Hà Nội: Tỷ lệ học sinh Tiểu học đến trường học trực tiếp cao hơn so với khảo sát

Ngày 6-4, hơn 1 triệu học sinh tiểu học và lớp 6 thuộc 30 quận, huyện, thị xã của TP Hà Nội đã trở lại trường học trực tiếp. Theo thống kê sơ bộ, tại nhiều trường học, tỷ lệ học sinh đi học cao hơn so với khảo sát ban đầu.
Hà Nội: Tỷ lệ học sinh Tiểu học đến trường học trực tiếp cao hơn so với khảo sát
Học sinh Trường Tiểu học Trung Văn (Nam Từ Liêm) trong ngày đầu đến lớp.

Công tác đón học sinh chu đáo, tỷ lệ học trực tiếp cao

Theo ghi nhận của PV, công tác đón học sinh trong ngày đầu đến lớp được các trường học triển khai hiệu quả. Tại các cổng trường, nhân viên, giáo viên có mặt từ sớm thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn lối đi vào lớp cho học sinh, bày bàn sát khuẩn để các em sát khuẩn trước khi vào lớp. Trên bàn luôn có khẩu trang để phục vụ các em khi cần. Tại cửa lớp, giáo viên chủ nhiệm sẽ kiểm tra nhiệt độ, sát khuẩn cho học sinh, hướng dẫn các em vào chỗ ngồi ổn định, thực hiện tốt quy định phòng chống dịch.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, số liệu tổng hợp tính đến trưa ngày 6-4, cấp Tiểu học có tổng số 775/789 cơ sở giáo dục triển khai dạy học trực tiếp; có 616.659/818.891 học sinh tham gia học tập, đạt tỷ lệ 75,3%; nhiều trường có tỷ lệ học sinh đi học trở lại đạt 100%.

Tại quận Hoàng Mai có 95% học sinh trên địa bàn quận đã trở lại trường, trong đó có nhiều trường đạt gần 100% như: Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, Trường THCS Lĩnh Nam, Trường Tiểu học Hoàng Mai, Trường Tiểu học Yên Sở, Trường THCS Trần Phú...

Có 17/23 trường Tiểu học tại quận Hoàng Mai tổ chức bán trú cho học sinh ngay ngày đầu trở lại trường.

Tại quận Thanh Xuân, số học sinh cấp Tiểu học đi học trực tiếp đạt 92,3%; số học sinh cấp THCS đi học trực tiếp đạt 97,1%, trong đó học sinh lớp 6 đi học trực tiếp đạt 97,7%, cao hơn rất nhiều so với khảo sát trước đó.

Tỷ lệ đi học trực tiếp tại Trường Tiểu học Xuân La (quận Tây Hồ) cũng có tỷ lệ cao, gần 98%. Tại trường Tiểu học Nghĩa Tân, tỷ lệ học sinh tới trường đạt hơn 94%, học sinh nghỉ là trường hợp F0, F1 hoặc đang học nhờ tại địa phương khác chưa kịp trở về Hà Nội.

Tại huyện Mê Linh, 50 trường Tiểu học, THCS thuộc huyện cũng có tỷ lệ đi học trực tiếp cao, ở khối lớp 6 đạt 99%, còn cấp tiểu học đạt trên 97%.

Hà Nội: Tỷ lệ học sinh Tiểu học đến trường học trực tiếp cao hơn so với khảo sát
Học sinh xếp hàng, lần lượt di chuyển vào lớp.

Tại trường Tiểu học Giang Biên (quận Long Biên), sáng nay có 931 học sinh đến trường, đạt 93%. Cô Trần Thị Thanh Hương - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Giang Biên cho biết: “Nhà trường đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trường lớp sạch đẹp để đón các con đi học trở lại. Bên cạnh việc phun khử thuẩn toàn bộ trường học, nhà trường cũng đã xây dựng khung cảnh nhà trường như chậu cây, bồn hoa, trang trí góc lớp, góc thư viện, góc cây xanh,… để tạo không gian xanh, sạch, đẹp cho học sinh. Các biển hiệu, phân cách các lối đi lên từng dãy phòng học được chuẩn bị chu đáo. Dụng cụ y tế cũng được trang bị đầy đủ. Các phương án xử lý mọi tình huống đã được phổ biến, tập duyệt đến từng nhân viên, giáo viên nhà trường”.

