Sập bẫy cán bộ dởm vì mong muốn tháo gỡ được vướng mắc

VKSND TP Hà Nội vừa hoàn tất hồ sơ truy tố bị can Vy Hồng Tiến, SN 1976, quê Bắc Giang, về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, Điều 174, khoản 4, điểm a - Bộ luật Hình sự năm 2015.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tự xưng là cán bộ Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn

Theo cáo trạng truy tố, Vy Hồng Tiến là đối tượng không nghề nghiệp ổn định. Năm 2017, qua các mối quan hệ xã hội, Tiến quen biết với anh Lý Minh Chánh, SN 1975, quê Sóc Trăng; GĐ Cty TNHH Một thành viên Vựa Heo Tý (Cty Vựa Heo Tý).

Tiến giới thiệu mình đang công tác tại Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, có khả năng lo giải quyết các khiếu nại trong hoạt động sản xuất giết mổ gia súc của Cty anh Chánh. Để tạo niềm tin, Tiến đã gửi cho những người liên quan một bộ hồ sơ về hoạt động của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn qua email.

Tin lời Tiến, anh Chánh đã chuyển cho Tiến 700 triệu đồng để nhờ Tiến giải quyết vướng mắc trong hoạt động của Cty. Sau khi nhận số tiền trên, Tiến gặp bạn là anh Nguyễn Văn Tiện, SN 1981, từng làm việc tại Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn từ năm 2005 đến năm 2017). Tiến đưa cho anh Tiện 400 triệu đồng để nhờ anh Tiện giải quyết nhưng không bàn bạc, không nói rõ sự việc cũng như nguồn gốc của số tiền cho anh Tiện biết. Do không giải quyết được công việc, sau đó, anh Tiện đã trả lại cho Tiến số tiền 320 triệu đồng và nộp lại cho CQĐT 80 triệu đồng.

CQĐT xác định, khi nhận số tiền 400 triệu đồng do Tiến, anh Tiện không biết rõ về nguồn gốc của số tiền này. Kết quả điều tra xác định, anh Tiện không bàn bạc với Tiến để chiếm đoạt số tiền của anh Chánh. Do hành vi của anh Tiện không đồng phạm với Tiến, CQĐT không đề cập xử lý. Sau khi nhận lại tiền, Tiến không hoàn trả cho anh Chánh mà chiếm đoạt sử dụng cá nhân hết toàn bộ số tiền 620 triệu đồng. Hiện, Tiến vẫn chưa bồi thường, khắc phục hậu quả cho bị hại trong vụ án này.

Phạm tội với lỗi cố ý

Về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, luật sư Phạm Đắc Hải, Đoàn LS TP Hà Nội, phân tích, lừa đảo chiếm đoạt tài sản được hiểu là hành vi dùng thủ đoạn gian dối làm cho chủ sở hữu, người quản lý tài sản tin nhầm giao tài sản cho người phạm tội để chiếm đoạt tài sản đó.

Mặt khách quan của tội này có các dấu hiệu: Về hành vi, có hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản. Dùng thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin giả (không đúng sự thật) nhưng làm cho người khác tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội. Việc đưa ra thông tin giả có thể bằng nhiều cách khác nhau như bằng lời nói, bằng chữ viết (viết thư), bằng hành động… và bằng nhiều hình thức khác như giả vờ vay, mượn, thuê để chiếm đoạt tài sản.

Chiếm đoạt tài sản, được hiểu là hành vi chuyển dịch một cách trái pháp luật tài sản của người khác thành của mình. Đặc điểm của việc chiếm đoạt này là nó gắn liền và có mối quan hệ nhân quả với hành vi dùng thủ đoạn gian dối. Thời điểm hoàn thành tội phạm này được xác định từ lúc kẻ phạm tội đã chiếm giữ được tài sản sau khi đã dùng thủ đoạn gian dối để làm cho người chủ sở hữu tài sản hoặc người quản lý tài sản bị mắc lừa gia tài sản cho kẻ phạm tội hoặc không nhận tài sản đáng lẽ phải nhận.

Dấu hiệu bắt buộc của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là người phạm tội sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản. Nếu có hành vi gian dối mà không có hành vi chiếm đoạt (chỉ chiếm giữ hoặc sử dụng), thì tuỳ từng trường hợp cụ thể mà người có hành vi gian dối trên bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Chiếm giữ trái phép” hoặc tội “Sử dụng trái phép tài sản”, hoặc đó chỉ là quan hệ dân sự. Trường hợp hành vi gian dối hay hành vi chiếm đoạt cấu thành vào một tội danh độc lập khác, thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” mà chỉ bị truy cứu những tội danh tương ứng đó.

Dấu hiệu khác, về giá trị tài sản chiếm đoạt, giá trị tài sản bị chiếm đoạt phải từ hai triệu đồng trở lên. Nếu dưới hai triệu đồng thì phải thuộc trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bi kết án về tội chiếm đoạt tài sản chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì người thực hiện hành vi nêu trên mới phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này. Đây là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này.

Mặt chủ quan, người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý.

Như vụ án trên, Vy Hồng Tiến phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thuộc điểm a, khoản 4, Điều 174 thì khung hình phạt đối tượng phải đối mặt từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Bảo An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.