Hướng dẫn An toàn, vệ sinh lao động cho nhân viên y tế

Ngày 5-4, Bộ Y tế ra Quyết định số 838/QĐ-BYT về việc ban hành Hướng dẫn An toàn, vệ sinh lao động cho nhân viên y tế trong phòng, chống dịch Covid-19.
Hướng dẫn An toàn, vệ sinh lao động cho nhân viên y tế trong phòng, chống dịch Covid-19.
Hướng dẫn An toàn, vệ sinh lao động cho nhân viên y tế trong phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó, mức độ nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 đối với nhân viên y tế được phân loại theo hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế. Cụ thể:

Nguy cơ lây nhiễm rất cao: Tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm có can thiệp hô hấp, thủ thuật xâm lấn, tạo khí dung; khu xử lý, khâm liệm tử thi; giám định pháp y tử thi người nhiễm, nghi nhiễm SARS-CoV-2.

Nguy cơ lây nhiễm cao: Tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm không có can thiệp hô hấp, thủ thuật xâm lấn, tạo khí dung; mẫu bệnh phẩm hô hấp xét nghiệm Covid-19.

Nguy cơ lây nhiễm trung bình: Có thể tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm, nghi nhiễm SARS-CoV-2.

Nguy cơ lây nhiễm thấp: Không tiếp xúc trực tiếp người nhiễm, nghi nhiễm SARS-CoV-2.

Theo hướng dẫn này, để đảm bảo an toàn và sức khỏe nghề nghiệp cho nhân viên y tế trong phòng, chống dịch Covid-19, ngoài các biện pháp theo từng yếu tố nguy cơ cụ thể, các cơ sở y tế cần áp dụng và thực hiện các biện pháp dự phòng chung như sau:

Thứ nhất, quy định cho phép nhân viên ở nhà trong trường hợp nghi mắc Covid-19 với các triệu chứng đặc hiệu như sốt, ho, khó thở…

Thứ hai, tổ chức công việc hợp lý để kiểm soát giảm thiểu nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động trong phòng, chống dịch Covid-19, bao gồm: Bố trí làm việc từ xa, cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế từ xa; thiết kế khu vực riêng để cách ly bệnh nhân Covid-19; sử dụng rèm, tấm chắn để ngăn cách trong phòng bệnh nhân nếu không gian nhỏ; sử dụng phòng lấy mẫu xét nghiệm; tấm chắn bảo vệ và ngăn cách bằng nhựa trong...

Đáng chú ý tại hướng dẫn này là cơ sở y tế cần xây dựng chính sách về thời giờ làm việc và nghỉ ngơi phù hợp cho nhân viên y tế. Cụ thể, khi làm việc tối thiểu 10 giờ liên tục mỗi ngày, phải bố trí 7-8 giờ để ngủ và sau 14 ngày làm việc liên tục cần được nghỉ 48 giờ; làm 5 ca liên tục 8 giờ hoặc 4 ca 10 giờ phải bố trí một hoặc hai ngày nghỉ. Khi làm 3 ca liên tục kéo dài 12 giờ phải có hai ngày nghỉ.

Bên cạnh đó, cơ sở y tế mỗi tuần nên bố trí 5 ca 8 tiếng hoặc 4 ca 10 tiếng, nếu làm 12 giờ/ngày thì phải sắp xếp nhiều ngày nghỉ xen kẽ hơn cho nhân viên y tế. Đồng thời, cần sắp xếp thời gian làm việc ngắn hơn vào ban đêm, tổ chức đổi ca luân phiên theo chiều thuận (sáng đến chiều đến đêm) và có cân nhắc đến nguyện vọng của nhân viên y tế, điều kiện địa phương và cơ sở y tế. Thêm vào đó, thường xuyên bố trí nghỉ giải lao ngắn giữa giờ (cứ sau 1 đến 2 giờ làm việc); cho phép thời gian nghỉ ăn trưa hoặc tối dài hơn.

Về khối lượng công việc, đối với những ca làm việc kéo dài 12 giờ nên bố trí các công việc “nhẹ nhàng hơn” (như công việc hành chính). Đối với các công việc có cường độ làm việc cao, gắng sức, môi trường làm việc khắc nghiệt hay tiếp xúc với các nguy cơ rủi ro an toàn vệ sinh lao động khác, thì nên bố trí ca làm việc ngắn hơn.

Bên cạnh đó, cung cấp các bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng đối với nhân viên y tế tham gia chống dịch; rút ngắn thời gian ca làm việc (nếu có thể); bố trí chỗ ở cho nhân viên y tế khi thực hiện các nhiệm vụ khẩn cấp khi cần, có đầy đủ đồ ăn và nước uống, đảm bảo dinh dưỡng và an toàn; có khu vệ sinh và các điều kiện giải trí...

Mới: Để được công nhận là F0 không nhất thiết phải có sự giám sát của nhân viên y tế
Khẩn trương ban hành chính sách đặc thù với nhân viên y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân ngày càng tốt hơn
Hà Nội: Đảm bảo an toàn bệnh viện và nhân viên y tế trước diễn biến dịch phức tạp

T.Quang

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.