Hiện thực hóa giấc mơ “Thành phố hai bên dòng sông Hồng”

Theo UBND quận Hoàn Kiếm, việc phát triển khu vực bãi giữa sông Hồng của quận nhằm hướng tới mục tiêu cụ thể hóa định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Hiện thực hóa giấc mơ “Thành phố hai bên dòng sông Hồng”
Xây dựng công viên ở bãi giữa sông Hồng sẽ mang lại rất nhiều lợi ích về kinh tế, văn hóa, du lịch của Thủ đô. Ảnh: Khánh Huy

Nâng cao chất lượng sống của người dân Thủ đô, kích cầu phát triển văn hóa, du lịch

UBND quận Hoàn Kiếm cho biết quận sẽ khai thác hiệu quả quỹ đất và lợi thế tiềm năng, vẻ đẹp tự nhiên của sông Hồng; đầu tư cải tạo khu vực bãi giữa, bãi bồi ven sông thành công viên văn hóa du lịch, định hướng lấy sông Hồng là trục cảnh quan tạo ra không gian mở, xanh, có hạ tầng đô thị văn minh, hiện đại, làm điểm đến vui chơi, tham quan du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Cùng với đó, quận sẽ tôn tạo các không gian xanh, cảnh quan, mặt nước; giải quyết vấn đề lấn chiếm đất bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng, vi phạm trật tự xây dựng; cải thiện vệ sinh môi trường.

Khu vực bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm thuộc địa bàn phường Chương Dương và Phúc Tân. Diện tích này không cố định phụ thuộc mùa nước từng năm, được tiếp giáp với 3 quận: Ba Đình, Hai Bà Trưng và quận Long Biên. Khu vực bãi giữa có diện tích khoảng 23 hécta nằm chủ yếu trên địa bàn phường Phúc Tân, trong đó có một phần (khoảng một ha) thuộc địa phận quận Long Biên.

UBND quận Hoàn Kiếm cũng nhấn mạnh bên cạnh việc siết chặt quản lý về đất đai tại khu vực bãi giữa sông Hồng, quận đã quan tâm vận động quần chúng chung tay trong việc bảo vệ môi trường làm sạch sông Hồng.

Trước đó, vào năm 2020, UBND quận cũng đã thực hiện thành công dự án con đường nghệ thuật tại phường Phúc Tân từ những vật liệu tái chế để trở thành điểm tham quan, du lịch hấp dẫn của du khách khi tới quận Hoàn Kiếm và Thủ đô Hà Nội.

Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm- Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, việc xây dựng công viên tại bãi giữa sông Hồng sẽ kế thừa các đề án đã có từ trước, nhằm tạo ra sự hấp dẫn mới cho khu vực bờ bãi sông Hồng. Mục tiêu của dự án là khai thác tiềm năng quỹ đất, vì khu vực bãi sông Hồng quỹ đất rất lớn, cần được khai thác. Tiềm năng 23ha có thể bố trí được cả đất ở, công trình giao thông đường thủy, đất công viên, vườn hoa để vui chơi, giải trí. Nếu dự án thành công thì diện tích cây xanh trên đầu người tại Hà Nội sẽ tăng lên là khoảng 7-8/m2.

Cùng với đó, các bãi sông này còn có thể phát triển không gian sinh thái nông nghiệp với mô hình nông nghiệp sạch kết hợp du lịch. Tại đây, chúng ta có thể xây dựng các công viên văn hóa, công viên chuyên đề, quảng trường đô thị, khu vui chơi, giải trí, bãi đỗ xe, các tuyến đường giao thông nội bộ dành cho xe cơ giới, xe đạp, đường đi bộ,… Đặc biệt, sau khi quy hoạch, đường thủy sẽ hỗ trợ rất nhiều cho giao thông của TP, còn giúp Hà Nội kết nối nhiều hơn nữa với các địa phương thuộc Hà Nội cũng như các tỉnh lân cận.

Theo KTS Trần Huy Ánh - Hội Kiến trúc sư Hà Nội, điều quan trọng ở dự án này là xây dựng khu vực trở thành mặt tiền của TP như nhiều nước phát triển trên thế giới thay vì là mặt sau, nơi đang bị bỏ phí và xả rác như hiện nay. Ông Ánh cũng nhấn mạnh việc phát triển bãi giữa thành công viên thì việc bảo vệ tài sản công sẽ được tốt hơn, tránh được việc đất bị lấn chiếm gây bức xúc,…

Đặc biệt lưu ý vấn đề thoát lũ

Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, việc phát triển bãi giữa sông Hồng trở thành công viên, lưu ý lớn nhất là phải có đủ cơ sở pháp lý, đồng thời có sự đồng thuận lớn của dân cư tại đây. Ngoài ra, vấn đề cần đặc biệt quan tâm nghiên cứu là đảm bảo an toàn thoát lũ, bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu về dịch vụ văn hóa, giải trí của người dân, vì dòng nước sông Hồng có tính biến đổi lớn giữa các mức báo động. Mỗi cấp độ báo động lũ sẽ có mức ảnh hưởng khác nhau đến dự án này. Dự án phải tính được đến sự biến đổi ngập lụt nước sẽ triển khai các hoạt động ra sao. Việc này phải được nghiên cứu kỹ lưỡng bởi các đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm.

KTS Trần Ngọc Chính cho rằng bài toán quan trọng cần giải quyết là việc kết nối giao thông, hạ tầng với xung quanh. Đây là địa bàn có đường đi khá phức tạp nên địa phương cần cân nhắc phương tiện, đường đi như thế nào cho người dân được thuận tiện, an toàn. Một trong những vấn đề khó khăn được các chuyên gia đưa ra là vấn đề nguồn lực, bởi vì đầu tư dự án đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn và phải làm thế nào để có được nguồn lực khai thác dự án và cơ chế chính sách thu hút các nhà đầu tư.

Việc xây dựng công viên văn hóa du lịch ở bãi giữa sông Hồng không chỉ phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế mà nâng được giá trị không gian xanh Thủ đô Hà Nội, tạo ra chất lượng sống mới cho người dân, nhất là giới trẻ, từ đó kích cầu văn hóa, du dịch Thủ đô ngày càng có những bước phát triển đột phá.

An Nhiên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.