Sắc màu văn hóa truyền thống xuống phố

Đầu tháng 4, các hoạt động văn hóa nghệ thuật tưng bừng xuống phố đi bộ Hồ Gươm và các vùng phụ cận đã tạo nên sắc màu văn hóa, níu chân du khách.
Nghệ thuật Tuồng biểu diễn định kỳ tại các ngày cuối tuần địa điểm 64 Mã Mây (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Nghệ thuật Tuồng biểu diễn định kỳ tại các ngày cuối tuần địa điểm 64 Mã Mây (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Khác với bức tranh đơn sắc thường thấy, phố đi bộ Hồ Gươm và các vùng phụ cận quanh khu vực quận Hoàn Kiếm vào dịp cuối tuần hiện nay là sắc màu thanh âm nhộn nhịp, tươi trẻ.

Bức tranh Hà Nội hào hoa với nghệ thuật ca trù, với tranh truyền thần, với nghệ thuật thư pháp… hay một Hà Nội hiện đại, trẻ trung với đầy đủ loại hình ca kịch, được thoải mái dạo bộ không lo va chạm xe cộ. Một Hà Nội đơn giản là được “chill” với những sắc màu văn hóa nghệ thuật đường phố.

Hòa vào tuyến phố đi bộ, bất cứ du khách mọi lứa tuổi cũng tìm thấy không gian nghệ thuật cộng đồng cho riêng mình. Trẻ nhỏ vui cười với màn xiếc nhào lộn, thăng bằng, đu dây hay xiếc thú trước đền Bà Kiệu, đường Đinh Tiên Hoàng được biểu diễn từ các nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và tạp kỹ Hà Nội, thưởng thức màn múa rối cạn tại Nhà hát Múa rối Thăng Long.

Khán giả trung niên dạo qua khu vực tượng đài Vua Lê trên đường Lê Thái Tổ để nghe các nghệ sĩ hát xẩm, hát ca trù. Hay đền Bạch Mã nghe hát Văn, đền Hương Tượng địa chỉ 64 Mã Mây thưởng thức nghệ thuật Tuồng. Trước cửa rạp Chuông Vàng 72 Hàng Bạc, biểu diễn cải lương, ca kịch dân tộc. Đình Kim Ngân 42-44 Hàng Bạc biểu diễn âm nhạc truyền thống.

Ngay trước cửa rạp Công nhân tại phố Tràng Tiền, du khách thưởng thức các trích đoạn vở diễn, kịch diễn, được giao lưu với các nghệ sĩ nổi tiếng trên sân khấu và màn ảnh như Thanh Hương, Thúy An, Mạnh Hưng… Nhiều trích đoạn sân khấu vui tươi, dí dỏm tạo tiếng cười sảng khoái.

Tại các khu vực khác như: Nhà bát giác (sân sau vườn hoa tượng đài Vua Lý Công Uẩn), khu vực đồng hồ hoa (ngã tư Hàng Khay, Hàng Bài, Tràng Tiền) là các chương trình biểu diễn của Ban nhạc Flamingo, biểu diễn độc tấu nhạc kèn, hòa tấu nhạc cụ dân tộc…

Trước khu vực Tượng đài Cảm Tử là các hoạt động trò chơi dân gian giới thiệu cách nặn tò he, giữa lòng phố đi bộ bày xếp trò chơi ô ăn quan, đánh chuyền, nhảy dây,… làm cho không gian phố đi bộ có nhiều điểm nhấn.

Trải nghiệm không gian công cộng với hoạt động nghệ thuật phong phú tại tuyến phố đi bộ là điểm đến “quen mà lạ”, giúp du khách thêm yêu mến Hà Nội. Các nghệ sĩ có cơ hội trình diễn, tạo động lực gắn bó với nghề sau thời gian sân khấu “đóng băng” vì dịch. Với slogan “Hà Nội – Đến để yêu”, hoạt động Du lịch Hà Nội 2022 triển khai đồng bộ các loại hình nghệ thuật xuống phố vừa phát huy giá trị nghệ thuật ca kịch truyền thống vừa đánh thức tiềm năng phát triển du lịch, tạo bức tranh du lịch thêm khởi sắc.

Mộc Miên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.