nhiên, với nguồn nhân lực sụt giảm tới hơn 70% do tác động từ đại dịch. Đây thực sự là thách thức lớn và là vấn đề cấp bách của toàn ngành hiện nay.
Nâng cao số lượng, chất lượng nguồn nhân lực là yêu cầu cấp thiết nhằm phục hồi du lịch trong giai đoạn ở cửa
Nâng cao số lượng, chất lượng nguồn nhân lực là yêu cầu cấp thiết nhằm phục hồi du lịch trong giai đoạn ở cửa

Thiếu hụt nguồn nhân lực

Thống kê từ WTTC (Hội đồng lữ hành thế giới) cho thấy, chỉ trong hai năm 2020-2021, đại dịch Covid-19 đã làm mất đi 62 trên tổng số 334 triệu việc làm trong ngành du lịch. Có rất nhiều khuyến nghị, cảnh báo của nhiều tổ chức quốc tế và các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, khủng hoảng nguồn nhân lực du lịch khi đại dịch đi qua rất dễ xảy ra và mỗi quốc gia nên có sự chuẩn bị để giảm tránh hoặc không phải đối mặt với việc này.

Đối với du lịch Việt Nam, ngay sau khi đạt mức tăng trưởng kỷ lục vào tháng 1-2020, du lịch Việt Nam đã rơi vào khủng hoảng do dịch Covid-19 bùng phát. Năm 2020, lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 3,7 triệu lượt, giảm trên 80% so với năm 2019, khách nội địa giảm 50%. Ngành Du lịch thất thu khoảng 23 tỉ USD trong năm 2020. Theo thống kê, khoảng 95% DN lữ hành quốc tế đã ngưng hoạt động, công suất sử dụng phòng của nhiều khách sạn ở các TP lớn, các khu du lịch chỉ đạt từ 10-15%, nhiều khách sạn phải đóng cửa.

Theo ông Phạm Văn Thủy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, sau hơn hai năm trải qua đại dịch, ngành du lịch đã mở cửa trở lại với nhiều cơ hội và thách thức lớn. Một trong số đó chính là vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực du lịch. Sau ngày mở cửa, chúng ta cũng gặp khó khăn lớn trong tiến trình huy động nguồn lao động của ngành quay trở lại làm việc. Đa số người lao động có tâm lý chưa sẵn sàng trở lại làm việc do lo ngại dịch bệnh, một số đã chuyển nghề và dần ổn định nên không muốn quay lại ngành. Vì vậy, vấn đề thiếu hụt nhân lực du lịch là vấn đề cấp bách, cần được tính toán, bổ sung kịp thời.

Về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực mới, ông Thủy cho biết, nhân lực trẻ bổ sung cũng gặp khó khăn, do quá trình đào tạo cần có thời gian thực hiện và bồi đắp. Thực tế hiện nay, chỉ có một bộ phận nhân lực của ngành đã qua đào tạo. Với đơn vị lưu trú, hầu hết chỉ có nguồn nhân lực tại các khách sạn là qua đào tạo. Còn với các đơn vị lưu trú như nhà nghỉ, homestay... hầu hết đều là nguồn nhân lực tự do, không qua đào tạo. Do vậy, cần có những chính sách, giải pháp để bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho các nhóm lao động này.

Nâng cao chất lượng đào tạo

Theo GS. TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội đồng Khoa học đào tạo (Hiệp hội Du lịch Việt Nam), hiện nay công tác bồi dưỡng, đào tạo nhân lực du lịch mới còn nhiều bất cập. Cụ thể, theo khảo sát tại các trường đại học cho thấy chương trình đào tạo dành cho sinh viên còn thiếu tính thực tế. Một số chương trình giảng dạy cũng như bài giảng của giảng viên không áp dụng sát tính thực tế trong quá trình giảng dạy với sinh viên. Đây là vấn đề cần được xem xét, lưu ý và thay đổi để phù hợp với yêu cầu của thị trường. Qua đó, tạo ra nguồn nhân lực bài bản, tiềm năng, sẵn sàng phục vụ ngành trong tương lai.

Để nâng cao chất lượng, số lượng nguồn nhân lực du lịch trong bối cảnh hiện nay, GS. TS Nguyễn Văn Đính cho rằng: Đối với lực lượng lao động cũ trở lại làm việc, cần đào tạo bổ sung những kiến thức, kỹ năng chuyên môn mới và bổ sung các kiến thức phù hợp với điều kiện thực tế. Đối với lực lượng lao động mới tuyển dụng, DN du lịch cần phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các cơ sở đào tạo để đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ cũng như kỹ năng nghề nghiệp để nâng cao chất lượng phục vụ trực tiếp cho khách. Bên cạnh đó, cần bổ sung những kiến thức, kỹ năng về phòng, chống dịch Covid-19, bảo vệ môi trường, kiến thức, kỹ năng tin học cần thiết...

Ông Trịnh Cao Khải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội cho rằng, các cơ sở đào tạo cần tiếp tục bám sát chủ trương, đường lối để tổ chức dạy học phù hợp với giai đoạn phục hồi và phát triển của Ngành. Đồng thời, cần tăng cường xúc tiến hợp tác với các tập đoàn lớn, DN du lịch và khách sạn tổ chức ký kết biên bản ghi nhớ và hợp đồng hợp tác về tạo việc làm sau tốt nghiệp theo nguyên tắc phù hợp với cơ cấu ngành nghề và số lượng nhân lực theo nhu cầu xã hội; cung cấp kiến thức, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ theo đúng yêu cầu của DN và địa phương...

Ông Lê Hồng Hải, Tổng GĐ Cty CP Du lịch & Thương Mại Dân Chủ nhìn nhận, nhiều sinh viên đến thực tập thiếu kiến thức về công việc mình sẽ làm trong tương lai, đến làm ghi danh để lấy giấy xác nhận. Vì vậy, để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng được nhu cầu của thị trường thì công tác định hướng nghề cần phải được chú trọng hơn nữa. Bên cạnh đó, cần cho sinh viên tham gia thực hành, thực tế ngay từ năm đầu để sớm tiếp cận với công việc.

Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2020, các DN trong ngành du lịch lần lượt phải cắt giảm nhân sự từ 70-80%. Trong năm 2021, số lượng lao động vẫn làm đủ thời gian chỉ chiếm 25% so với năm 2020, lao động nghỉ việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động chiếm khoảng 30%, lao động tạm nghỉ việc khoảng 35%, 10% lao động làm việc cầm chừng.

Nguyễn Đăng

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.