Từ những vụ mâu thuẫn tình ái mang lửa đi trả thù:

Bi kịch từ thiếu kiềm chế, thiên về cái tôi quá mức

Rất nhiều vụ án mạng vì ghen tuông xảy ra trong thời gian qua đã được các chuyên gia và luật sư chỉ ra nguyên nhân chính là do ghen tuông bộc phát, nhưng cũng là hệ quả của mâu thuẫn tích tụ từ trước.
Nghi phạm Trần Thị Thanh Hải phóng hỏa đốt nhà trọ khiến 6 người thương vong
Nghi phạm Trần Thị Thanh Hải phóng hỏa đốt nhà trọ khiến 6 người thương vong

Những vụ án điển hình

Mới đây, CA quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết, đơn vị đang tạm giữ nghi phạm Trần Thị Thanh Hải, SN 1993, quê Nam Định để điều tra về vụ hỏa hoạn xảy ra tại nhà trọ ở ngõ 60 phố Phú Đô, phường Phú Đô khiến một người chết, 5 người bị thương.

Tại CQCA, bước đầu Hải khai cuối năm 2019 bắt đầu có tình cảm với anh H (quê Tuyên Quang), nhưng gia đình anh này ngăn cản, không đồng ý cho hai người kết hôn, nên hai bên thường xuyên xảy ra cãi vả.

Tối 31-3, Hải mua một chai xăng, khi đến khu trọ phát hiện xe máy của anh V và châm lửa đốt. Sau 6 - 7 lần bật diêm, chiếc xe bùng cháy và lan nhanh cả tầng 1, khói lan lên cả tòa nhà. Vụ hoả hoạn khiến 1 người tử vong, 5 người bị thương.

Trước đó, ngày 2-4-2022, CA phường 2, quận Bình Thạnh, TP HCM cho biết đã lập hồ sơ xử lý nam thanh niên tên H, SN 1996, về hành vi hủy hoại tài sản. H là đối tượng đổ dầu, phóng hỏa đốt nhà bạn gái khiến căn nhà cháy rụi, đổ sập hoàn toàn vào trưa 26-3. Do mâu thuẫn tình cảm với chị T, SN 1999, anh H đã mua 18 lít dầu rồi tìm đến nhà chị T trên đường Bùi Hữu Nghĩa, phường 2 để "nói chuyện". H nổi nóng nên đã lấy dầu chuẩn bị sẵn tưới ra nhà và châm lửa đốt.

Cùng ngày, CA quận Hà Đông, Hà Nội cho biết, đơn vị đang tạm giữ hình sự Lê Xuân Dân, SN 1982, để làm rõ hành vi gây rối trật tự công cộng. Theo đó, gọi điện cho người tình không được, nảy sinh ghen tuông, Lê Xuân Dân đã mua xăng về đổ ra nền nhà, khống chế con gái 7 tuổi, đe dọa đốt nhà nhằm gây áp lực để được gặp người tình. Rất may công an đã kịp thời ngăn chặn hành vi của Dân.

Xung đột nhỏ nhưng hậu quả họ gây ra lại rất lớn

Một số chuyên gia cho rằng, những vụ án giết người do ghen tuông thường bộc phát nên rất khó phát hiện. Để đấu tranh có hiệu quả, hạn chế loại tội phạm này, quan trọng là phải đẩy mạnh giáo dục đạo đức và tuyên truyền pháp luật cho mọi đối tượng. Cái ác xuất phát từ tâm, tâm ác dẫn đến hành vi thủ ác. Cái ác sẽ không có chỗ đứng nếu con người định hướng cho mình lối sống nhân văn. Bên cạnh việc giáo dục hướng thiện, cần đề cao trách nhiệm của hệ thống chính trị, tổ chức đoàn thể ở cơ sở trong việc phát hiện, xử lý, hóa giải các mâu thuẫn từ cơ sở.

PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn, Phó Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống (INS) Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, hành vi bộc phát dẫn tới những vụ án mạng xuất phát từ mâu thuẫn tình cảm trong sinh hoạt gia đình không chỉ là biểu hiện nhất thời mà đã tích tụ trong một thời gian dài. Bên cạnh đó có vấn đề đạo đức xuống cấp, việc giáo dục đạo đức, giáo dục pháp luật, giáo dục kỹ năng sống không được đề cao dẫn tới khi xảy ra xung đột, dù là xung đột nhỏ nhưng hậu quả họ gây ra lại rất lớn.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đinh Thị Nguyên, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, trong những vụ án trên, thiệt hại không chỉ là tài sản mà còn là tính mạng, sức khỏe của nhiều người. Đặc biệt, các nghi phạm biết là hành vi có thể dẫn đến nguy hiểm tính mạng người khác nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi hủy hoại tài sản dẫn đến hậu quả chết người, và với những hành vi của mình các nghi phạm có thể xử lý hình sự về tội "Giết người" theo Điều 123 BLHS.

Trường hợp các nghi phạm không nhận thức được là hành vi của mình có thể dẫn đến chết người, không có mục đích giết người, sự việc thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ của người khác nằm ngoài ý thức chủ quan vẫn có thể bị xử lý hình sự về tội "Vô ý làm chết người" theo quy định tại Điều 128 BLHS với khung hình phạt cao nhất có thể tới 10 năm tù nếu hậu quả làm chết nhiều người.

Theo luật sư Nguyên, những mâu thuẫn tình cảm ghen tuông trong các vụ án vừa qua nguyên nhân không chỉ đến tình cảm vật chất mà còn từ sự đố kỵ, nghi hoặc từ những việc nhỏ nhặt. Điều đáng nói là mâu thuẫn không chỉ diễn ra đối với các cặp đôi còn đang yêu mà ngay cả các gia đình vợ chồng sinh sống nhiều năm thậm chí có con cái thì mâu thuẫn tình cảm vẫn xảy ra do ghen tuông.

Các mâu thuẫn tình cảm ko phải là bộc phát mà đã tích tụ trong một thời gian dài nên khi xảy ra rất khó lường. Bên cạnh đó việc đạo đức xuống cấp, việc giáo dục pháp luật, kỹ năng sống không được đề cao, cũng là một trong những nguyên nhân xảy ra hậu quả đau lòng. Có thể thấy trong các vụ việc trên, những kẻ gây án đã coi thương pháp luật, thiếu kiềm chế, thiên về cái tôi quá mức nên khi bị phụ tình, họ tìm cách trả thù dẫn đến những tội ác không thể tha thứ.

Luật sư Nguyên cho rằng, bên cạnh công tác truyền thông giáo dục đến các đối tượng về ứng xử văn hóa, tôn trọng con người, thượng tôn pháp luật, thì vấn đề hỗ trợ giải quyết, sự quan tâm của gia đình cần được đề cao. Qua đó, kịp thời phát hiện các mâu thuẫn để hỗ trợ các bên liên quan, xử lý mâu thuẫn, không để xảy ra sự việc đáng tiếc.

Khi vướng phải chuyện tình cảm mà ở đó chưa rõ ràng, phải biết tự kiềm chế cái tôi cá nhân để có ứng xử cho đúng mực, tránh rơi vào trạng thái bộc phát mà gây ra những hậu quả khôn lường cho người khác cũng như chính bản thân mình.

Thái An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.