Sở Tư pháp Hà Nội xây dựng dự thảo quy trình thực hiện Đề án 06:

Kỳ 1: Chủ động thực hiện Đề án, phân công nhiệm vụ chủ trì tham mưu, phối hợp

Nhằm thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư; định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06), Sở Tư pháp TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch, chủ động xây dựng dự thảo quy trình triển khai thực hiện Đề án, báo cáo Bộ Tư pháp.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cùng đoàn công tác làm việc với Sở Tư pháp Hà Nội về thực hiện Đề án 06
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cùng đoàn công tác làm việc với Sở Tư pháp Hà Nội về thực hiện Đề án 06

Theo đó, Sở Tư pháp đã ban hành Kế hoạch số 23/KH-STP ngày 11-3-2022 thực hiện Đề án 06, xác định, phân công nhiệm vụ chủ trì tham mưu, phối hợp, thời hạn thực hiện, hoàn thành nhiệm vụ của các phòng, đơn vị.

Cử GĐ Sở tham gia Phó Ban Chỉ đạo 06 TP; cử Trưởng Phòng Hành chính tư pháp tham gia Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo 06 TP, tham gia các cuộc họp của Ban Chỉ đạo, báo cáo, tổng hợp khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất.

Căn cứ Quyết định công bố TTHC lĩnh vực tư pháp do Bộ Tư pháp ban hành, Sở Tư pháp đã xây dựng quy trình nội bộ giải quyết 192 TTHC lĩnh vực tư pháp cấp TP, cấp huyện, cấp xã trình UBND TP ban hành (Quyết định số 417/QĐ-UBND ngày 27-01-2022) quy định về việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trực tiếp và xây dựng Quy trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trực tuyến qua Cổng Dịch vụ công.

Sở chỉ đạo UBND cấp huyện, UBND cấp xã đăng ký các sự kiện hộ tịch đầy đủ, chính xác, đúng quy định pháp luật và cập nhật kịp thời vào Cổng Dịch vụ công, Một cửa điện tử TP, Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử tích hợp, chia sẻ với Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư.

Cùng với đó, chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp, ghi chú người thôi quốc tịch Việt Nam (hơn 1.176 trường hợp); rà soát người không quốc tịch, người chưa xác định được quốc tịch, người không có giấy tờ chứng minh nhân thân (85 trường hợp); người di cư, trẻ em là con lai giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài trên địa bàn (hơn 1.564 trường hợp); các trường hợp thông tin chưa chính xác hoặc chưa thống nhất cần kiểm tra, xử lý, bảo đảm dữ liệu hộ tịch và dân cư luôn “đúng, đủ, sạch, sống”.

Đồng thời, chỉ đạo UBND quận, huyện, thị xã thống kê sổ hộ tịch, lập dự toán trình HĐND, huyện, thị xã bố trí kinh phí số hóa sổ hộ tịch, xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch theo Nghị định số 87/2020/NĐ-CP, Thông tư số 01/2022/TT-BTP và Hướng dẫn số hóa sổ hộ tịch của Bộ Tư pháp.

Đối với các TTHC thiết yếu ưu tiên tích hợp chia sẻ dữ liệu dân cư với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Liên quan đến trách nhiệm của Sở Tư pháp có các thủ tục gồm: Đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử, đăng ký kết hôn; Liên thông đăng ký khai sinh – đăng ký thường trú – cấp thẻ Bảo hiểm y tế; Liên thông đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú – trợ cấp mai táng phí; Cấp phiếu lý lịch tư pháp. Trong đó các TTHC gồm đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn, đăng ký khai tử thực hiện trong tháng 3-2022.

Theo báo cáo của GĐ Sở Tư pháp Ngô Anh Tuấn trong buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cùng đoàn công tác về thực hiện Đề án 06: Hàng năm, UBND cấp huyện, UBND cấp xã trên toàn TP giải quyết hơn 120 nghìn hồ sơ đăng ký khai sinh, 40 nghìn hồ sơ đăng ký kết hôn, 40 nghìn hồ sơ đăng ký khai tử và hàng nghìn hồ sơ khác. Các sự kiện hộ tịch được đăng ký đầy đủ, chính xác, đúng quy định.

Từ ngày 01-01-2016, TP Hà Nội đã sử dụng Phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch. Tính đến 12g00 ngày 22-3-2022, trên Cơ sở dữ liệu hộ tịch có: 1.227.895 dữ liệu đăng ký khai sinh, trong đó 790.226 dữ liệu khai sinh được cấp số định danh cá nhân; 86.185 dữ liệu đăng ký kết hôn; 53.606 dữ liệu đăng ký khai tử; 355 dữ liệu đăng ký nhận cha mẹ con; 35 dữ liệu đăng ký giám hộ; 27.323 dữ liệu xác nhận tình trạng hôn nhân; 63 dữ liệu nhận con nuôi trong nước; 7.620 dữ liệu thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc.

Để thực hiện Đề án 06 về các TTHC này, Sở Tư pháp đã xây dựng 03 dự thảo Quy trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn, đăng ký khai tử qua Cổng Dịch vụ công gửi các cơ quan liên quan để góp ý, tổng hợp, trình UBND TP ban hành (Công văn số 629/STP-HCTP ngày 18-3-2022 của Sở Tư pháp).

Phối hợp Sở Thông tin và truyền thông, Văn phòng UBND TP, Cục Công nghệ thông tin - Bộ Tư pháp, Cục Tin học hóa - Bộ Thông tin và truyền thông cung cấp dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công, Một cửa điện tử TP kết nối, chia sẻ thông tin với Phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch, Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc đã ghi nhận, đánh giá những thành tích của Sở Tư pháp Hà Nội. Đề án 06 chỉ mới bắt đầu thôi nhưng Hà Nội đã rất quyết liệt, Sở Tư pháp đã chủ động trong việc triển khai thực hiện.

(Còn nữa)

Bạch Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.