Được biết, tuần đầu tiên, giáo viên các trường sẽ dành nhiều thời gian giúp học sinh làm quen với trường cũng như đưa các hoạt động sinh hoạt như ăn, ngủ,… vào nề nếp, đặc biệt là với học sinh lớp 1. Các tiết học chủ yếu là ôn lại kiến thức cũ tạo nền tảng vững chắc cho các em.

Hà Nội: Tỷ lệ học sinh Tiểu học đến trường học trực tiếp cao hơn so với khảo sát
Trong ngày đầu đến lớp, học sinh Trường Tiểu học Giang Biên sẽ được ôn lại kiến thức cũ

Tại Trường Tiểu học Xuân La (quận Tây Hồ), các lớp đều dành tiết học đầu tiên để cô và trò làm quen, giao lưu với nhau để tạo tâm thế thoải mái, vui vẻ cho các em. Bên cạnh đó, giáo viên sẽ ôn lại kiến thức cũ cho học sinh. Với các trường hợp học sinh là F0, F1 hoặc đang ở quê chưa kịp lên học, để các em không bị gián đoạn việc học, nhà trường vẫn tổ chức cho các em được học trực tuyến vào buổi tối.

Không lơ là, chủ quan với dịch bệnh; dạy học đảm bảo khoa học, phù hợp, không quá tải

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến ghi nhận sự chuẩn bị chu đáo của các trường trong công tác đón học sinh đi học trở lại, đặc biệt là học sinh đầu cấp. Các trường đều có phương án xử lý cụ thể mọi tình huống nếu có trong quá trình dạy học trực tiếp, đồng thời triển khai kế hoạch tổ chức dạy học hiệu quả, linh hoạt, bảo đảm quyền lợi và tạo thuận lợi nhất cho học sinh.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến yêu cầu các trường tuyệt đối không lơ là, chủ quan với dịch bệnh, cũng đề nghị các trường quan tâm nắm bắt diễn biến tâm lý của học sinh để có sự hỗ trợ cần thiết. Trong tuần đầu đi học, các trường dành thời gian ổn định nền nếp học tập; rà soát, kiểm tra kiến thức đã học trực tuyến để có kế hoạch bổ trợ cho học sinh, đồng thời dạy kiến thức mới. Việc thực hiện kế hoạch dạy học cần bảo đảm khoa học, phù hợp với đối tượng học sinh và tuyệt đối không gây quá tải cho các em.

Hà Nội: Tỷ lệ học sinh Tiểu học đến trường học trực tiếp cao hơn so với khảo sát
Giáo viên và học sinh trường Tiểu học Trung Văn (Nam Từ Liêm ) làm quen, giao lưu, giúp các em có tâm thế thoải mái, phấn khởi đến trường.

Hiện tại, hầu hết các trường tiểu học, THCS trên địa bản TP đã mở cửa, còn một số trường đang sửa chữa để mở cửa trong tuần tới. Một số trường trong tuần đầu chỉ dạy học 1 buổi/ngày và sẽ triển khai học 2 buổi 1 ngày từ ngày 12-4.

Trước đó, Sở GD&ĐT Hà Nội nhận định, tình hình Covid-19 tại thành phố đã có chuyển biến tích cực, số F0 là học sinh, giáo viên giảm mạnh. Trong hai ngày 2 và 3-4, Sở đã tổ chức khảo sát phụ huynh lớp 1 - 6 về việc cho con trở lại trường. Kết quả, hơn 75% ý kiến đồng thuận, nhiều quận, huyện có tỷ lệ nhất trí trên 90%.

3 tuần đầu tháng 2, học sinh tiểu học và lớp 6 ở ngoại thành Hà Nội được trở lại trường nhưng sau đó phải tạm dừng vì số ca nhiễm tăng cao. Tính đến ngày 6-4, Hà Nội chỉ còn cấp mầm non chưa được đến trường ngày nào kể từ cuối tháng 4-2021. Hà Nội là địa phương cho học sinh ở nhà với quy mô lớn và thời gian lâu nhất cả nước.

An Nhiên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.