Làn gió mới thiết kế cổ phục của giới trẻ

Từ phim ảnh bước ra đời sống đương đại, các thiết kế cổ phục truyền thống tạo sự thân thuộc, nối gần khoảng cách các thế hệ.
Phong trào mặc cổ phục của giới trẻ tại các sự kiện truyền thống. Ảnh tư liệu
Phong trào mặc cổ phục của giới trẻ tại các sự kiện truyền thống. Ảnh tư liệu

Mấy năm gần đây, các bộ phim cổ trang như “Phượng Khấu”, “Kiều”,…ra mắt đã tạo được sự quan tâm đặc biệt của khán giả về phục trang trên màn ảnh. Nắm bắt nhu cầu của công chúng, xu hướng thiết kế cổ phục nở rộ cộng đồng giới trẻ. Rất nhiều các hội, nhóm thương hiệu cổ phục nối tiếp ra đời như Nguyên Phong Đoạn Lĩnh, Thủ Phất Thanh Đài, Thiên Nam Lịch Đại Hậu Phi, Đại Nam Hội Quán, Ỷ Vân Hiên, Đại Việt Fancy, Nam Phong Viện, V'style - Việt Cổ Phục Cách Tân, Vietnam Centre, Phượng Điển... Việc giới trẻ bắt tay vào phỏng dựng trang phục cổ không đơn thuần để trưng bày, trình diễn sân khấu mà còn mang đến cảm hứng cho công chúng khi được sống cùng lịch sử.

Từng nhớ thời điểm cuốn sách song ngữ đầu tiên về trang phục cổ thời Lê Sơ thế kỷ 15 mang tên “Dệt nên triều đại” do biên kịch Lê Ngọc Linh và nhóm bạn trẻ sinh sống và học tập tại Úc ra mắt năm 2017 tại Hà Nội mang tới luồng gió mới về việc đưa tác phẩm cổ phục tái sinh qua đời sống đương đại.

Điều ấn tượng với độc giả là cuốn sách trích rõ văn bản về sự hình thành, phát triển của trang phục thời Lê sơ. Nội dung được chia thành các chương dựa theo từng loại trang phục như áo giao lĩnh, áo viên lĩnh, áo đối khâm… cùng với đó là cấu tạo của trang phục cũng như hướng dẫn cách mặc trang phục từng bước chi tiết. Việc đầu tư sinh động bằng tranh vẽ và ảnh chụp cũng là những điểm sáng hiếm thấy với bất kỳ cuốn sách lịch sử nào.

Ngoài ra, cuốn sách trang phục cổ “Dệt nên triều đại” có sự so sánh những điểm giống, khác của cổ phục Việt Nam với các quốc gia khác như Hàn Quốc, Nhật Bản hay Trung Quốc để thấy được sự giao thoa văn hóa, sự học hỏi và sáng tạo của người Việt.

Tiếp lửa cho việc tạo dựng trang phục cổ nhóm Đại Việt Cổ Phong giới thiệu nhiều hoạt động như dự án chiếc áo Giao Lĩnh thời Lê, dự án áo dài thời Nguyễn, dự án Việt Nam cổ phục... Dịp tháng 3 tại Hà Nội, triển lãm một số trang phục người Việt dưới thời Nguyễn diễn ra không gian Mu Lala Art Space (phường Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội) của Thủy Trung Nguyệt và Đại Nam Chân Ảnh; tour “Bác Cổ - Mùa hoa gạo” tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia có sự đồng hành của thương hiệu V'style - Việt Cổ Phục cách tân.

Không phủ nhận, hiện nay người trẻ hướng về nguồn cội là định hướng văn minh cần được lan tỏa. Các trang phục cổ được đầu tư, tìm tòi, sáng tạo sẽ kể câu chuyện lịch sử từ khía cạnh dệt và may để quảng bá văn hóa Việt.

Đây cũng là một cơ hội tuyệt vời để khẳng định trang phục truyền thống Việt Nam không chỉ bao gồm áo dài, người Việt cũng như cộng đồng thế giới cần mở lòng đón nhận những bộ trang phục cổ từng là nét đặc trưng vốn có trong trang phục Việt xưa.

Mộc Miên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.