Chồng rủ vợ làm giả giấy khám sức khỏe bán kiếm tiền

Ngày 5-4, Cơ quan CSĐT Công an quận Hà Đông, Hà Nội cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can với 7 đối tượng về hành vi “Làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức”.
Chồng rủ vợ làm giả giấy khám sức khỏe bán kiếm tiền
Đối tượng Ngọc và tang vật

Các đối tượng trong vụ án gồm: Đỗ Danh Ngọc (SN 1987); Nguyễn Thị Hà (SN 1991) cùng trú tại phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội; Nguyễn Văn Quế (SN 1992, trú tại xã Phúc Sơn, huyện Tân Yên, Bắc Giang); Lê Thị Mạnh (SN 1991, trú tại xã Toàn Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình); Trần Đức Biển (SN 1970, trú tại phường Hữu Nghị, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình); Nguyễn Minh Đức (SN 1992, trú tại phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội); Trần Văn Quân (SN 1993, trú tại huyện Hàm Nghi, tỉnh Tuyên Quang).

CQCA cho biết, khoảng tháng 10-2021, Đỗ Danh Ngọc nảy sinh ý định làm giả giấy khám sức khỏe và các loại giấy tờ liên quan đến bệnh viện để bán lấy tiền nên đã bàn với vợ và Nguyễn Thị Hà cùng thực hiện. Hà đã lên mạng xã hội tìm mối đặt lam giả các con dấu tròn và dấu chức danh bác sỹ các loại và đặt mua 9 con dấu tròn đỏ của các bệnh viện: "Bệnh viện E, bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Bạch Mai, Công ty cổ phần giao thông vận tải, Bệnh viện đa khoa tỉnh - Sở y tế tỉnh Quảng Ninh, Bệnh viện đa khoa Cẩm Phả, Trung tâm y tế huyện Hải Hà - Sở y tế tỉnh Quảng Ninh, Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng, Bệnh viện Chợ Rẫy";

Cùng các con dấu: "Âm tính, tim phổi bình thường, đủ sức khỏe làm việc, đủ sức khỏe học tập và làm việc..." và các con dấu chức danh, dấu tên các bác sỹ của các bệnh viện trên của một người không quen biết hết tổng số tiền khoảng 20 triệu đồng. Sau đó, Ngọc tải các mẫu giấy khám sức khỏe, giấy xét nghiệm, giấy ra viện, phiếu thu của các bệnh viện mang đi photocopy nhiều bản.

Tiếp đến, Ngọc tìm cộng tác viên đăng bài tìm kiếm khách hàng là những người có nhu cầu làm các loại giấy tờ giả trên. Khi các cộng tác viên tìm được người có nhu cầu làm giấy tờ giả thì sẽ nhắn tin ảnh, thông tin cá nhân, số lượng, loại giấy tờ của từng bệnh viện và địa chỉ, số điện thoại của người nhận cho Ngọc để làm giả theo yêu cầu.

Chồng rủ vợ làm giả giấy khám sức khỏe bán kiếm tiền
Rất nhiều con dấu được cac đối tượng làm giả

Mức giá mà các đối tượng đưa ra từ 20.000 đồng- 60.000 đồng/ giấy tờ giả các loại. Nếu đơn hàng nhiều thì có thể giảm giá; các cộng tác viên trực tiếp giao dịch, tự thỏa thuận giá cả với người cần mua và được hưởng khoản tiền chênh lệch. Mỗi đơn hàng, Hà sẽ là người điền các thông tin, ký tên các bác sỹ, người kết luận vào các giấy tờ còn Ngọc dán ảnh, đóng dấu để hoàn thiện. Sau đó, các đối tượng “ship” cho khách hàng thông qua các ứng dụng giao hàng trên điện thoại.

Đến tối 13-3-2022, Ngọc nhận được đơn hàng làm 1 giấy khám sức khỏe giả khổ A3 của Công ty cổ phần bệnh viện giao thông vận tải với giá 130.000 đồng chuyển đến phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội. Trên đường vận chuyển thì nam thanh niên shipper bị lực lượng công an kiểm tra hành chính và phát hiện nhiều biểu hiện nghi vấn trong gói hàng.

Qua kiểm tra phát hiện 1 giấy khám sức khỏe nghi là giả của Công ty cổ phần Bệnh viện giao thông vận tải (giấy khổ A3, không số, không dán ảnh, có chữ ký bác sỹ khác nhau và dưới mục người kết luận có chữ ký và đóng dấu tròn đỏ). Từ lời khai của Shipper, CQCA đã triệu tập Ngọc đến làm việc. Đối tượng đã tự nguyện giao nộp 14 phong bì thư, bên trong có 23 giấy khám sức khỏe làm giả.

Tại CQCA, Ngọc có đơn xin đầu thú khai nhận toàn bộ hành vi của bản thân. CQCA cũng đã triệu tập Nguyễn Thị Hà đến làm việc và Hà cũng nhận thức được hành vi của bản thân là vi phạm pháp luật nên có đơn xin đầu thú khai nhận toàn bộ hành vi vi phạm của bản thân. Khám xét tại phòng trọ của Đỗ Danh Ngọc đã thu giữ toàn bộ các con dấu, cùng nhiều loại giấy khám sức khỏe khác.

Điều tra mở rộng, CQCA làm rõ cộng tác viên hỗ trợ cho Ngọc gồm: Trần Văn Quân, Nguyễn Minh Đức, Nguyễn Văn Quế, Lê Thị Mạnh, Trần Đức Biển. Các đối tượng này rao bán các giấy tờ giả trên mạng, khi có đơn đặt hàng sẽ báo lại cho Ngọc rồi hưởng chênh lệnh. Trong khoảng thời gian thực hiện hành vi phạm tội, mỗi đối tượng cộng tác viên đã bán hàng trăm giấy tờ giả hưởng lợi bất chính từ 2,5 triệu đồng – 6 triệu đồng.

Theo Công an quận Hà Đông, “khách hàng” của các đối tượng này ở các tỉnh thành khác nhau nên chủ yếu mua qua mạng xã hội. Cá biệt có một số là học viên nộp hồ sơ thi giấy phép lái xe ô tô.

Với tinh thần quyết tâm đấu tranh với tội phạm, dù khám phá ra đường dây này gặp rất nhiều khó khăn nhưng CBCS Công an quận Hà Đông đã sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, tập trung lực lượng tiến hành điều tra, truy xét và bắt giữ toàn bộ các đối tượng tham gia vào đường dây, thu giữ được các tang vật liên quan.

Quý Khánh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.